Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

Sự phát triển mạnh mẽ của Internet thay đổi nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Trong đó, phương tiện nghe, nhìn có lợi thế, phù hợp, thuận tiện hơn so với đọc sách, báo giấy. Tuy nhiên, đọc sách theo cách truyền thống vẫn mang nét văn hóa, giá trị kiến thức riêng cần duy trì, phát triển trong cộng đồng.

Hiện nay, ở nơi công cộng, hiếm khi nhìn thấy người cầm sách chăm chú đọc. Thay vào đó, nhiều người không rời mắt khỏi chiếc điện thoại thường trực trên tay. Anh Lê Hoàng Nam (ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Thông qua nhiều nguồn thông tin, tài liệu trên Internet, ai cũng có thể dễ dàng cập nhật kiến thức. Tuy nhiên, sự hấp dẫn, thu hút của quyển sách nằm ở nội dung tư tưởng, kiến thức chứa đựng bên trong. Điều này là yếu tố quyết định vị thế của sách trước phương tiện nghe, nhìn khác. Tôi nhận thấy kiến thức từ sách vẫn chuyên sâu hơn, bởi nội dung được biên soạn, xuất bản chỉn chu. Điều đặc biệt, khi quen với việc đọc sách, tìm thấy cái hay do sách mang lại, chúng ta sẽ “nghiện” sách”.

Việc xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời luôn gắn với văn hóa đọc, được xem là nhiệm vụ vừa cấp thiết, vừa có ý nghĩa chiến lược, lâu dài. Do đó, hình thành thói quen đọc sách ở mỗi người luôn cần thời gian, phải có sự định hướng của gia đình, nhà trường ngay từ khi còn bé. Chị Nguyễn Thanh Thủy (phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Vợ chồng tôi có chung sở thích đọc sách, nên chúng tôi muốn rèn 2 đứa con thói quen đọc sách. Mỗi tuần, gia đình cùng đi nhà sách, dùng sách làm quà tặng mỗi khi con làm được việc tốt hay đạt thành tích cao trong học tập”.

Đọc sách theo cách truyền thống mang nét văn hóa và giá trị kiến thức riêng

Đọc sách theo cách truyền thống mang nét văn hóa và giá trị kiến thức riêng

UBND tỉnh ban hành kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, hướng đến xây dựng, phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng, phong trào đọc trong mọi tầng lớp Nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa, con người An Giang nghĩa tình, năng động, sáng tạo, có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và khát vọng khởi nghiệp. Kế hoạch đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, chú trọng thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội về tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc. Đồng thời, xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng, phương pháp đọc; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, đẩy mạnh xã hội hóa; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công lập, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng hợp tác về thư viện…

Kế hoạch dự kiến đến năm 2025, phấn đấu 85% học sinh, sinh viên và người học khác ở cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại thư viện công cộng, thư viện của cơ sở giáo dục; 30% người dân khu vực nông thôn, 20% người dân vùng xa, biên giới được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và dịch vụ liên quan tại hệ thống thư viện công cộng, trung tâm văn hóa, học tập cộng đồng; 50% người dân có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc, học tập suốt đời; 90% người sử dụng thư viện có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc, phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí… Đến năm 2030, tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng môi trường đọc với nhiều loại hình đến cơ sở; người dân có thói quen đọc, kỹ năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại nơi sinh sống, học tập, công tác tăng lên, chỉ tiêu phấn đấu đạt từ 0,5 - 1 bản sách/người dân trong hệ thống thư viện công cộng; trung bình mỗi người dân đọc 5 cuốn sách/năm…

Đọc sách không chỉ để tiếp thu tri thức, mà còn là cách để con người rèn luyện tư duy, nuôi dưỡng tâm hồn và nâng cao hiểu biết. Chính vì vậy, việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng là nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng một xã hội học tập, phát triển bền vững. Nhiều hoạt động khuyến khích đọc sách truyền thống được các đơn vị, địa phương, ngành liên quan tổ chức, như: Chuyến xe sách lưu động được thực hiện tại dịp lễ hội; xây dựng thư viện xanh tại trường học; tổ chức cuộc thi thiếu nhi kể chuyện sách, giới thiệu sách, ngày hội sách, tạo không gian vui tươi, thoải mái để người dân tiếp cận với sách. Các hoạt động nhằm tuyên truyền, khuyến khích mỗi cá nhân nâng cao ý thức về giá trị của việc đọc sách, tích cực lan tỏa thói quen này đến cộng đồng.

MỸ LINH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phat-trien-van-hoa-doc-trong-cong-dong-a420049.html