Phát triển vùng chè hữu cơ Thanh Vân

Thực hiện Đề án 'Phát triển vùng chè nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu trên địa bàn huyện Như Xuân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030', những năm gần đây, diện tích trồng chè của người dân từng bước được khôi phục và phát triển thành vùng nguyên liệu chè hữu cơ, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Người dân xã Cát Tân chăm sóc cây chè.

Người dân xã Cát Tân chăm sóc cây chè.

Cùng cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân, chúng tôi đến thăm đồi chè của gia đình bà Đinh Thị Thu ở thôn Thanh Vân, xã Cát Tân.

Vừa đưa tay hái những búp chè non, bà Thu cho biết: Trước đây, diện tích đất vườn đồi của gia đình chủ yếu trồng sắn, keo, hiệu quả kinh tế thấp. Nhận thấy cây chè mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, gia đình đã dần chuyển sang trồng chè. Đến nay, gia đình bà đã trồng được 25 sào chè theo kỹ thuật hữu cơ. Nhờ phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên cây chè phát triển tốt, hiện đang cho thu hoạch.

Sản phẩm chè tươi của gia đình bà Thu được các tư thương trong và ngoài huyện đến thu mua tại vườn với giá từ 300.000 đến 350.000 đồng/tạ. Ngoài ra, gia đình bà còn đầu tư mua máy móc để sao chè cho ra sản phẩm trà khô với giá bán 200.000 đồng/kg, sản lượng mỗi năm đạt khoảng 5 tạ. Ước tính, mỗi năm cây chè mang lại cho gia đình bà thu nhập gần 200 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động.

Thu hoạch búp chè vào buổi sáng sớm để có hương vị đậm đà.

Thu hoạch búp chè vào buổi sáng sớm để có hương vị đậm đà.

Được biết, thôn Thanh Vân, xã Cát Tân vốn là vùng đất trồng chè từ những năm 1970 của thế kỷ trước. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, những năm gần đây người dân lựa chọn phương thức canh tác chè hữu cơ, tạo ra sản phẩm chè sạch. Việc sản xuất chè hữu cơ được thực hiện theo quy trình kỹ thuật trong cả quá trình chăm sóc và thu hoạch. Thông thường, người dân hái chè vào buổi sáng và sao chè trong ngày để đảm bảo chất lượng. Trong giai đoạn này, hàm lượng tanin trong lá chè phù hợp nhất, chè khi uống sẽ không bị đắng.

Quy trình chế biến chè khá cầu kỳ và qua nhiều công đoạn, như: sao chè, vò chè, sao lấy hương… Mỗi công đoạn có thời gian và nhiệt độ khác nhau. Riêng công đoạn sao chè phải được lặp lại 3 lần để đảm bảo được độ khô, giòn của cánh chè. Sau khi sao 3 lần sẽ đến công đoạn cuối cùng là lấy hương. Lúc này, chè được đưa vào máy sao ở nhiệt độ từ 100 - 120 độ C trong khoảng 3 phút sẽ cho ra sản phẩm hoàn thiện.

Công đoạn sao chè hoàn toàn bằng thủ công.

Công đoạn sao chè hoàn toàn bằng thủ công.

Trước đây, chè được sao thủ công, hiệu quả không cao. Năm 2022, HTX dịch vụ nông lâm nghiệp và sản xuất chè hữu cơ Thanh Vân, xã Cát Tân được Tổ chức tầm nhìn Thế giới hỗ trợ 2 máy sao và 3 máy vò chè, vì vậy việc sản xuất chè của bà con thuận lợi hơn. Các sản phẩm trà khô đều có tem nhãn đảm bảo truy xuất nguồn gốc.

Với sự nỗ lực của địa phương cũng như HTX, năm 2023 sản phẩm trà Thanh Vân được công nhận là sản phẩm OCOP.

Sản phẩm trà Thanh Vân sau khi được hoàn thiện.

Sản phẩm trà Thanh Vân sau khi được hoàn thiện.

Được biết, hiện nay vùng nguyên liệu chè HTX dịch vụ nông lâm nghiệp và sản xuất chè Thanh Vân có gần 30 ha, với 75 hộ tham gia, sản lượng trà khô mỗi năm đạt 4,5 tấn, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.

Bài và ảnh: Khắc Công

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/phat-trien-vung-che-huu-co-thanh-van/28147.htm