Phạt tù không phải biện pháp tối ưu với trẻ chưa thành niên phạm tội

Ngày 8/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Tại dự thảo luật, cơ quan soạn thảo - TAND Tối cao đề xuất nhiều chính sách tư pháp theo hướng có lợi cho người dưới 18 tuổi phạm tội, đồng thời bổ sung các biện pháp xử lý theo hướng thủ tục tố tụng thân thiện.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, thế giới quan niệm trẻ em chưa phát triển đầy đủ tâm, sinh lý, kiến thức pháp luật. Vì thế, khả năng kiểm soát hành vi kém hơn người trưởng thành, thường bốc đồng, thậm chí manh động.

Ông Bình cho biết, trẻ chưa thành niên kiến thức pháp luật không có, khi phạm tội phải đối mặt với hệ thống tư pháp (luật lệ, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử…) nặng nề thì rất dễ tổn thương. Do đó, cần phải có Luật Tư pháp người chưa thành niên độc lập.

Trước ý kiến lo ngại nếu quá nhân văn với người dưới 18 tuổi phạm tội "không khác gì thả tội phạm ra đường", Chánh án TAND Tối cao dẫn nghiên cứu từ nhiều quốc gia cho thấy, nếu ưu tiên áp dụng các biện pháp chuyển hướng thay vì đưa trẻ vào trại giam, tỷ lệ tái phạm có thể giảm tới 85%.

Nhấn mạnh, nhà tù không bao giờ được coi là môi trường giáo dục tốt, ông Bình nói: "Roi vọt, trại giam sẽ làm các cháu chai sạn với hình phạt phạm tội. Từ việc làm quen như vậy sẽ không sợ nữa. Đó là lý do tội phạm tăng", Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu, và nhấn mạnh chỉ áp dụng biện pháp trừng phạt đưa vào nhà tù khi không còn giải pháp nào khác.

"Đừng có hy vọng tù thật nhiều, phạt thật nhiều thì tình hình tội phạm sẽ giảm. Đó là quan điểm sai", ông Nguyễn Hòa Bình nói.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Ngoài ra, các cháu không được giam giữ như người lớn mà phải có trại giam riêng. Bởi theo ông Bình, trại giam toàn là tội phạm, đôi khi có tội phạm chuyên nghiệp, nếu giam chung có khi lại đào tạo đứa trẻ đó thành trở nên chuyên nghiệp hơn.

Vì vậy, việc để các cháu tiếp cận với đối tượng phạm tội trong trại giam là điều cấm kỵ. Các cháu phải được bảo đảm quyền chơi, quyền thông tin, quyền học tập…

“Nếu trại giam không tổ chức được lớp học thì phải tổ chức học trực tuyến với các cơ sở bên cạnh, cũng thi cử để bảo đảm quyền học tập của các cháu”, Chánh án TAND Tối cao nói.

Tại phiên thảo luận, Chánh án Nguyễn Hòa Bình, cho hay quá trình thảo luận có hai vấn đề Ủy ban Tư pháp (cơ quan thẩm tra) còn băn khoăn, có quan điểm trái với Tòa án.

Thứ nhất, về việc tách vụ án hình sự ra, Ủy ban Tư pháp không đồng ý.

“Chúng tôi yêu cầu vụ án nếu có trẻ em thì phải tách ra giải quyết độc lập, người lớn xét xử sau”- Chánh án tâm tư.

Ông Bình cho rằng, nếu không tách vụ án, thời hạn điều tra đối với các cháu phải theo người lớn, điều này đặt các cháu vào tình trạng bị khởi tố, tạm giam kéo dài.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu, dự thảo cho phép bắt, kiểm soát tại nhà bằng các biện pháp tư pháp chuyển hướng, kiểm soát bằng các thiết bị điện tử, không cho ra ngoài.

“Nhà tù không bao giờ được coi là môi trường giáo dục tốt cả. Con cháu chúng ta đưa vào trường chuyên, lớp chọn; nhưng nếu các cháu có lỗi gì đấy thì sử dụng biện pháp tù giam, đấy không phải cách làm của chúng ta”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Đại biểu Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP.HCM cũng tán thành với đề xuất tách vụ án có người chưa thành niên để giải quyết riêng. Theo ông Phong, có tách vụ án mới thực hiện được quy định của dự thảo luật về việc rút ngắn thời hạn giải quyết vụ án của người chưa thành niên bằng ½ thời hạn vụ án của người lớn.

Nguồn CL&XH: https://xahoi.congly.vn/phat-tu-khong-phai-bien-phap-toi-uu-voi-tre-chua-thanh-nien-pham-toi-435289.html