Phẫu thuật thành công cho bệnh nhân bị khối u tụy hiếm gặp

Bệnh nhân bị khối u tụy tiết insulin (insulinoma), là loại u tụy rất hiếm gặp, chiếm khoảng 1-4 phần triệu dân số. Bệnh rất khó chẩn đoán do triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác.

 Sức khỏe bệnh nhân ổn định và sẽ được xuất viện trong vài ngày tới

Sức khỏe bệnh nhân ổn định và sẽ được xuất viện trong vài ngày tới

Bệnh nhân V.T.C. (nữ, 57 tuổi, trú tại An Giang) chuyển viện từ BV Tâm thần Cần Thơ đến BVĐK Cần Thơ ngày 18/12 với chẩn đoán động kinh, mạch đập nhanh, huyết áp cao, lơ mơ, gọi không trả lời, co giật, yếu nửa người trái.

Các bác sĩ của BVĐK Cần Thơ cho bệnh nhân chụp cắt lớp vi tính sọ não và không ghi nhận tổn thương đặc hiệu. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm đường máu là 18mg% (bình thường là 80-120mg%), kết quả nồng độ insulin và C-Peptid tăng cao. Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng cản quang phát hiện khối u vùng thân đuôi tụy kích thước 13 x 20 mm.

Từ kết quả xét nghiệm và hội chẩn liên khoa, bệnh nhân được chẩn đoán bị khối u tụy tiết insulin (insulinoma). Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng hạ đường huyết và gây co giật cho bệnh nhân.

Ngày 24/12, bệnh được chỉ định phẫu thuật cắt thân và đuôi tụy qua nội soi. Sau hơn 2 giờ, ca mổ cắt bỏ thân đuôi tụy qua nội soi thành công. Tình trạng bệnh nhân được cải thiện, các cơn hạ đường huyết không còn xảy ra. Dự kiến bệnh nhân sẽ xuất viện trong vài ngày tới.

Đây là bệnh nhân đầu tiên được chẩn đoán và điều trị thành công khối u tụy tiết insunlin bằng phẫu thuật nội soi tại bệnh viện.

Người nhà bệnh nhân C. cho biết, bệnh nhân phát bệnh hơn hai năm. Lúc đầu, cứ 2-3 lần/tuần bệnh nhân lên cơn co giật rồi lơ mơ, sau 1-2 giờ sẽ tỉnh. Người nhà đã đưa đi khám ở rất nhiều nơi và đều được chẩn đoán động kinh, rối loạn tâm thần, ngày nào cũng phải uống thuốc an thần, chống động kinh. Khoảng 2 tháng nay, bệnh tiến triển nặng hơn. Ngày nào, bệnh nhân cũng hôn mê và co giật, có ngày 3-4 cơn.

BSCK II La Văn Phú, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp BVĐK Cần Thơ cho biết, u tụy tiết insulin là bệnh lý hiếm gặp, bệnh cảnh lâm sàng đa dạng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thần kinh.

Biểu hiện lâm sàng lúc đầu là dấu hiệu hạ đường huyết, bệnh nhân cảm giác đói bụng, thèm ăn liên tục. Về sau, bệnh nặng hơn sẽ dẫn đến các tình trạng thiếu glucose máu não, biểu hiện bằng đau đầu, lú lẫn, rối loạn thị giác, động kinh, thay đổi nhân cách. Nặng hơn, bệnh nhân sẽ hôn mê và tăng tiết cathecholamin với biểu hiện mạch nhanh, run tay chân, vã mồ hôi, dễ bị kích thích. Cả hai nhóm triệu chứng này nhanh chóng được cải thiện khi cho bệnh nhân uống nước đường hoặc truyền glucose.

U tụy tiết insulin là bệnh lý nội tiết nặng. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, những cơn hạ đường huyết kéo dài sẽ làm tổn thương vĩnh viễn, không hồi phục hệ thần kinh trung ương, gây ra di chứng thần kinh nặng và tàn phế ở trẻ sau này. Nếu u phát triển ở người lớn, những cơn hạ đường huyết kéo dài, tái diễn cũng dẫn đến những tổn thương thần kinh không hồi phục. Nguy hiểm hơn, nếu tình trạng hạ đường huyết nặng, kéo dài không được chẩn đoán và xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong.

Tuy nguy hiểm là thế, nhưng u tụy dạng insulinoma đa số là lành tính, nếu được chẩn đoán đúng và điều trị sớm thông qua các phương pháp điều trị như phẫu thuật cắt bỏ khối u, cắt tụy bán phần, hoặc tiêm cồn vào khối u qua hướng dẫn của siêu âm nội soi, đốt sóng cao tần (RFA) hay làm tắc mạch máu nuôi khối u… khả năng hồi phục của bệnh nhân rất khả quan. Đa số bệnh nhân khỏi bệnh và trở về cuộc sống bình thường.

BT

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/phau-thuat-thanh-cong-cho-benh-nhan-bi-khoi-u-tuy-hiem-gap/418249.vgp