Phẫu thuật thành công cho trẻ dị tật bẩm sinh bàn chân khoèo
Bệnh viện Trung ương Huế vừa phối hợp các chuyên gia giỏi để phẫu thuật, điều trị thành công cho một bệnh nhi 2 tuổi bị dị tật bẩm sinh bàn chân khoèo hai bên.
Chiều 23/2, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, các y bác sĩ tại bệnh viện vừa phối hợp điều trị giữa cơ sở 1 và cơ sở 2 của bệnh viện để phẫu thuật thành công bước đầu cho bệnh nhi 25 tháng tuổi bị bệnh lý bàn chân khoèo.
Đó là bệnh nhi T.T.N. (25 tháng tuổi), bị dị tật bẩm sinh bàn chân khoèo 2 bên đã được điều trị bảo tồn bằng nắn bó bột ngay sau sinh. Tuy nhiên hiện tại, kết quả điều trị bảo tồn trên bệnh nhi này không mang lại hiệu quả.
Nhận thấy điều này, Khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình Thần kinh sọ não (Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2) đã hội chẩn với các chuyên gia chấn thương chỉnh hình giỏi, nhiều kinh nghiệm tại Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị cho cháu bé.
PGS, TS Nguyễn Văn Hỷ, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình-phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Trung ương Huế) đã hội chẩn thăm khám trực tiếp cho bệnh nhi và quyết định phải phẫu thuật để điều trị bệnh lý bàn chân khoèo cho cháu bé.
Ca mổ được PGS, TS Nguyễn Văn Hỷ tiến hành tại cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế. Cháu N. đã được phẫu thuật kéo dài gân gót, giải phóng bao khớp cổ bàn chân bên trong, trả lại tư thế giải phẫu bình thường cho bàn chân.
Được biết, đây là một trong rất nhiều ca bệnh có sự phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng và hiệu quả giữa Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 1 và cơ sở 2. Nhiều chuyên gia, bác sĩ giỏi đã tham gia điều hội chẩn và điều trị, phẫu thuật, hoặc thực hiện các kỹ thuật cao trực tiếp tại cơ sở 2 như can thiệp mạch não, can thiệp mạch vành, đặt máy tạo nhịp, các lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật tiêu hóa, tiết niệu, ung bướu, hồi sức…
Theo PGS, TS Nguyễn Văn Hỷ, sau phẫu thuật, cháu N. phải cố định thêm bằng bột và phải đánh giá theo dõi hằng tuần, sau khi ổn định phải tiếp tục mang giày chỉnh hình thì kết quả mới đạt được như mong muốn.
“Hiện tại sau khi phẫu thuật, bàn chân của bệnh nhi đã trở lại tư thế bình thường. Nhưng kết quả cuối cùng phải cần có sự phối hợp giữa người nhà bệnh nhân và bác sĩ, kỹ thuật viên phục hồi chức năng, đòi hỏi sự kiên trì và tuân thủ phác đồ điều trị của cả cha mẹ bệnh nhân và nhân viên y tế”, PGS, TS Nguyễn Văn Hỷ thông tin thêm.
TS, Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viên Trung ương Huế cho biết: Bệnh nhân điều trị tại cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế được hưởng và tiếp cận đầy đủ các dịch vụ kỹ thuật cao, chất lượng tương đương như ở cơ sở 1 với phương tiện kỹ thuật, máy móc thiết bị y tế hiện đại.
“Ngoài ra, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 là một cơ sở được xây dựng đồng bộ hiện đại, sạch sẽ thoáng mát, nhân viên y tế vui vẻ và thân thiện nên ngoài sự hài lòng về chất lượng chuyên môn kỹ thuật, bệnh nhân điều trị tại cơ sở 2 cũng được chăm sóc và điều trị trong một môi trường bệnh viện xanh-sạch-đẹp và thoải mái dễ chịu”, Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân nói.