Phê bình cũng phải đúng chuẩn mực

Anh C. là cán bộ văn phòng xã A. Anh hơn tôi mấy tuổi, tốt tính, năng nổ, làm công tác văn phòng ở xã cũng hơn chục năm. Là hàng xóm với nhau, thỉnh thoảng tôi và anh lại cùng uống trà, tâm sự.

Gần đây anh C. giãi bày: Mấy hôm nay, cơ quan anh cứ bàn ra, tán vào chuyện bị thủ trưởng phê bình chú ạ! Thực ra, lãnh đạo phê bình nhân viên là điều bình thường. Có sai sót, khuyết điểm thì mới bị phê bình; mà có phê bình mới tiến bộ được. Về cơ bản thủ trưởng phê bình đúng; vấn đề là ở cách phê bình bằng lời nói gay gắt, bới móc. Thậm chí, thủ trưởng còn thường cho mình cái quyền lãnh đạo thì nói sao cũng được; lời ăn tiếng nói nhiều lúc thiếu chuẩn mực. Nhiều khi, cấp dưới có cảm giác lãnh đạo coi đối tượng phê bình như là nơi để trút giận.

Đấy như hôm trước có bạn nhân viên văn phòng mới về cơ quan, được giao thực hiện một văn bản đơn giản, lưu hành nội bộ và đã để lại một vài lỗi chính tả. Tôi cho rằng, lỗi không quá quan trọng, sai sót cũng không tới mức ảnh hưởng đến đánh giá chất lượng thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, hay quyền lợi của nhân dân. Vậy mà bạn ấy bị lãnh đạo mắng té tát; rồi một tràng các từ ngữ thô tục, thiếu văn hóa được thủ trưởng lôi ra sa sả.

Anh C. tiếp lời: Vẫn biết với tư cách là lãnh đạo, công việc rất áp lực, đòi hỏi cấp dưới phải chuyên tâm, chú trọng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tránh những sai sót, dù là nhỏ nhất. Nhưng mong muốn của anh em cấp dưới là có sai, có sửa; đặc biệt là nhân viên mới cần có thời gian để rèn giũa, làm quen. Thủ trưởng cần điều chỉnh lại cách phê bình, góp ý, ứng xử với anh em dưới quyền cho hợp lý, hợp tình, để họ tiến bộ hơn, tốt hơn, khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót trong thực thi công việc.

Ngẫm ra, mong muốn được phê bình, góp ý với sự văn minh, văn hóa công sở, phê bình đúng người, đúng lỗi là chính đáng. Sự nể trọng, sẻ chia, trân quý, uy lực của thủ trưởng để cấp dưới “khẩu trọng, tâm kính”, phải xuất phát từ cái tâm trong sáng, đạo đức, lối sống lành mạnh, xuất phát từ văn hóa lãnh đạo, trong đó có phần quan trọng của văn hóa phê bình. Phê bình là vấn đề rất quan trọng trong nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng.

Kiểu phê bình “bạo lực tinh thần” hay thiếu chuẩn mực của cán bộ lãnh đạo xã A. cần phải chấn chỉnh ngay. Từ đó, góp phần mang lại một môi trường làm việc văn hóa nơi công sở; xây dựng tập thể vững mạnh, đoàn kết, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Phương Linh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/206963/phe-binh-cung-phai-dung-chuan-muc