Phê duyệt quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn vừa ký Quyết định số 245 phê duyệt Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là đến năm 2030, hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách và cơ quan quản lý Nhà nước về năng lượng nguyên tử được hoàn thiện phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đồng thời, một số lĩnh vực khoa học, công nghệ và ứng dụng năng lượng nguyên tử có thế mạnh vươn lên đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; các hoạt động ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ được triển khai rộng rãi, hiệu quả trong các ngành.
"Khẩn trương hoàn thiện và phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân quốc gia để phục vụ triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu, triển khai Chương trình phát triển điện hạt nhân quốc gia; nghiên cứu, xây dựng định hướng đẩy mạnh thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam," theo Quyết định phê duyệt quy hoạch.
Tầm nhìn đến năm 2050, ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ và phát triển điện hạt nhân có đóng góp quan trọng và hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân; trình độ khoa học và công nghệ hạt nhân và nhiều lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử ngang bằng với mức trung bình của các quốc gia phát triển; làm chủ và từng bước tự chủ được các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, bảo đảm ứng dụng năng lượng nguyên tử có đóng góp hiệu quả trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Cụ thể, về phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị trong ngành y tế, quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thiện và phát triển mạng lưới các cơ sở y tế chuyên ngành điện quang, y học hạt nhân, ung bướu - xạ trị, phân bố hợp lý ở các vùng, địa phương phục vụ công tác khám, chữa bệnh, nghiên cứu khoa học và đào tạo.
Nâng cao hiệu quả, chất lượng khám, chữa bệnh trên cơ sở nâng cao chất lượng nhân lực, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, hoàn thiện quản lý trong các cơ sở y học bức xạ; nghiên cứu, phát triển, sản xuất và ứng dụng một số thuốc phóng xạ, hợp chất đánh dấu phục vụ chẩn đoán, điều trị bệnh, bảo đảm an toàn và bảo vệ chống bức xạ cho bệnh nhân, nhân viên y tế và môi trường.
Về phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị trong ngành tài nguyên và môi trường, đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2030, phát triển ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn; điều tra cơ bản tài nguyên nước, địa chất và khoáng sản; bảo vệ môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu
Bên cạnh đó, về phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị trong ngành nông nghiệp, Quy hoạch đưa ra mục tiêu đến năm 2030, nâng cao năng lực nghiên cứu và triển khai, tiếp cận và làm chủ các kỹ thuật tiên tiến về ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các lĩnh vực: chọn tạo giống cây trồng, vi sinh vật; bảo vệ thực vật; nông hóa, thổ nhưỡng và dinh dưỡng cây trồng; chăn nuôi, thú y; nuôi trồng thủy sản; bảo quản và chế biến sau thu hoạch.
"Ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong nông nghiệp được tăng cường, mở rộng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an ninh lương thực, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần tích cực vào phát triẩn nền nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu," Quy hoạch nêu.
Về phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị trong ngành công nghiệp, Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, sản xuất, chế tạo một số loại thiết bị bức xạ và thiết bị ghi đo bức xạ có nhu cầu lớn trong các ngành kinh tế - xã hội thay thế cho nhập khẩu; thương mại hóa các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật được tạo ra từ các kết quả nghiên cứu; Ưu tiên các công nghệ có nhu cầu sử dụng lớn, tính cạnh tranh cao, phục vụ phát triển ngành công nghiệp và các ngành, lĩnh vực khác trong nước cho giai đoạn tiếp theo.
Đặc biệt, về phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân, đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, mục tiêu đến năm 2030 tái cấu trúc chức năng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nâng cao năng lực hỗ trợ kỹ thuật phục vụ công tác bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân trong phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử và triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Để đạt được các mục tiêu trên, Quy hoạch đưa ra giải pháp thực hiện gồm: hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách về phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ.
Đồng thời bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân; nâng cao nhận thức và sự ủng hộ của cộng đồng; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế; đầu tư, tài chính và huy động vốn; tổ chức thực hiện quy hoạch.
Trong một diễn biến liên quan, chiều ngày 6/2, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Cục An toàn bức xạ và hạt nhân phối hợp với các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ đã tổ chức Hội thảo khoa học về góp ý hoàn thiện chính sách, pháp luật năng lượng nguyên tử, nhằm thu thập ý kiến về chính sách, pháp luật năng lượng nguyên tử để hoàn thiện nội dung dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025.
Trong lần sửa đổi lần này, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất thay đổi 6 nhóm chính sách trong năng lượng nguyên tử như thúc đẩy ứng dụng, ứng phó sự cố, quản lý Nhà nước lĩnh vực năng lượng nguyên tử; đảm bảo an toàn, thanh sát và không phổ biến vũ khí hạt nhân... Một trong những điểm chú ý trong dự luật này là các thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ độ rủi ro thấp được Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị tăng thời hạn khai báo, cấp phép lên 5 năm, thay vì 3 năm như hiện nay.
Dự thảo luật cũng quy định chuyển các thủ tục hành chính trong việc khai báo, cấp phép thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ từ "cấp phép" sang "đăng ký" với trình tự thủ tục đơn giản hơn về thành phần hồ sơ, theo hướng dẫn của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Điều này giúp, tổ chức, doanh nghiệp giảm được chi phí đăng ký, tiết kiệm thời gian, đi lại khi thực hiện thủ tục.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho rằng, sửa Luật Năng lượng nguyên tử là căn cứ pháp lý, triển khai các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân tại Đồng Nai.
"Việc tham vấn rộng rãi sẽ giúp đảm bảo chất lượng và tính khả thi của dự thảo, hoàn thiện khung pháp lý để phát triển an toàn và bền vững về năng lượng nguyên tử tại Việt Nam, đặc biệt là để đáp ứng kịp thời các dự án năng lượng hạt nhân trong tương lai," Thứ trưởng Định nói.
PGS Vương Hữu Tấn, nguyên Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết, năm 2013, Chính phủ đã trình Quốc hội đưa Luật Năng lượng nguyên tử vào chương trình sửa đổi. Tuy nhiên, khi đó dự án điện hạt nhân Ninh Thuận tạm dừng, vấn đề này không còn cấp thiết.
"Khi dự án được tái khởi động, nhu cầu sửa luật trở nên cấp bách. So với quy định của Luật Năng lượng nguyên tử mẫu của IAEA thì Luật Năng lượng nguyên tử 2008 còn nhiều bất cập, chưa luật hóa được các nội dung trong nguyên tắc cơ bản về an toàn và an ninh của IAEA. Vì vậy, Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi cần bám sát vào luật mẫu của IAEA và tham khảo kinh nghiệm của các nước khác," PGS Vương Hữu Tấn nhận định.