Phía sau làn sóng tấn công của phiến quân M23 nhằm vào Congo

Với sự hỗ trợ của hàng nghìn quân từ nước láng giềng Rwanda, phiến quân M23 lần đầu tiên chiếm được Goma trước khi tiến đến Bukavu vào cuối tuần qua. Đó là bước tiến chưa từng có kể từ khi nhóm phiến quân này cầm vũ khí cách đây hơn một thập kỷ, làm dấy lên thêm lo ngại về chiến tranh khu vực.

Phiến quân M23 là ai?

M23 là một trong khoảng 100 phe phái vũ trang đang tranh giành quyền kiểm soát ở miền Đông Congo. Nhưng không giống như những phe phái khác, họ chủ yếu bao gồm những người Tutsi không gia nhập quân đội Congo. Nhóm này cho biết, họ đang bảo vệ người Tutsi và người Congo gốc Rwanda khỏi sự phân biệt đối xử, mặc dù bị chỉ trích đó chỉ là cái cớ để gây ảnh hưởng về kinh tế và chính trị đối với miền Đông Congo.

Một trạm kiểm soát an ninh của phiến quân M23 tại Goma, tỉnh Bắc Kivu, Cộng hòa Dân chủ Congo hôm 18-2-2025

Một trạm kiểm soát an ninh của phiến quân M23 tại Goma, tỉnh Bắc Kivu, Cộng hòa Dân chủ Congo hôm 18-2-2025

Theo các chuyên gia Mỹ và Liên hợp quốc, M23 đang được hỗ trợ bằng quân đội và vũ khí từ nước láng giềng Rwanda. Tổng thống lâu năm của Rwanda Paul Kagame cáo buộc Tổng thống Congo Felix Tshisekedi đã bỏ qua những lo ngại của người Tutsi ở Congo và phớt lờ các thỏa thuận hòa bình trước đó.

Khi M23 chiếm Goma ở tỉnh Bắc Kivu, cuộc giao tranh dữ dội với quân đội chính phủ và đồng minh dẫn đến cảnh tượng thi thể nằm la liệt trên đường phố và hàng nghìn binh lính Congo buông vũ khí đầu hàng.

Nhưng rõ ràng quân nổi dậy đã “dễ thở” hơn nhiều khi tiến vào Bukavu, cách Goma 100 km về phía Nam. Cư dân địa phương cho biết, quân đội Congo đã bỏ chạy nên các chiến binh M23 tiến vào thành phố mà không gặp nhiều kháng cự.

Nhóm nghiên cứu International Crisis Group cho biết, M23 tiến hành “tấn công toàn diện” có thể là do nhận ra rằng chỉ phải đối mặt với sự kháng cự hạn chế.

Cộng đồng quốc tế đã đồng loạt lên tiếng khi M23 bắt đầu cuộc tiến công mới vào ngày 26-1, nhấn mạnh tới đối thoại và không gây áp lực tài chính, ngoại giao lên Kigali như năm 2012, khi M23 chiếm Goma trước khi rút lui.

Các nhà quan sát cho biết, áp lực quốc tế yếu ớt đối với Rwanda một phần là do cảm giác tội lỗi ở cả châu Phi và phương Tây về việc không can thiệp để ngăn chặn cuộc diệt chủng năm 1994 ở Rwanda cũng như vị thế đang thay đổi của nước này dưới thời Tổng thống Paul Kagame.

Ông Murithi Mutiga, Giám đốc phụ trách châu Phi tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG) nhận định, cuộc giao tranh mới nhất là “sự thất bại của quá trình hòa giải ở châu Phi”. Không giống như năm 2012, M23 phải rút khỏi Goma trong vòng chưa đầy một tuần, giờ đây, nhóm này đã trở nên mạnh mẽ hơn nhờ sự hỗ trợ của Rwanda.

Lo ngại leo thang thành chiến tranh khu vực

Yếu tố của cuộc xung đột là sự tham gia của các nước láng giềng phía Nam và phía Đông Congo, những nước mà Tổng thống Congo Felix Tshisekedi mời tham gia khi M23 tái xuất vào cuối năm 2021. Năm đó, một số đồng minh của Congo đã phải chịu tổn thất, bao gồm Nam Phi với 14 lính gìn giữ hòa bình thiệt mạng trong cuộc giao tranh giành Goma.

M23 chưa có ý định dừng các cuộc tấn công đánh chiếm các khu vực quan trọng ở Congo

M23 chưa có ý định dừng các cuộc tấn công đánh chiếm các khu vực quan trọng ở Congo

Những lo ngại về leo thang xung đột vượt ra ngoài Congo cũng bắt nguồn từ giai đoạn năm 1996 đến 2003, các nước láng giềng và các nhóm vũ trang của Congo tranh giành quyền tiếp cận khoáng sản kim loại và đất hiếm như đồng, coban, lithium và vàng. Có tới 6 triệu người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột kéo dài được mệnh danh là “chiến tranh thế giới của châu Phi”.

Mặc dù chính phủ Congo đã tuyên bố rằng họ sẵn sàng đàm phán, nhưng chính quyền ở Kinshasa cho biết họ phải đàm phán trong khuôn khổ các thỏa thuận hòa bình trước đây chứ không phải là bước tiến của M23.

Mặt khác, M23 đang để mắt đến quyền lực chính trị với tuyên bố sẽ chống lại nạn tham nhũng và quản lý yếu kém ở những khu vực mà họ kiểm soát. Nhóm này sẵn sàng đối thoại “trực tiếp và chân thành” để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột và chỉ thực thi lệnh ngừng bắn nếu quân đội Congo dừng chiến dịch quân sự của họ trong khu vực.

Yên Vũ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/phia-sau-lan-song-tan-cong-cua-phien-quan-m23-nham-vao-congo-post603992.antd