Phía sau việc nợ thuế vài trăm ngàn đồng cũng bị cấm xuất cảnh

Giám đốc các doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế từ vài trăm ngàn đồng, vài triệu đồng đến hàng trăm tỉ đồng.

Nhiều cơ quan thuế các tỉnh thành đã có văn bản đề nghị Cục Quản lý Xuất Nhập Cảnh, Bộ Công an tạm hoãn xuất cảnh đối với nhiều giám đốc, người đại diện pháp luật của các doanh nghiệp nợ thuế.

Hàng loạt địa phương tạm hoãn xuất cảnh giám đốc DN nợ thuế

Trong những tháng đầu năm 2024, thông tin tạm hoãn xuất cảnh nhiều giám đốc doanh nghiệp nợ thuế ngày càng nhiều.

Tính từ đầu năm đến nay, Cục Thuế Quảng Ngãi đã đăng tải thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với 28 người là giám đốc doanh nghiệp nợ thuế kéo dài. Có doanh nghiệp nợ hàng tỉ đồng, tuy nhiên cũng có doanh nghiệp chỉ nợ vài chục triệu đồng. Tính đến tháng 5, tỉnh Quảng Ngãi có 50 đơn vị nợ thuế kéo dài với số tiền hơn 481 tỉ đồng. Đứng đầu danh sách có công ty nợ thuế hơn 221 tỉ đồng.

Mới đây (10-6), Cục Thuế tỉnh Bình Định đã gửi công văn đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với 4 giám đốc doanh nghiệp ở tỉnh này, với lý do nợ thuế.

Đầu tháng 6, Cục Thuế tỉnh Bình Dương ra thông báo về việc Chi cục Thuế TP. Dĩ An có văn bản đề nghị Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an tạm hoãn xuất cảnh đối với giám đốc, người đại diện theo pháp luật của 5 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn TP. Dĩ An.

 Theo cơ quan thuế, lý do tạm hoãn xuất cảnh các giám đốc đại diện pháp luật của doanh nghiệp nói trên là do nợ thuế kéo dài. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Theo cơ quan thuế, lý do tạm hoãn xuất cảnh các giám đốc đại diện pháp luật của doanh nghiệp nói trên là do nợ thuế kéo dài. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Không chỉ số tiền nợ thuế lớn mà chỉ cần có nợ thuế vài trăm ngàn đồng nhưng doanh nghiệp "chây ì" không nộp thuế dù cơ quan thuế cưỡng chế cũng bị tạm hoãn xuất cảnh.

Như trong tháng 5, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực IV, Cục Hải quan TP.HCM có 5 thông báo gửi Cục Quản lý xuất cảnh, Bộ Công an đề nghị tạm hoãn xuất cảnh với một số đại diện doanh nghiệp nợ thuế từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.

Đáng chú ý, trong đó có trường hợp của chủ tịch kiêm giám đốc một công ty trong lĩnh vực hóa chất. Người này bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh do doanh nghiệp này nợ thuế hơn 997.000 đồng.

Trước đó, một giám đốc công ty khác tại TP.HCM cũng bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ 1,1 triệu đồng tiền thuế, chưa gồm các khoản phạt chậm nộp từ hơn năm trước đó.

Riêng trong tháng 5-2024, các chi cục hải quan thuộc Cục Hải quan TP.HCM đã ra quyết định liên quan đến việc tạm hoãn xuất cảnh đối 12 cá nhân là đại diện pháp luật của doanh nghiệp do nợ thuế.

Tại Đồng Nai, có 64 cá nhân là đại diện pháp luật của các doanh nghiệp nợ thuế cũng bị cơ quan thuế gửi thông báo sang Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đề nghị tạm hoãn xuất cảnh.

Theo cơ quan thuế, lý do tạm hoãn xuất cảnh các giám đốc đại diện pháp luật của doanh nghiệp nói trên là do đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Khi doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước theo quy định thì sẽ dỡ bỏ tạm hoãn xuất cảnh. Như trường hợp ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam bị tạm hoãn xuất cảnh này do ông Thịnh là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị cưỡng chế thuế, khi nợ thuế hơn 21 tỉ đồng.

Tuy nhiên sau khi công ty Trung Nam đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước thì Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) về việc hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh.

Tăng cấm xuất cảnh để thu hồi nợ thuế

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Cục phó Cục Thuế TP.HCM cho biết, số nợ đọng thuế có xu hướng tăng cao, đặc biệt các khoản nợ tiền sử dụng đất, thuê đất. Năm nay, Chính phủ yêu cầu ngành tài chính tăng đôn đốc, xử lý thu hồi nợ đọng thuế, đảm bảo tỷ lệ nợ đọng trên tổng số thực thu ngân sách Nhà nước đến ngày 31-12, không vượt quá 8%. Cùng đó, tổng số nợ thuế, phí đến cuối năm nay cũng không được vượt quá 5%.

Để thu hồi nợ, ngành thuế cũng được yêu cầu tăng áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với các cá nhân, người đại diện doanh nghiệp đang bị cưỡng chế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, đặc biệt trường hợp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, biện pháp cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh được cơ quan thuế, hải quan áp dụng có xu hướng tăng thời gian qua. Đây là công cụ để các cơ quan này thu hồi các khoản nợ tồn đọng về ngân sách Nhà nước. Năm 2023, tổng số tiền nợ do ngành thuế quản lý vẫn cao với hơn 163.800 tỉ đồng, tăng 11% so với năm trước đó.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Cục phó Cục Thuế TP.HCM cho biết, quy định về tạm hoãn xuất cảnh thực hiện theo quy định tại Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14, người nộp thuế thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định. Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm thông báo cho cơ quan quản lý xuất cảnh, nhập cảnh về cá nhân, người nộp thuế.

Theo ông Dũng, trước khi có thông báo cho cơ quan quản lý xuất cảnh để tạm hoãn xuất cảnh thì cơ quan thuế đã có thông báo đến tận nơi và có hồi báo, tiến hành các biện pháp cưỡng chế. Do đó, theo quy định thì chỉ cần nợ thuế cho dù nợ số thuế ít hay nhiều nếu vi phạm không chấp hành thì sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.

 Hàng tháng, ngành thuế và hải quan sẽ rà soát, lựa chọn những trường hợp nợ thuế thuộc diện tạm hoãn xuất cảnh. Ảnh: QH

Hàng tháng, ngành thuế và hải quan sẽ rà soát, lựa chọn những trường hợp nợ thuế thuộc diện tạm hoãn xuất cảnh. Ảnh: QH

Đại diện Cục Hải quan TPHCM cũng cho biết, tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là biện pháp thu hồi nợ thuế hiệu quả nhất hiện nay.

Thực tế có nhiều doanh nghiệp "chây ì" đóng thuế kéo dài, khi cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp như trích tiền tài khoản, kê biên tài sản, ngừng sử dụng hóa đơn, tạm dừng làm thủ tục xuất nhập khẩu… Thế nhưng các doanh nghiệp này không chấp hành.

“Tuy nhiên, khi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với giám đốc doanh nghiệp thì hiệu quả ngay lập tức, nhất là với những khoản nợ thuế khó đòi hoặc áp dụng với doanh nghiệp nước ngoài”- Cục Hải quan TP.HCM cho hay.

Xác minh rõ trường hợp bỗng dưng thành giám đốc công ty nợ thuế

Một số trường hợp cá nhân ra sân bay đi du lịch hay công tác thì mới biết thông báo tạm hoãn xuất cảnh và cho biết bị lấy thông tin cá nhân chứ không làm giám đốc doanh nghiệp đó.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Cục phó Cục Thuế TP.HCM cho biết, với những trường hợp bỗng nhiên được hô biến thành giám đốc doanh nghiệp như trên, cơ quan thuế, cơ quan hải quan phối hợp với lực lượng chức năng vào cuộc xác minh. Nếu cơ quan chức năng xác định trường hợp bị giả mạo thông tin, cá nhân đó sẽ được gỡ đề xuất tạm dừng nhập cảnh, đồng thời cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm đối với người người giả mạo để lập hồ sơ doanh nghiệp.

Khi cá nhân phát hiện thông tin cá nhân của mình bị lợi dụng, mạo danh để thành lập doanh nghiệp cần thông báo ngay tới phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính đề nghị đơn vị này thực hiện kiểm tra, giám sát doanh nghiệp, đồng thời yêu cầu thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Đồng thời, cá nhân liên hệ cơ quan thuế yêu cầu thực hiện biện pháp pháp lý cần thiết để chấm dứt hoạt động của mã số thuế đã đăng ký theo giấy tờ cá nhân của mình.

Trường hợp tổ chức, cá nhân có hành vi mạo danh thông tin cá nhân của cá nhân khác, thành lập doanh nghiệp nhằm mục đích bất hợp pháp như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng chiếm đoạt tài sản, trốn thuế… sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

QUANG HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/phia-sau-viec-no-thue-vai-tram-ngan-dong-cung-bi-cam-xuat-canh-post795302.html