'Phiên chợ của tình người' - giúp người từng lầm lỗi có công việc ổn định
Ngày 13/7, Công an tỉnh Hòa Bình phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức 'Phiên chợ của tình người' dành cho người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và người tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn huyện Lương Sơn.
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 33 của Chính phủ về tăng cường biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù, Nghị định số 49 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng, Công an tỉnh Hòa Bình đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ban, ngành đoàn thể thực hiện có hiệu quả các biện pháp tái hòa nhập cộng đồng.
Ngày 17/12/2021, Công an tỉnh Hòa Bình và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã ký kết Quy chế phối hợp về việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và phối hợp trong lĩnh vực lao động, người có công... Trên cơ sở đó, Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức các phiên giao dịch việc làm, các hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, tái hòa nhập cộng đồng.
Trong các năm qua, 2 đơn vị đã phối hợp tổ chức 45 buổi tư vấn, giới thiệu việc làm cho 6.000 người chấp hành xong án phạt tù tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, tổ chức 2 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tái hòa nhập cộng đồng và tư vấn, định hướng, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho 250 người tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn phường Tân Hòa, TP Hòa Bình và huyện Yên Thủy.
Phát biểu tại “Phiên chợ của tình người”, Đại tá Bùi Đắc Huyền, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng nhấn mạnh, để giúp người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng thì có nhiều biện pháp, nhưng để họ tái hòa nhập bền vững thì vấn đề quan trọng có tính quyết định là tạo cho họ nghề nghiệp, có công việc và thu nhập ổn định. Đây là công tác mang ý nghĩa thiết thực cả về chính trị, kinh tế - xã hội và có giá trị nhân văn sâu sắc. Làm tốt công tác này vừa thực hiện chính sách nhân đạo đối với người phạm tội, vừa góp phần giữ vững ổn định ANTT và phòng ngừa tội phạm. Đây cũng là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức, đoàn thể xã hội trong hệ thống chính trị và mọi công dân.
Theo Đại tá Nguyễn Thành, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình và Phó Giám đốc Sở Lao động thương bình và xã hội tỉnh Bùi Mạnh Cường, thời gian tới, sẽ tiếp tục nhân rộng “ Phiên chợ của tình người” trên địa bàn để giúp người chấp hành án phạt tù trở về địa phương tìm được việc làm, ổn định cuộc sống.
Xúc động được nhận vào làm việc tại một công ty, anh Nguyễn Ngọc Hoàng (25 tuổi), ở huyện Lương Sơn cho biết, sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đã được gia đình và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể quan tâm, động viên, được tư vấn pháp lý và tạo điều kiện có công việc ổn định. “Tôi hứa luôn chí thú làm việc, tránh xa thói hư tật xấu, cám dỗ mà trước đây đã mắc phải để trở thành người công dân tốt, có ich cho xã hội”- anh Hoàng khẳng định. Còn với chị Nguyễn Thị Huệ (40 tuổi), do cải tạo tốt nên được ra tù trước thời hạn 9 tháng. Vì tuổi cao xin việc khó nên chị đến với “Phiên chợ của tình người’ mong muốn được vay vốn để mở rộng cửa hàng tạp hóa bán tại nhà.
Tại “Phiên chợ của tình người”, 200 người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và người tái hòa nhập cộng đồng, cùng 150 người lao động trên địa bàn huyện Lương Sơn đã được tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm miễn phí. Trước mắt, đã có 4 công ty, hợp tác xã tiếp nhận người tái hòa nhập cộng đồng đào tạo nghề và làm việc bán hàng, nuôi cá, chăm sóc cây xanh, may mặc… thỏa thuận với mức lương ban đầu từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng (đã trừ tiền ăn, ở, sinh hoạt).