Phiên họp về nhiệm vụ cấp bách của một Nhà nước non trẻ
TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hôịChính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được cải tổ từ Mặt trận dân tộc giải phóng ngày 28.8.1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Chỉ một ngày sau Tuyên ngôn độc lập 2.9, sáng 3.9, phiên họp đầu tiên của Chính phủ đã được tiến hành.
Trong bối cảnh các thế lực đế quốc và tay sai đang ráo riết chống lại nhân dân ta, hòng lật đổ chính quyền cách mạng và thiết lập một chính quyền phản động tay sai của đế quốc; chế độ cũ để lại cho Nhà nước non trẻ một gia tài đổ nát: công nghiệp phá sản, nông nghiệp đình đốn, tài chính kiệt quệ, nạn đói lan tràn, hơn 90% dân số mù chữ, tệ nạn xã hội nặng nề... Đó cũng chính là những nội dung cơ bản được đặt ra cho phiên họp đầu tiên của Chính phủ. Phiên họp lịch sử này đã để lại những dấu ấn vô cùng sâu sắc.
Đâylà phiên họp “tầm cỡ” của cơ quan Chính phủ - chính quyền nhân dân, bàn và giải quyết 6 vấn đề quốc gia đại sự, cấp bách, nhưng thời gian tiến hành phiên họp chỉ vẻn vẹn một buổi sáng, ngắn nhất so với tất cả các phiên họp chính thống sau này và cho đến tận bây giờ của tất cả các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong bộ máy nhà nước.
Đây cũng là phiên họp mànghi thức hết sức đơn giản: đúng thời gian, đủ các thành viên của Chính phủ là phiên họp được bắt đầu. Chủ tọa phiên họp - Người đứng đầu Chính phủ - Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự đề xuất các nội dung công việc, tự viết, tự soạn thảo văn bản và tự trình bày trước Chính phủ với phương pháp diễn đạt cô đọng, súc tích, ngắn gọn, dễ nắm bắt, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Cũng đến tận bây giờ, qua nhiều thế hệ, nhưng hiếm có vị lãnh đạo nào ở cấp nào làm được như thế, bởi vậy, đây cũng là một nội dung để học tập và làm theo Bác Hồ...
Khởi đầu phiên họp, Người nói:
“Thưa các cụ và các chú,
Sau 80 năm bị áp bức, bị bóc lột, và dưới chính sách ngu dân của thực dân Pháp, các bạn và tôi, chúng ta đều chưa quen với kỹ thuật hành chính.
Nhưng điều đó không làm chúng ta lo ngại. Chúng ta vừa làm vừa học, vừa học vừa làm. Chắc rằng chúng ta sẽ phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa, chúng ta có can đảm sửa chữa khuyết điểm.
Với lòng yêu nước, yêu nhân dân sâu sắc, tôi chắc chúng ta sẽ thành công”[1].
Mọi thành viên Chính phủ lâm thời đều hồ hởi, Bác tiếp tục khẳng định một phương pháp làm việc rất thực tế nhưng cũng rất hiện đại, đó là, vừa làm vừa học, vừa học vừa làm. Các Bộ trưởng - thành viên Chính phủ, như trút được áp lực trước bộn bề công việc liền kề sau Cách mạng, càng chăm chú lắng nghe, tiếp thu từng ý, từng lời của Bác...
Đây cũng là phiên họp đầu tiên của Chính phủ bàn nhiều việc lớn, cả ở tầm chiến lược, cả những việc cấp bách trước mắt trên quy mô toàn quốc, cả đối nội liên quan đến đối ngoại, nhưng đều được quyết đáp gọn gàng trong phiên họp. Đó là nhờ vào cách đặt vấn đề mạch lạc, đúng với thực tiễn, thu phục lòng người và cách điều hành, dẫn dắt hợp lý, nghiêm túc của Chủ tịch Chính phủ lâm thời. Bác tiếp tục trình bày: “Hiện nay những vấn đề gì là vấn đề cấp bách hơn cả. Theo ý tôi, có 6 vấn đề:
Một là, nhân dân đang đói - Ngoài những kho chứa thóc mà Pháp, Nhật vơ vét của nhân dân, bọn Nhật, Pháp còn bắt đồng bào chúng ta giảm bớt diện tích cấy lúa để trồng thầu dầu, đay và những thứ cây khác cần thiết cho cuộc chiến tranh của chúng. Hơn nữa, chúng ta còn tìm thấy hai kế hoạch của bọn cầm quyền Pháp với mục đích gây nạn đói để ngăn trở phong trào yêu nước và bắt buộc đồng bào chúng ta phải làm việc như nô lệ.
Hơn hai triệu đồng bào chúng ta đã chết đói vì chính sách độc ác này. Vừa rồi nạn lụt đã phá hoại 8 tỉnh sản xuất lúa gạo. Điều đó càng làm cho tình hình trầm trọng hơn. Những người thoát chết đói nay cũng bị đói. Chúng ta phải làm thế nào cho họ sống.
Tôi đề nghị với Chính phủ là phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất.
Trong khi chờ đợi ngô, khoai và những thứ lương thực phụ khác, phải ba bốn tháng mới có, tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo”.
(Riêng nhiệm vụ này, sau phiên họp Chính phủ, Bác ra lời kêu gọi toàn dân Sẻ cơm nhường áo:
Hỡi đồng bào yêu quý,
Từ tháng Giêng đến tháng Bảy năm nay, ở Bắc Bộ ta đã có 2 triệu người chết đói.
Kế đó lại bị nước lụt, nạn đói càng tăng thêm, nhân dân càng khốn khổ, chúng ta không khỏi động lòng.
Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước:
Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo.
Như vậy, thì người nghèo sẽ có bữa rau bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói.
Tôi chắc rằng đồng bào ta ai cũng sẵn lòng cứu khổ cứu nạn, mà hăng hái hưởng ứng lời đề nghị nói trên.
Tôi xin thay mặt dân nghèo mà cảm ơn các đồng bào.
HỒ CHÍ MINH”[2])
Tiếp đó, Bác có Thư “Gửi nông gia Việt Nam”. Trong thư có đoạn: “Hiện nay chúng ta có hai việc quan trọng nhất: cứu đói ở Bắc và kháng chiến ở Nam. “Thực túc” thì “binh cường”, cấy nhiều thì khỏi đói. Chúng ta thực hiện “tấc đất tấc vàng” thì chúng ta quyết thắng lợi trong hai việc đó.
Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập.
Hỡi anh em nhà nông, tiến lên! tiến lên!
HỒ CHÍ MINH[3]).
Trở lại phiên họp, Bác trình bày tiếp:
“Vấn đề thứ hai, nạn dốt - Là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn 90 phần trăm đồng bào chúng ta mù chữ.
Nhưng chỉ cần 3 tháng là đủ để học đọc, học viết tiếng nước ta theo vần quốc ngữ. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”.
Để thúc đẩy nhiệm vụ diệt giặc dốt, sau phiên họp lịch sử này, Bác ra lời kêu gọi “Chống nạn thất học”,trong đó có đoạn: “Nay ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí. Chính phủ đã ra hạn trong một năm, tất cả mọi người Việt Nam đều phải biết chữ quốc ngữ. Chính phủ đã lập một Nha Bình dân học vụ để trông nom việc học của dân chúng.
Quốc dân Việt Nam!
Muốn giữ vững nền độc lập,
Muốn làm cho dân mạnh nước giàu,
Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công việc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ.
Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ...
Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết chữ. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo...”[4].
Trở lại phiên họp, Bác tiếp tục trình bày:
“Vấn đề thứ ba - Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay một cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống...
Vấn đề thứ tư - Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện. Nó đã dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hóa dân tộc chúng ta bằng những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác. Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập.
Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH.
Vấn đề thứ năm - Thuế thân, thuế chợ, thuế đò, là một lối bóc lột vô nhân đạo. Tôi đề nghị bỏ ngay ba thứ thuế ấy. Cuối cùng tôi đề nghị tuyệt đối cấm hút thuốc phiện.
Vấn đề thứ sáu - Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết[5].
Các thành viên Chính phủ đã thảo luận và hoàn toàn tán thành, nhất trí cao với 6 nhiệm vụ cấp bách của đất nước và các giải pháp thực hiện mà Chủ tịch Chính phủ - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày...
Sáu tháng sau, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa I ngày 2.3.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã báo cáo trước Quốc hội hết sức khiêm tốn rằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn sau khi giành được chính quyền, “song nhờ sự ủng hộ nhiệt liệt của toàn thể đồng bào và lòng kiên quyết phấn đấu của Chính phủ, chúng ta đã làm được đôi việc:
- Việc thứ nhất là ra sức kháng chiến.
- Việc thứ hai là giảm bớt sự đói kém bằng cách thực hành tăng gia sản xuất.
- Việc thứ ba là Chính phủ đã tổ chức cuộc Tổng tuyển cử.
- Việc thứ tư là do kết quả của cuộc Tổng tuyển cử ấy mà có Quốc hội hôm nay”[6].
Trong hoàn cảnh đất nước “ngàn cân treo sợi tóc” mà Nhà nước non trẻ đã thực thi một khối lượng công việc quốc gia đồ sộ, đem lại thắng lợi vĩ đại cho dân tộc, cho đất nước thì đó là một bài học cực kỳ quý báu về điều hành, lãnh đạo, quản lý của một Nhà nước mà sự tồn tại mới chỉ tính bằng ngày, bằng tháng.
Trên phương diện phương pháp công tác, thì phiên họp xứng đáng là một mẫu hình tổ chức hội họp có hiệu suất rất cao. Ngày nay, trong công cuộc cải cách hành chính, thì họp hành, hội nghị, hội thảo, thậm chí là đại hội, thiết nghĩ cũng cần tổ chức sao cho gọn nhẹ, tiết kiệm thời gian và hiệu quả thiết thực được như thế!
___________
[1] Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, trang 1, 2, 3; NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 2000.
[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, T4, trang 31, Nxb CTQG, Hà Nội 2000.
[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, T4, trang 115, Nxb CTQG, Hà Nội 2000.
[4] Hồ Chí Minh Toàn tập, T4, trang 46, Nxb CTQG, Hà Nội 2000.
[5] Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, trang 1, 2, 3; NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 2000.
[6] Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946 - 1960, trang 70, Nxb CTQG, Hà Nội 1994.