Phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị

Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những khâu then chốt đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào đời sống xã hội.

Sở Tư pháp phối hợp Tỉnh đoàn tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh. Ảnh: NGỌC DUNG

Sở Tư pháp phối hợp Tỉnh đoàn tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh. Ảnh: NGỌC DUNG

Nhân kỷ niệm 12 năm Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (Ngày Pháp luật Việt Nam) 9/11, Báo Phú Yên phỏng vấn ông Hà Công Khánh, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh.

Ông Hà Công Khánh

Ông Hà Công Khánh

* Thưa ông, công tác tuyên truyền và PBGDPL có vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao kiến thức pháp luật cho cán bộ, Nhân dân cũng như ngăn ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội. Thời gian qua, công tác này được triển khai ở địa phương như thế nào?

- Có thể nói, thời gian qua Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp đã nỗ lực thực hiện tốt chức năng tư vấn, tham mưu, giúp UBND cùng cấp triển khai công tác PBGDPL ở địa phương. Các cấp, ngành đã chú trọng tuyên truyền PBGDPL bằng các hình thức phù hợp với từng đối tượng, địa bàn theo hướng lấy người dân làm trung tâm, bám sát nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH hằng năm của UBND tỉnh gắn với nhiệm vụ chính trị của từng sở, ngành, địa phương.

Nội dung tuyên truyền tập trung vào các luật, pháp lệnh mới được thông qua từng năm liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cũng như các vấn đề dư luận xã hội quan tâm với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền PBGDPL.

Đặc biệt, 9 tháng đầu năm nay, Sở Tư pháp đã tham mưu Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành các công văn, kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai công tác phổ biến các luật, nghị quyết mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại các kỳ họp thứ 5, thứ 6, thứ 7 và tăng cường PBGDPL về một số vấn đề dư luận quan tâm. Đơn vị đã tổ chức kiểm tra các công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở và cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Cùng với triển khai, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện Đề án nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030 của Bộ Tư pháp, đơn vị còn tổ chức 9 hội nghị tập huấn về đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tại 9 huyện, thị, thành phố; phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật trong đoàn viên, thanh niên; phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức 5 hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ, hội viên, phụ nữ cơ sở, cấp phát 250 tài liệu tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình. Đồng thời tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, phiên tòa giả định giáo dục pháp luật về ATGT trong học sinh... Qua đó đáp ứng kịp thời nhu cầu tìm hiểu pháp luật của các tầng lớp nhân dân; nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của cán bộ và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

* Trong quá trình triển khai công tác PBGDPL có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?

- Trong quá trình tham mưu giúp UBND tỉnh và Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL trên địa bàn tỉnh, chúng tôi được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, bố trí kinh phí để triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Tuy nhiên, quá trình tổ chức công tác này, chúng tôi còn gặp phải một số khó khăn như: Việc thực hiện trách nhiệm PBGDPL của một số cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị chưa đầy đủ, toàn diện; hoạt động phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong công tác PBGDPL chưa thường xuyên. Việc lựa chọn nội dung PBGDPL nhiều nơi còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm.

Một số hình thức tuyên truyền chưa phù hợp với tính chất, đặc điểm của đối tượng đặc thù và nội dung cần phổ biến. Cách thức chỉ đạo triển khai công tác PBGDPL có lúc, có nơi chậm đổi mới, hiệu quả chưa cao; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này chưa tương xứng với tiềm năng. Việc thực hiện trách nhiệm bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL chưa đồng đều giữa các địa phương, ngay cả các địa phương có điều kiện KT-XH tương đồng.

* Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền PBGDPL trên địa bàn tỉnh, theo ông cần có những giải pháp gì?

- Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL tại địa phương, trước tiên cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác này; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành về trách nhiệm triển khai nhiệm vụ PBGDPL. Đồng thời tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm PBGDPL là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác này.

Bên cạnh đó, đổi mới nội dung, đa dạng hình thức, phương pháp và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền PBGDPL phù hợp với đối tượng, lĩnh vực, địa bàn. Trong đó, chú trọng công tác PBGDPL trong nhà trường và các đối tượng đặc thù như: người dân vùng đồng bào DTTS, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn; người đang chấp hành án; người khuyết tật; người lao động trong các doanh nghiệp…

Ngoài ra cần phải thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền PBGDPL, tập trung xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật vững mạnh cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Các địa phương quan tâm bố trí kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động PBGDPL... Từ đó tăng cường điều kiện tiếp cận pháp luật cho người dân, góp phần hình thành thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, ổn định an ninh chính trị, TTATXH và phát triển KT-XH địa phương.

* Xin cảm ơn ông!

NGỌC QUỲNH (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/164/322707/pho-bien-giao-duc-phap-luat-la-nhiem-vu-cua-toan-he-thong-chinh-tri.html