PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ PHIÊN GIẢI TRÌNH VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

Sáng 8/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2021. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và phát biểu chỉ đạo.

Dự phiên giải trình có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh, các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; đại diện Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội một số tỉnh/thành phố.

Cùng dự phiên giải trình có đại diện lãnh đạo Kiểm toán nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân Tp.Hà Nội, Ủy ban nhân dân Tp.Hồ Chí Minh, đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Toàn cảnh phiên giải trình

Toàn cảnh phiên giải trình

Phát biểu khai mạc phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, các Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước các năm 2019-2021, Ủy ban Tài chính, Ngân sách tổ chức phiên giải trình“Việc thực hiện các kết luận và kiến nghị Kiểm toán nhà nước đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2021”. Mục tiêu, nội dung cụ thể của phiên giải trình là tập trung đánh giá tình hình và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước (KTNN) của các Bộ, Ngành, địa phương đến ngày 31/3/2023 đối với niên độ ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, niên độ NSNN năm 2020 và 2019 trở về trước đến ngày 31/12/2021 chưa thực hiện.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã có các văn bản và đề cương đề nghị KTNN, các Bộ, ngành, địa phương báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN đến hết niên độ NSNN năm 2021. Đến nay, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã nhận được các báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương. Qua xem xét và làm việc với một số Bộ, ngành, địa phương thấy rằng, trong thời gian vừa qua, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã rất tích cực trong triển khai thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN, đặc biệt trong 4 tháng gần đây sau khi Ủy ban Tài chính, Ngân sách ban hành Kế hoạch phiên giải trình đã có sự chuyển biến rất tích cực, số lượng kết luận, kiến nghị kiểm toán thực hiện tăng lên đáng kể. Trong đó nhiều kết luận, kiến nghị tồn đọng nhiều năm cũng được quan tâm thực hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu khai mạc

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu khai mạc

Tuy nhiên, do số kết luận, kiến nghị kiểm toán tồn đọng, tích lũy nhiều năm, nên tổng số kết luận, kiến nghị kiểm toán cả về xử lý tài chính, xử lý khác, rà soát, sửa đổi, ban hành văn bản pháp luật, kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân chưa thực hiện đến 31/3/2023 còn rất lớn và tồn tại ở hầu hết các Bộ, ngành, địa phương. Trong từng Bộ, ngành, địa phương nguyên nhân, lý do chưa thực hiện kết luận, kiến nghị khá đa dạng; nhiều kết luận, kiến nghị cần nhiều cơ quan vào cuộc mới có thể xem xét, xử lý.

Do đó, tại phiên giải trình này, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Tổng KTNN, các Bộ trưởng: Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND các thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh và một số Bộ, ngành, địa phương còn số kết luận, kiến nghị lớn chưa thực hiện hoặc có khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán trực tiếp giải trình các nội dung.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết thêm, đối với các Bộ, ngành, địa phương còn lại, Ủy ban sẽ tiếp tục phối hợp KTNN, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội giám sát giải trình bằng văn bản hoặc tổ chức làm việc để làm căn cứ, cơ sở tổng hợp trung thực, khách quan kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 cùng báo cáo giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 và tại Kỳ họp thứ 7 cùng báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2022.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo tại phiên giải trình

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo tại phiên giải trình

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận phiên giải trình này là hết sức có ý nghĩa và cần thiết. Kết quả của phiên giải trình này là tư liệu, thông tin hết sức quan trọng phục vụ cho các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao những nỗ lực của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, KTNN và các Bộ, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ xem xét kết quả tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN đối với niên độ NSNN năm 2021 và năm 2020 chưa thực hiện. Qua kết quả làm việc bước đầu cho thấy, việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN và việc tổng hợp kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN có sự chuyển biến tích cực sau khi Ủy ban Tài chính, Ngân sách ban hành Kế hoạch tổ chức phiên giải trình. Đây là lần đầu tiên có cuộc rà soát tổng thể các kết luận, kiến nghị của KTNN chưa thực hiện; phát hiện được nhiều nội dung đã thực hiện, nhiều kiến nghị của các cơ quan nhiều năm chưa được tổng hợp, xử lý...là những kết quả cụ thể và rất đáng khích lệ, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tuy nhiên, qua thông tin, số liệu báo cáo cũng cho thấy trong quản lý, sử dụng NSNN, tài chính công, tài sản công tại một số Bộ, ngành, địa phương chưa chuyển biến đáng kể, nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm chậm được khắc phục. Số kiến nghị về xử lý tài chính, xử lý khác; rà soát, sửa đổi ban hành văn bản quy phạm pháp luật; yêu cầu kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có xu hướng năm sau tăng cao hơn năm trước. Số kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa thực hiện còn rất lớn. Nhóm kiến nghị về cơ chế, chính sách của KTNN chưa được thực hiện là 699 kiến nghị; nhóm kiến nghị chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công đối với niên độ NSNN năm 2020 và năm 2019 trở về trước là 746 kiến nghị. Báo cáo các Bộ, ngành, địa phương và KTNN cũng đã nêu nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan chưa thực hiện được hết các kiến nghị của KTNN.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tp.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cũng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tham gia giải trình

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tp.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cũng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tham gia giải trình

Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Tổng KTNN làm rõ kết quả kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN; công tác phối hợp với Bộ Tài chính, các Bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp thu thập chứng từ xác nhận kết luận, kiến nghị đã thực hiện; hướng dẫn, xử lý các vấn đề Bộ, ngành, địa phương kiến nghị, giải trình, khiếu nại; các nguyên nhân do trách nhiệm của KTNN dẫn đến không hoặc chậm thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các kết luận, kiến nghị kiểm toán không thể thực hiện được do nguyên nhân bất khả kháng; giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN; và (6) Các vấn đề khác đại biểu Quốc hội quan tâm.

Đồng thời, đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan tập trung làm rõ lý do để xảy ra nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng NSNN, tài chính công, tài sản công tại Bộ, ngành, địa phương; công tác chỉ đạo điều hành trong tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN. Nguyên nhân, lý do chậm trễ trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN; việc chủ động xử lý theo thẩm quyền và đề xuất cấp có thẩm quyền để thực hiện được các kết luận, kiến nghị của KTNN, đặc biệt là các kết luận, kiến nghị kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng chục năm chưa được xử lý. Trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan, các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng NSNN và việc không thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của KTNN theo các Nghị quyết của Quốc hội. Công tác phối hợp với KTNN trong việc rà soát kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Bộ, ngành, địa phương. Đề xuất các giải pháp và kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tổ chức thực hiện, góp phần đẩy nhanh tiến độ, khắc phục những khó khăn, tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN và các vấn đề khác đại biểu Quốc hội quan tâm.

Một số hình ảnh tại phiên giải trình:

Toàn cảnh phiên giải trình

Toàn cảnh phiên giải trình

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trao đổi về những nội dung cần tập trung làm rõ

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trao đổi về những nội dung cần tập trung làm rõ

Đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan tham dự phiên giải trình

Đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan tham dự phiên giải trình

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà điều hành nội dung phiên giải trình

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà điều hành nội dung phiên giải trình

Đại diện Kiểm toán Nhà nước tham dự phiên giải trình

Đại diện Kiểm toán Nhà nước tham dự phiên giải trình

Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ phát biểu./.

Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ phát biểu./.

Bảo Yến - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=79597