Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự Phiên họp toàn thể Ủy ban Quốc phòng và An ninh

Sáng 18.10, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đã dự Phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự Phiên họp toàn thể Ủy ban Quốc phòng và An ninh

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự Phiên họp toàn thể Ủy ban Quốc phòng và An ninh

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới chủ trì Phiên họp.

Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Hoài Nam.

Phát biểu mở đầu Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban sẽ tiến hành thẩm tra: dự án Luật Đường bộ; dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Đồng thời, thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; ngân sách quốc phòng, an ninh năm 2023; phương hướng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và dự toán ngân sách quốc phòng, an ninh năm 2024; Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024; Báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy năm 2023, phương hướng thực hiện năm 2024.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu tại phiên họp

Tiếp đó, Ủy ban đã tiến hành thẩm tra dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Tờ trình dự án Luật nêu rõ, công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển. Các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng được thể hiện ở nhiều văn kiện như: Nghị quyết Đại hội VII, XI, XII nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng… Bên cạnh đó, qua tổng kết thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp và Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng trên phạm vi cả nước cho thấy đã xuất hiện nhiều vướng mắc, bất cập. Do đó, việc xây dựng dự thảo Luật là cần thiết.

Dự thảo Luật gồm 7 chương, 73 Điều, tập trung vào một số chính sách, như: phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh theo hướng lưỡng dụng, bảo đảm sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động này. Hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh…

Đa số ý kiến Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, rồi đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Đồng thời, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, bảo đảm an ninh quốc gia, phòng thủ và bảo vệ Tổ quốc.

Quang cảnh Phiên họp

Quang cảnh Phiên họp

Tuy nhiên, một số ý kiến lưu ý, nội dung, chính sách giữa các chương, mục còn có sự trùng lặp, tản mạn như: các quy định về cơ chế, chính sách ở mục 3 của Chương II với các cơ chế, chính sách ở Chương IV; nhiều quy định, như về thanh toán, mức thù lao, quản lý đề tài, tạm ứng kinh phí… Do đó, cơ quan soạn thảo cần tập trung rà soát, thể hiện khái quát hơn, tránh việc quá chi tiết, nặng về quy trình, thủ tục.

Cơ bản tán thành với việc bổ sung chính sách của Nhà nước về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, một số thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đề nghị cân nhắc quy định “đối ngoại công nghiệp quốc phòng an ninh” thành chính sách riêng; tiếp tục rà soát, sắp xếp lại bố cục của dự thảo Luật cho hợp lý, bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với các chính sách đã được xác định trong xây dựng Luật.

Tại Phiên họp, các đại biểu cũng đã thảo luận, tập trung làm rõ một số nội dung, như: quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng an ninh; huy động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng an ninh; về nguyên tắc tổ chức, hoạt động công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh…

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp thu đầy đủ các ý kiến đã phát biểu, thể hiện rõ trọng tâm, trọng điểm trong báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu.

Tin và ảnh: T. Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/pho-chu-tich-quoc-hoi-thuong-tuong-tran-quang-phuong-du-phien-hop-toan-the-uy-ban-quoc-phong-va-an-ninh-i346757/