Phố Hà Nội lộng lẫy trong tranh của họa sĩ Nguyễn Anh Thường
Cũng giống như các họa sĩ đi trước của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cố họa sĩ Nguyễn Anh Thường dành tình yêu lớn cho Hà Nội. Đây là mảng đề tài 'đinh' trong sự nghiệp sáng tác của ông với những bức tranh khổ lớn, choáng ngớp không gian nhưng vẫn ấm áp cái tình và giàu chất thơ.
Họa sĩ Nguyễn Anh Thường (1930-2023) là một trong những sinh viên xuất sắc của khóa Tô Ngọc Vân (1955-1957) trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Ông thuộc thế hệ họa sĩ thứ 3, sau lớp họa sĩ Đông Dương và lớp họa sĩ kháng chiến, có đóng góp to lớn cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
Trong sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Nguyễn Anh Thường, mảng đề tài về Hà Nội chiếm vị trí trang trọng. Bởi Hà Nội là nơi ông đã dành cả cuộc đời hội họa ở con phố Nguyễn Thái Học. Đặc biệt, những con phố thân quen của Hà Nội đã được người họa sĩ ấy vẽ trong nỗi nhớ nhung, hoài niệm và có cả những xót xa cho những thân phận người.
Bức sơn mài "Hà Nội 1930", 90x90cm, 2015 là hồi tưởng của họa sĩ về những năm tháng xưa cũ. Ông vẽ một con phố ở gần đê, từ chợ Đồng Xuân đi thẳng qua con phố này là gặp đê. Hà Nội những năm tháng ấy nghèo! Một màu đỏ xám bao trùm tác phẩm càng làm con phố nghèo hoang hoải. Người phụ tần tảo một bên gánh hàng, một bên gánh con, người bán hàng rong ngồi lẩn khuất trong góc phố... Góc phố nhỏ vắng bóng đàn ông, chỉ còn lại những người phụ nữ mưu sinh, gồng gánh nuôi con. Bức tranh miêu tả hiện thực nhưng đồng thời cũng đem lại nhiều suy tư và ý nghĩa về một Hà Nội những năm tháng gian khổ và kiên cường.
Họa sĩ Nguyễn Anh Thường vẽ rất nhiều về phố Hà Nội bằng chất liệu sơn dầu. Bên cạnh đó có cả ký họa bút sắt, mực tàu đen trắng. Phố Hà Nội của họa sĩ tình cảm và giản dị, giàu tính hiện thực và biểu hiện. Hiện thực là ở những hình khối, đường nét vẫn toát lên vẻ chân thực, mộc mạc của cấu trúc nhà - phố - người mà không quá bóp méo hay biến đổi. Những biểu hiện ở màu sắc, tình cảm nội tâm toát lên trong tác phẩm. Hầu hết ở các tranh về phố Hà Nội của họa sĩ, dù ở tông màu tươi sáng hay trầm buồn, cũng đều có độ sắc tương phản sáng tối mạnh mẽ.
Khi nói về mảng đề Hà Nội của họa sĩ Nguyễn Anh Thường mà không những tới những bức tranh phong cảnh lỗng lẫy, choáng ngợp người xem bởi những đại cảnh được phóng to trên khổ tranh lớn thì thật là khiếm khuyết. Họa sĩ Nguyễn Anh Thường có hơn 30 năm công tác tại Xưởng phim đèn chiếu, vẽ trên 150 bộ tranh phim về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Kinh nghiệm của một họa sĩ làm việc tại xưởng phim đèn chiếu giúp ông phóng tác phác thảo ra khổ tranh lớn rất thành công và đạt tới độ nhuần nhuyễn.
Bức sơn mài "Hà Nội trong sắc đỏ", 107x197 cm được ông vẽ như một thước phim chạy dài để cố thu vào tầm mắt những dấu tích của quần thể Hồ Gươm-Tháp Bút - Đền Ngọc Sơn - Cầu Thê Húc - Tháp Rùa... Bức tranh được vẽ vào năm 2013 nhưng dường như những ký ức về một Hà Nội xưa vẫn luôn hiện về đan xen giữa quá khứ và thực tại để người họa sĩ già kể phía trước bức tranh về phía người xem chính là ga tàu điện. Điều đó càng thú vị khi hình dung bức tranh chính là khuôn hình chạy dài được nhìn qua cửa sổ của chuyến tàu điện xưa cũ.
Nhà nghiên cứu Phạm Trung (Viện Mỹ thuật Việt Nam) nhận định, xuyên suốt hoạt động mỹ thuật của họa sĩ Nguyễn Anh Thường là các sáng tác hội họa giàu tính biểu tượng, mang âm hưởng lạc quan, ghi dấu ấn lịch sử và xã hội Việt Nam với những biến động thời cuộc to lớn trong thế kỷ 20. Từng vẽ nhiều và có những thành công với hội Hiện thực XHCN giai đoạn trước những năm 1990, tuy nhiên, vẻ đẹp sâu lắng của Thăng Long-Hà Nội và thiên nhiên Hạ Long kỳ vĩ luôn là những hình ảnh xuất hiện, ngự trị phần lớn tâm khảm của người nghệ sĩ Anh Thường.
Những bức tranh sơn mài khổ lớn về sau của họa sĩ Nguyễn Anh Thường có tinh thần nghệ thuật khoáng đạt, không sa vào chi tiết và cảm xúc nệ thực như tranh sơn mài nhiều họa sĩ Việt khác. Ông hướng tới một lối biểu hiện tạo hình khúc triết, cực đoan hơn, đồ họa hóa trong đường nét, màu sắc, do đó tạo ấn tượng về mỹ cảm hiện đại hóa hơn.
"Điềm nhiên, tự tại một mình trong tâm thức sáng tạo, ưa thích sự rõ ràng, khỏe khoắn và bề thế, ổn định trong cấu trúc tạo hình, hình bóng con người hiếm khi xuất hiện, thế nhưng hội họa Nguyễn Anh Thường vẫn luôn ấm áp tình người bởi năng lượng sáng tạo của họa sĩ lan tỏa, ngập tràn trong hình, màu ở tác phẩm", nhà nghiên cứu Phạm Trung viết.
Vừa qua, họa sĩ Nguyễn Anh Thường đã từ giã gia đình, bạn bè để trở về với thế giới người hiền vào ngày 22/6/2023, hưởng thọ 93 tuổi. Cả cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật, họa sĩ Nguyễn Anh Thường đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị, thể hiện những khám phá tìm tòi cá nhân trong nghệ thuật, cùng cá tính sáng tạo không trộn lẫn. Dẫu ông không còn nữa nhưng tinh thần sáng tạo không ngừng nghỉ ở độ tuổi U100 và năng lượng tích cực, yêu cuộc sống trong các tác phẩm sẽ còn ở lại mãi. Bởi vì đó là tình yêu với cuộc đời, với Thủ đô mà ông đã gắn bó.
Họa sĩ Nguyễn Anh Thường từng tham gia du kích Bắc Sơn, gia nhập quân đội, chiến đấu ở chiến trường Thượng Lào. Năm 1959, ông tham gia đoàn công tác của các văn nghệ sĩ do Thứ trưởng Bộ Văn hóa Cù Huy Cận dẫn đầu về Quảng Ninh, đi sâu, tìm hiểu thực tế, tiếp xúc với đời sống lao động vùng mỏ.
Ông được phân công phụ trách chính, lớp vẽ đầu tiên của công nhân mỏ tại Cẩm Phả, tạo tiền đề xây dựng sự phát triển rộng khắp của phong trào mỹ thuật vùng mỏ Quảng Ninh sau này. Họa sĩ Nguyễn Anh Thường hai lần được Ủy ban Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc trao giải Nhất về tranh phim. Năm 1990, triển lãm cá nhân với loạt tranh mực nho trên giấy dó vẽ về Hạ Long của họa sĩ Anh Thường được dư luận đánh giá cao bởi kỹ thuật bậc thầy trong thẩm mỹ hội họa phương Đông. Trong số đó, tranh "Bến trăng" được huy chương Đồng tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1990.
Họa sĩ Nguyễn Anh Thường có tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và một số sưu tập tư nhân trong và ngoài nước. Đặc biệt, bộ sưu tập của nhà sưu tầm Phan Minh Hà hiện lưu giữ toàn bộ, có hệ thống những tác phẩm sơn mài, sơn khắc khổ lớn đặc sắc và quan trọng nhất của ông.
Một số tác phẩm về Hà Nội của họa sĩ Nguyễn Anh Thường: