'Phố Hàn': Lời nhắn đáng giá giữa biển tin thời công nghệ số

Trong thế giới tưởng như đã tiến triển về mặt công nghệ rất cao siêu, tác giả Thạch Quang Huy vẫn kể chuyện về một con cáo đỏ chín đuôi phải trải qua 500 năm để nhận được một lời huấn từ của tu sĩ Pháp Hoàng. Tiểu thuyết dã sử 'Phố Hàn' tựa một lời nhắn giữa trùng trùng tệp tin được quăng lên 'đám mây' hay không gian mạng mỗi ngày: Hãy cẩn trọng với ý khởi của chính mình.

Tiểu thuyết dã sử “Phố Hàn” của tác giả Thạch Quang Huy vừa ra mắt.

Tiểu thuyết dã sử “Phố Hàn” của tác giả Thạch Quang Huy vừa ra mắt.

Cuốn tiểu thuyết ngắn, viết theo lối dã sử giống như đang kể về giấc mơ của một người đi tìm đạo chia sẻ trải nghiệm về sự tầm học và chạm đến một số hữu ngộ Phật pháp, dưới lăng kính của người nghiên cứu và thực hành truyền thông số. Với ai từng đọc các tác phẩm của Nguyên Phong (Bên rặng tuyết sơn, Muôn kiếp nhân sinh… ) dễ thấy tác giả Phố Hàn đang thi triển một lối viết tạo ra ngữ cảnh và không gian để chia sẻ trải nghiệm của chính mình, thông qua một câu chuyện vừa có sự thật lịch sử - văn hóa, vừa có nét bí ẩn của đạo pháp nhưng vẫn chứa đựng hơi thở cuộc sống hiện thời.

Phố Hàn mở đầu trong không gian ở New York, nơi những người Á châu đến học truyền thông số, cụ thể là anh chàng Don Hwang - người Hàn Quốc và Twe Woo, Hye Won. Cuộc gặp gỡ giữa Don Hwang với người thầy Kim Sang Ho đã đưa chàng sinh viên nghèo bước vào thế giới khám phá những mối quan hệ phức tạp trong giới đầu tư. Từ đây, Don Hwang có hành trình tìm hiểu về Việt Nam, mở đường cho các thương vụ đầu tư lớn của người Hàn tới dải đất hình chữ S. Thông qua nhiệm vụ Don Hwang được giao, độc giả hiểu được sự quan tâm đặc biệt của người Hàn với các vấn đề tâm linh, lịch sử và văn hóa trước khi họ tới một quốc gia mới đầu tư.

Theo đó, chuyện về hoàng tử Lý Long Tường và thanh thượng phương bảo kiếm hay Yên Tử và các huyệt đạo phong thủy, long mạch của Việt Nam được mổ xẻ dưới góc nhìn vừa mang tính cá nhân của người viết vừa tổng hợp tri thức văn hóa - lịch sử đồng thời chứa đựng sự huyền hoặc qua thời gian. Đáng nói, tất cả được phân tích mở rộng nhờ những kết nối mang tính lịch sử có chiều sâu và bút lực có trí lực của đạo pháp. Ví như khi nói về Yên Tử (quần thể vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới), tác giả đặt vấn đề nơi đây là một trong những mạch nguồn linh khí của Việt Nam được “kéo dài từ luồng lực Hy Mã Lạp Sơn tiên thiên bất túc” (kéo dài không dứt) nhưng cũng có thể là khí lực của Côn Luân kéo đến và điểm kết thúc ở tận… Hoàng Sa. Khi nhắc đến Hoàng Sa, tác giả viết: “đây là cái đuôi con rồng nhỏ nhô lên giữa biển Đông, là điểm kết của chí mạch núi Chúa”.

Thông qua cuộc tìm kiếm thông tin cho các thương vụ đầu tư, “Phố Hàn” để lại những nhắc nhở, dù rất nhỏ nhưng có thể cần lưu tâm. Như việc khai thác than và khoáng sản ở vùng Đông Triều - Quảng Ninh có thể gây ảnh hưởng đến thủy mạch; hay mạch long dịch chuyển sẽ có nhiều điều kỳ lạ sinh xuất khi bàn đến vùng núi Chúa (Quảng Ngãi).

Mượn công nghệ số để tổng hợp những tri thức cổ thư về long mạch, huyện vị và những câu chuyện địa linh, nhân kiệt xứ Việt - cội rễ sâu xa gắn với văn hóa và những câu chuyện lịch sử; Lấy chuyện truyền thông số và sự cạnh tranh trong giới đầu tư để chia sẻ góc nhìn về thế giới dưới sự lý giải của Phật giáo, tác giả Thạch Quang Huy mang tới những tri kiến mới trong Phố Hàn và gửi gắm không ít suy tư.

Câu chuyện từ Mỹ đến Hàn, sang Việt Nam được kết nối lại bằng một dòng chảy của cái vỏ tương đồng. Đó là sự tương đồng trong ý thức hệ của những người Á châu và sự tương đồng của những con người cùng tìm kiếm tệp tri thức giống nhau. Nhưng nếu nhìn vào việc Don Hwang và thầy nhỏ Pháp Hoàng cùng đến Việt Nam những tưởng hành trình và mục đích của họ giống nhau, nhưng thực không hẳn vậy. Sự vi tế là, xen cài trong nhiều lớp cắt khó nắm bắt và phân định, mỗi người có tự tính riêng, thọ nhận những hiểu biết và dẫn đến kết quả khác nhau. Nếu Don Hwang tìm kiếm huyệt vị long mạch thông qua các công trình khảo sát nghiên cứu, thầy nhỏ Pháp Hoàng lại tìm thấy những câu trả lời về nó chỉ qua những cuộc gặp gỡ tình cờ. Hành trình của thầy nhỏ giống một cuộc dạo chơi để mặc những hữu duyên tự đến, nhưng bên trong đó là trí lực của sự truy tầm chân ngã chính mình.

Cái hay của Thạch Quang Huy là tác giả không nhấn mạnh hay phô trương sự khác biệt của hai hành trình ấy, anh để người đọc phát hiện và có kết luận cho mình. Giữa những trang sách, người đọc tự nhìn ra ý nghĩa khác nhau của mỗi chi tiết được xây dựng, tùy đối tượng bạn đọc là ai.

Cuốn sách như một lát cắt cuộc sống, không định kể một câu chuyện trọn vẹn. Bởi, sau những cuộc gặp gỡ, mỗi nhân vật lại tiếp tục hành trình đời mình, như chưa hề làm điều gì lớn lao. Don Hwang lấy vợ và có 1 con trai ba tuổi và trở về Hàn Quốc, Pháp Hoàng (thầy nhỏ) tiếp tục ở lại ngôi chùa giữa Đông Thành, các nhà đầu tư Hàn tiếp tục những dự án của mình.

Tác giả Thạch Quang Huy, tên thật là Nguyễn Thanh Hòa. Anh là tiến sĩ ngành truyền thông và hiện đang công tác tại Sở Khoa học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, phụ trách lĩnh vực chuyển đổi số.

Tác giả Thạch Quang Huy, tên thật là Nguyễn Thanh Hòa. Anh là tiến sĩ ngành truyền thông và hiện đang công tác tại Sở Khoa học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, phụ trách lĩnh vực chuyển đổi số.

Cũng trong Phố Hàn, có nhân vật được miêu tả đậm nét ở phần đầu như Twe Woo, Hye Won nhưng ở phần sau cuốn sách, họ xuất hiện chóng vánh như người “cởi nút” trong một màn kịch đời, hết nhiệm vụ sẽ ra đi. Dễ thấy rằng, trong cuộc sống tấp nập, trùng trùng duyên khởi không có cái nào vô nghĩa. Sự xuất hiện của mỗi người dù đậm, dù nhạt ở từng hoàn cảnh đều không có ý nghĩa bằng việc họ tìm thấy gì trên chặng đường đã và đang đi. Câu trả lời của mỗi người tìm được khác nhau sẽ dẫn tới những hành trình tiếp theo khác nhau, hoặc sẽ mãi ở trong nhị nguyên được - mất hay trở thành tiếng chuông Thanh Long tự.

Như vị thọ thần khắc Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh lên phiến đá đã kinh qua ngàn năm vẫn trồi lặn trong nghiệp trùng của chính mình. Dù đã có thần thông vị thọ thần ấy vẫn trôi lăn trong lục đạo cho tới khi nhận được câu hỏi từ Pháp Hoàng rằng: “Nếu so việc tìm huyệt vị và việc hoằng pháp sinh lợi thì công đức cái nào lớn hơn?” mới bừng tỉnh rùng mình biến vào làn ánh sáng bay đến đại hồng chung, làm một tiếng chuông long trời lở đất trước khi tan vào hư không đại định.

Phố Hàn trong “phố sách” vì vậy giống một lời nhắn đáng giá giữa trùng trùng tệp tin được quăng lên “đám mây” hay không gian mạng mỗi ngày. Hãy cẩn trọng với ý khởi của chính mình, để lựa chọn thông tin gửi đi và nhận lại trong thời đại công nghệ số. Bởi trong thế giới tưởng như đã tiến triển về mặt công nghệ rất cao siêu, tác giả vẫn kể chuyện về một con cáo đỏ chín đuôi phải trải qua 500 năm để nhận được một lời huấn từ của Pháp Hoàng

Tác giả Thạch Quang Huy không kết luận, nhưng câu chuyện anh mang tới bao gồm lời nhắn nhủ rằng: Thế giới này dù có công nghệ hay không vẫn tồn tại song song những tri kiến và sự thật nằm ngoài sự hiểu biết thông thường mà trí óc con người không tài nào vươn tới. Đó là bí mật tối thượng của đất trời suốt lịch sử trăm năm, ngàn năm. Và ở thời đại nào cũng vậy, câu trả lời tìm thấy của mỗi người luôn khác nhau: một dự án được triển khai, một gia đình hạnh phúc, một sự nghiệp vẹn toàn hay đôi khi một điều gì đó bỗng tới như ánh sáng xẹt qua. Và như thế, có người tiếp tục trôi lăn trong lục đạo, có người trở thành ánh sáng hoặc tiếng chuông hòa vào hư không.

Kim Sen

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/giai-tri/pho-han-loi-nhan-dang-gia-giua-bien-tin-thoi-cong-nghe-so-c3a100834.html