Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà tiếp đoàn lãnh đạo cấp cao của SWIFT
Ngày 10/7/2025, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà tiếp đoàn lãnh đạo cấp cao của SWIFT (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication) nhân dịp đoàn sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Cùng dự buổi tiếp có lãnh đạo một số Vụ, Cục, đơn vị thuộc NHNN.
Đoàn lãnh đạo cấp cao của SWIFT do ông Kevin Wong - Tổng Giám đốc điều hành khu vực Châu Á - Thái Bình Dương làm trưởng đoàn. Mục đích của đoàn lãnh đạo cấp cao SWIFT tại cuộc gặp và làm việc với lãnh đạo NHNN là để cập nhật về các vấn đề của ngành mà hai bên cùng quan tâm như đảm bảo an ninh an toàn trong thanh toán quốc tế, quản lý dự trữ ngoại hối, chuyển đổi chuẩn điện ISO20022 trong thanh toán quốc tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, Sibos 2025 và một số nội dung khác.
Hiệp hội SWIFT được thành lập năm 1973 tại Brussels (Bỉ), cung cấp mạng lưới an toàn và chuẩn hóa cho các ngân hàng và tổ chức tài chính toàn cầu trao đổi thông tin giao dịch như chuyển tiền, thanh toán, xác nhận chứng khoán. Việt Nam tham gia hệ thống SWIFT vào tháng 3/1995 với 06 thành viên đầu tiên bao gồm NHNN, Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank và Eximbank. Năm 1996, Ủy ban SWIFT Việt Nam (VIETSWIFT) được thành lập với vai trò kết nối và hỗ trợ các ngân hàng Việt trong việc sử dụng hệ thống SWIFT. Hiện NHNN đóng vai trò chủ tịch VIETSWIFT. Cộng đồng SWIFT Việt Nam hiện có 87 thành viên, trong đó 17 thành viên là cổ đông. Năm 2024, Việt Nam xử lý 31 triệu điện SWIFT, xếp thứ 48 về điện gửi và thứ 50 về điện nhận trong hơn 200 quốc gia.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà phát biểu tại buổi gặp mặt
Hoạt động của NHNN liên quan đến hệ thống SWIFT
Là đơn vị sử dụng SWIFT, Cục Quản lý ngoại hối đã thực hiện các nghiệp vụ thanh toán quốc tế như chuyển ngoại tệ giữa tài khoản của NHNN tại nước ngoài, điều chuyển theo yêu cầu của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài và một số nghiệp vụ khác. Việc sử dụng SWIFT giúp đảm bảo thanh toán quốc tế chính xác, an toàn, bảo mật, đáp ứng yêu cầu trong quản lý dự trữ ngoại hối và thanh khoản cho các TCTD.
Năm 2024, NHNN gửi 2.953 điện đi với doanh số 128,48 tỷ USD và nhận 13.247 điện đến, tương đương 132,26 tỷ USD. Cục Quản lý ngoại hối theo dõi sát các khoản tiền, trái phiếu chuyển đi - đến, thu lãi tiền gửi, lãi định kỳ trái phiếu NHNN nắm giữ, các giao dịch ngoại tệ và đối chiếu sao kê tài khoản hàng ngày.
Với vai trò Chủ tịch SWIFT Việt Nam, Cục Quản lý ngoại hối phối hợp với Hiệp hội SWIFT tổ chức Hội nghị thường niên các thành viên SWIFT tại Việt Nam, đồng thời thường xuyên tổ chức các diễn đàn, buổi tập huấn nhằm tổng kết, đánh giá tình hình hoạt động thanh toán quốc tế tại Việt Nam; làm cầu nối giữa SWIFT với các tổ chức sử dụng SWIFT tại Việt Nam để cập nhật, triển khai các chính sách, giải pháp của SWIFT nhằm đảm bảo hoạt động thanh toán quốc tế qua SWIFT tại Việt Nam được an toàn, bảo mật, ổn định, thông suốt.

Ông Kevin Wong - Tổng Giám đốc điều hành khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trưởng đoàn SWIFT phát biểu tại buổi gặp mặt
Đảm bảo an toàn cho thanh toán qua hệ thống SWIFT
Đảm bảo an toàn cho hệ thống truyền tin thanh toán qua SWIFT là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh, tiềm ẩn nguy cơ bị tấn công mạng. Để tăng cường bảo mật, SWIFT khuyến nghị: cập nhật đầy đủ phần mềm SWIFT Alliance; áp dụng xác thực hai lớp, tường lửa, mã hóa mạnh; kiểm tra thường xuyên nhật ký giao dịch, hệ thống in ấn và chương trình nội bộ. NHNN thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định bảo mật theo CSP (Customer Security Programme - CSP). Hằng năm, NHNN (do Cục Công nghệ Tin học làm đầu mối) gửi báo cáo tuân thủ chương trình này đến SWIFT.
Triển khai ISO 20022 tại NHNN
NHNN đã tiến hành kiểm thử, gửi và nhận thủ công song song hai định dạng điện SWIFT: định dạng cũ (MT) và định dạng mới theo chuẩn ISO 20022 (MX) với các đối tác quốc tế. Đến nay, Cục Quản lý Ngoại hối đã kiểm thử thành công định dạng MX với một số đối tác lớn như Fed, Ngân hàng Trung ương Pháp, Đức, Clearstream và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế. Việc kiểm thử với các đối tác khác đang tiếp tục, đồng thời hoàn thiện mẫu điện theo yêu cầu riêng của từng thị trường.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà chụp hình lưu niệm cùng đoàn cấp cao SWIFT
Theo lộ trình chuyển đổi ISO 20022 của SWIFT áp dụng từ tháng 11/2025, Cục CNTT đã đề xuất tại Công văn số 1942/CNTT6 ngày 03/10/2024 xây dựng công cụ chuyển đổi định dạng giữa phần mềm SWIFT IM (thuộc hệ thống SG 3.1) và ứng dụng SWIFT. Kế hoạch gồm hai giai đoạn: Tháng 10/2024 - 6/2025: Phát triển công cụ chuyển đổi giữa MT và MX; Tháng 6/2025 - 9/2025: Kiểm thử người dùng (UAT), hoàn thiện và triển khai chính thức.
Hiện Cục Công nghệ thông tin đang xây dựng công cụ tự động tạo điện đi từ SWIFT IM sang phần mềm SWIFT, đồng thời phát triển hệ thống lọc và in điện tự động nhằm giảm thao tác thủ công trong xử lý tin điện.