Phó Thủ tướng: Bộ Công Thương phải luôn là 'lá cờ đầu' trên mặt trận kinh tế
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Công Thương cần tiếp tục giữ vững vai trò là cơ quan quản lý nhà nước chủ lực về công nghiệp và thương mại, 'lá cờ đầu' trên mặt trận kinh tế, là điểm tựa cho doanh nghiệp.
Nhiều thành tích đột phá
Tại Phiên chính thức Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030 sáng 16/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đánh giá, ngành Công Thương đã dồn sức, đồng lòng, chủ động, sáng tạo, đột phá để góp phần "chuyển đổi trạng thái", đóng góp toàn diện vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng trưởng GDP cả nước đạt 7,09% năm 2024 và 7,52% trong 6 tháng đầu năm 2025, mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2025. Đảng, Chính phủ quyết liệt thực hiện nhiều chính sách và giải pháp đồng bộ nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% năm 2025 và hai con số trong những năm tiếp theo.
Trong đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh về thành tích của ngành Công Thương trong thực hiện quy hoạch và phát triển mạng lưới điện, năng lượng quốc gia. Nổi bật là "kỳ tích" đường dây 500 kV mạch 3 được hoàn thành với nhiều kỷ lục; tái khởi động chương trình phát triển điện hạt nhân và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; ngành dầu khí vượt ngưỡng 1 triệu tỷ đồng doanh thu (năm 2024)...

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ I. Ảnh: VGP/Hải Minh
Xuất nhập khẩu tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp chủ lực vào tăng trưởng kinh tế. Năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 786,29 tỷ USD, tiến gần tới mốc lịch sử 800 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Đáng chú ý, nước ta xuất siêu năm thứ 9 liên tục với mức thặng dư gần 25 tỷ USD.
Trước những biến động của kinh tế thế giới do tác động của căng thẳng thuế quan, bảo hộ, Bộ Công Thương đã chủ động “đi trước mở đường”, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành nghiên cứu, tạo đột phá trong việc khai mở thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, châu Phi, thị trường Halal...
Thị trường trong nước tiếp đà tăng trưởng vững chắc ở mức 9%, đặc biệt là thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD năm 2024.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số bất cập, hạn chế trong công tác của ngành Công Thương, như vẫn còn những điểm nghẽn trong thể chế, quy hoạch, quản trị, chuyển đổi số; còn hạn chế về hiệu quả tổ chức thực thi, về chất lượng, năng lực của đội ngũ cán bộ.
Xuất khẩu còn phụ thuộc lớn, kéo dài vào khu vực FDI và một số thị trường; tỷ lệ nội địa hóa thấp. Quản lý thị trường vẫn còn kẽ hở khi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng diễn biến phức tạp.
Phải là 'lá cờ đầu' trên mặt trận kinh tế
Về mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị Bộ Công Thương cần tiếp tục giữ vững vai trò là cơ quan quản lý nhà nước chủ lực về công nghiệp và thương mại, "lá cờ đầu" trên mặt trận kinh tế, là điểm tựa vững chắc cho các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp; là người bạn đồng hành tin cậy và truyền cảm hứng tích cực cho đội ngũ doanh nhân.
Ngành Công Thương cần tiếp tục phát huy vai trò là lực lượng mạnh trong hành trình đưa dân tộc phát triển hùng cường, thịnh vượng, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ chính trị trong quản lý nhà nước của ngành; phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, đạt và vượt các chỉ tiêu được giao, góp phần đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, có năng lực cạnh tranh thuộc nhóm dẫn đầu ASEAN, duy trì vị thế top 20 về xuất khẩu và top 30 về thị trường bán lẻ toàn cầu...

Phó Thủ tướng gợi mở tám nhiệm vụ trọng tâm cho Bộ Công Thương. Ảnh: VGP/Hải Minh
Hai là, định hình một tầm nhìn mới trong thời đại mới, quyết tâm đổi mới tư duy, xác lập bản sắc kinh tế mới dựa trên tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ba là, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững thị trường năng lượng.
Bốn là, phát triển thương mại hiện đại, bền vững, gắn với xuất khẩu giá trị cao, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách của các nước lớn về thuế quan. Đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao, giảm dần phụ thuộc vào nguyên liệu thô và gia công.
Năm là, bảo vệ thị trường trong nước và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt.
Sáu là, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện tốt các cam kết, thỏa thuận thương mại quốc tế theo tinh thần Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Bảy là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách thể chế ngành Công Thương.
Tám là, về công tác xây dựng Đảng, thực hiện hiệu quả quan điểm chỉ đạo "xây dựng Đảng là then chốt". Trong đó, tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện trên các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ.
Phó Thủ tướng tin tưởng Đảng bộ Bộ Công Thương quyết tâm sẽ chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu xây dựng ngành công thương vững mạnh toàn diện, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030; vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển mới.