Thấp thỏm kinh doanh vàng

Còn vài ngày nữa là hạn chót để Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (trước 15/7/2025). Các doanh nghiệp kinh doanh vàng vẫn rất băn khoăn, lo ngại bởi một số quy định của dự thảo chưa hợp lý, có thể phát sinh giấy phép con.

Chưa quan tâm đến vàng phi vật chất

Sau hàng chục năm làm trong ngành vàng, ông Đinh Nho Bảng, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng, thị trường bây giờ “rất may và rất quý” khi đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Đặc biệt, những phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc làm việc với Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương về cơ chế, chính sách quản lý hiệu quả thị trường vàng hồi tháng 5 vừa qua chính là “kim chỉ nam cho thị trường vàng, không chỉ trong trước mắt mà còn lâu dài”, ông Bảng nhấn mạnh tại Tọa đàm về việc sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, do VGTA tổ chức chiều 10/7.

Ảnh: T.L

Ảnh: T.L

Theo đó, Tổng Bí thư yêu cầu xóa bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; xóa bỏ thế độc quyền Nhà nước về thương hiệu vàng miếng một cách có kiểm soát; khuyến khích phát triển thị trường vàng trang sức trong nước để từng bước đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế tác, xuất khẩu vàng trang sức chất lượng cao; phát triển các kênh đầu tư thay thế hấp dẫn để huy động vàng từ trong dân cư vào nền kinh tế… “Đây là những chỉ đạo rất toàn diện, sâu sắc, rõ ràng, minh bạch, để thị trường vàng Việt Nam đổi mới hoàn toàn”, Chủ tịch VGTA phát biểu.

Hiện, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 24. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, trước 15/7, Ngân hàng Nhà nước phải trình lên Chính phủ.

"Đây là cơ hội để đưa những vấn đề cốt lõi, những chỉ đạo của Tổng Bí thư vào trong lần sửa đổi Nghị định này". Khẳng định như vậy, song ông Đinh Nho Bảng lại tỏ ra băn khoăn, và cả những lo ngại khi dự thảo dường như “vẫn còn thiếu vắng nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư”.

Theo Chủ tịch VGTA, Nghị định số 24 chỉ là quản lý vàng vật chất, chưa quan tâm đến vàng phi vật chất; trong khi trên thế giới, vàng phi vật chất là chủ yếu. Để người dân không tập trung vào vàng vật chất thì phải tạo công cụ hấp dẫn cho người ta đầu tư, song hiện nay chưa có quy định rõ. “Điều này phải được thể hiện qua chính sách, không thể chỉ hô hào”, ông Bảng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch VGTA Nguyễn Thế Hùng cho rằng, để huy động vàng trong dân vào sản xuất, kinh doanh, cần phải xây dựng lòng tin cho người dân để họ gửi vàng, và phải có công cụ kỹ thuật với điều kiện phải hiểu biết về công cụ đó. Phải có một cơ quan nhà nước đứng ra, bằng cách phát hành chứng chỉ vàng khi người dân gửi vàng và được bảo toàn bằng vàng. “Hội đồng Vàng thế giới cho biết họ sẵn sàng giúp Việt Nam làm”, ông Hùng thông tin.

"Vì sao vốn điều lệ phải là 1.000 tỷ đồng?"

Một trong những nội dung được các doanh nghiệp ngành vàng hết sức quan tâm là quy định xóa bỏ độc quyền Nhà nước về sản xuất vàng miếng và thực hiện việc cấp phép các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng.

Theo các doanh nghiệp, điều kiện để tham gia sản xuất vàng miếng đang quá chặt, “mang tính đánh đố”. Ông Hùng dẫn chứng, dự thảo quy định, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng trở lên. Tuy nhiên, hiện nay, để sản xuất vàng miếng, doanh nghiệp chỉ cần đầu tư một máy dập vàng miếng không quá 2 tỷ đồng, rất đơn giản so với sản xuất trang sức. “Như vậy về công nghệ, máy móc kỹ thuật có cần đến 1.000 tỷ đồng không?”. Đặt câu hỏi này, ông Hùng cho rằng, còn có những tiêu chí khác cần quan tâm, như về năng lực sản xuất (tài sản, cơ sở vật chất, công nghệ, kỹ thuật); uy tín, trách nhiệm…; đó là những yếu tố quan trọng, chứ không phải chỉ về vốn!

Ông Vũ Hùng Sơn, Tổng Thư ký VGTA bổ sung, cần làm rõ cơ sở khoa học của quy định vốn điều lệ vì sao từ 1.000 tỷ đồng trở lên, mà không phải là con số khác. Khi các điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp, sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường vàng miếng.

Dự thảo cũng quy định điều kiện được cấp phép sản xuất vàng miếng phải là doanh nghiệp đã được cấp giấy phép kinh doanh, mua bán vàng miếng. Ông Sơn phân tích, quy định này phù hợp trong bối cảnh Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng; để có kênh phân phối, Nhà nước phải lựa chọn ra các ngân hàng, doanh nghiệp có đủ năng lực, uy tín. Tuy nhiên, bây giờ, Nhà nước đã mở cho nhiều doanh nghiệp sản xuất vàng miếng, nếu quy định như trong dự thảo sẽ khiến doanh nghiệp sản xuất chỉ được phép phân phối trực tiếp trong kênh phân phối của chính mình, ở nơi được cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng khác, và không được phân phối ở bất kể nơi nào khác. “Khi Nhà nước đã kiểm soát sản xuất thì có cần kiểm soát việc các doanh nghiệp đó phân phối ở đâu không?”, ông Sơn đặt vấn đề.

Cũng liên quan vàng miếng, đại diện doanh nghiệp đề nghị dự thảo cần hết sức cân nhắc quy định cho phép tổ chức tín dụng, đặc biệt là ngân hàng thương mại tham gia sản xuất, kinh doanh vàng miếng, bởi điều này rất nguy hiểm và các nước không làm vậy. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước không nên sản xuất vàng miếng, bởi khi phát hành ra, người dân sẽ tập trung mua, các doanh nghiệp khó cạnh tranh.

Liên quan sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, đại diện VGTA cho biết hiện rất khó khăn do không có nguyên liệu đầu vào, phải mua trôi nổi trên thị trường, vô tình tiếp tay cho buôn lậu; trong khi máy móc đã được đầu tư. Hiện, cả nước có gần 7.000 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động sản xuất vàng trang sức. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát lại không được thực hiện đầy đủ. Đại diện doanh nghiệp đề nghị, dự thảo cần bỏ quy định về điều kiện sản xuất vàng trang sức và thủ tục, hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động sản xuất vàng trang sức.

Tựu trung, theo VGTA, dự thảo Nghị định mới sửa đổi mang tính kỹ thuật. Căn cơ, cần có một nghị định thay thế Nghị định số 24.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thap-thom-kinh-doanh-vang-10379360.html