Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Chính sách cho giáo dục không phân biệt công lập và tư nhân
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Nhà nước chỉ đầu tư, quản lý những gì cần quản lý, đồng thời mở ra không gian sáng tạo, đổi mới chính sách để thu hút, huy động các nguồn lực xã hội vào lĩnh vực giáo dục. Chính sách cho giáo dục không phân biệt công lập và tư nhân.
Ngày 18/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã dự và phát biểu tại Hội nghị Phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quy hoạch hệ thống giáo dục, đào tạo phải tích hợp thực chất
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cần có triết lý mới, nhận thức mới về đầu tư cho giáo dục, chính sách đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, phương thức dạy và học… trên cơ sở khoa học, dân chủ, tiếp thu kinh nghiệm của thế giới, phù hợp với thực tiễn của đất nước. Từ đó xác định vị trí của giáo dục phổ thông, đại học, sau đại học khi đưa ra quyết định, chủ trương đầu tư trong lĩnh vực giáo dục.
Ngành giáo dục phải thay đổi cách giảng dạy, truyền thụ trong nhà trường; đề cao vai trò môi trường học tập suốt đời ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng để mỗi cá nhân biết cách tự học, học đi đôi với hành, hoàn thiện bản thân; tạo không gian, môi trường đổi mới sáng tạo.
Cũng theo Phó Thủ tướng, ngành giáo dục phải quy hoạch mạng lưới hệ thống giáo dục các cấp trên cơ sở quy hoạch quốc gia, vùng, địa phương, có đủ không gian giảng dạy dạy kiến thức văn hóa, thể dục thể thao, đào tạo nghề… nhằm phát triển toàn diện năng lực, kỹ năng của học sinh; định hướng nghề nghiệp phù hợp; góp phần phát hiện và đào tạo nhân tài.
"Quy hoạch hệ thống giáo dục, đào tạo phải tích hợp thực chất, gắn với quy hoạch vùng, địa phương, có địa chỉ cụ thể, gắn với quá trình phát triển đô thị", Phó Thủ tướng trao đổi.
Những địa phương có điều kiện thuận lợi cần thúc đẩy mạnh mẽ xã hội hóa giáo dục
Đáng chú ý, trao đổi về vấn đề chính sách xã hội hóa giáo dục, Phó Thủ tướng nêu quan điểm: Nhà nước chỉ đầu tư, quản lý những gì cần quản lý, đồng thời mở ra không gian sáng tạo, đổi mới chính sách để thu hút, huy động các nguồn lực xã hội vào lĩnh vực giáo dục. Chính sách cho giáo dục không phân biệt công lập và tư nhân.
Theo đó, nguồn lực Nhà nước đầu tư cho giáo dục tại vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm làm việc, còn những địa phương có điều kiện thuận lợi cần thúc đẩy mạnh mẽ xã hội hóa giáo dục. "Bộ GD&ĐT đưa ra tiêu chí, phương pháp, mục đích đào tạo để các trường thực hiện và được đánh giá khách quan, nhất là từ xã hội, người sử dụng lao động", Phó Thủ tướng gợi mở.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng định hướng đầu tư vào những lĩnh vực không hấp dẫn tư nhân, như các trung tâm nghiên cứu, đào tạo sau đại học; cho những lĩnh vực mới, như công nghệ lõi, chế tạo chip, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, tự động hóa… đây cũng là những trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (start-up) cho sinh viên, học sinh làm quen với môi trường, nuôi dưỡng những ý tưởng khởi nghiệp, "thực học, thực nghiệp"; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học, công nghệ.
"Khi những lợi thế về thuế, nhân công giá rẻ, đất đai không còn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, thì nguồn nhân lực chất lượng cao có tính quyết định. Bộ GD&ĐT phải dự báo các nhiệm vụ, ngành nghề hết sức mới mẻ để tính toán từ khâu đầu tư, cơ sở vật chất, nguồn lực, đến sản phẩm đầu ra", Phó Thủ tướng nói.