Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Giáo dục - Đào tạo có trọng trách hết sức to lớn
Chiều 15/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với Bộ GD&ĐT.
Cùng dự có đại diện các bộ, ngành, cơ quan có liên quan. Về phía Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn; các thứ trưởng: Phạm Ngọc Thưởng, Nguyễn Hữu Độ, Ngô Thị Minh, Hoàng Minh Sơn; đại diện lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị cơ quan Bộ.
Ngành Giáo dục đang triển khai nhiều nhiệm vụ lớn
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Ngành Giáo dục - Đào tạo hiện đang trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện. Chiến lược cải cách đã được Trung ương thể hiện đầy đủ, sâu sắc, toàn diện với Nghị quyết 29/NQ-TW. Tới nay, việc triển khai kịch bản đổi mới này đã được gần 10 năm và nhiều việc còn đang tiếp tục triển khai.
Ngành Giáo dục - Đào tạo được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm một cách nhất quán, coi đây là một trong ba đột phá chiến lược, là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước, với kỳ vọng lớn, phó thác nhiều. Nhân dân cũng mong đợi những kết quả của ngành Giáo dục - Đào tạo. Tương lai của đất nước phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố con người. Vì thế, sự phát triển của ngành càng trở nên quan trọng.
“Nhận thức được đầy đủ sứ mệnh đó, toàn ngành Giáo dục đã ra sức phấn đấu, khắc phục khó khăn, từng bước đổi mới và vươn lên. Nhưng trong thời kỳ chuyển đổi, lượng công việc, thách thức, vướng mắc, ý kiến, vấn đề đặt ra nhiều. Nhiều chính sách đã và đang tiếp tục ban hành, chỉ đạo tháo gỡ. Mong rằng, Phó Thủ tướng trong chỉ đạo chia sẻ những vấn đề đặt ra với ngành”, Bộ trưởng bày tỏ.
Hiện nay, cả nước có 41.529 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, (trong đó cơ sở giáo dục công lập chiếm 90,5%, ngoài công lập chiếm 9,5%) với tổng số hơn 22,2 triệu trẻ em, học sinh.
Về cơ bản, không còn xã trắng về giáo dục. Mọi thôn bản đều có lớp mầm non. Tất cả các xã đều có trường tiểu học. Các điểm trường, lớp ghép được mở ở hầu hết các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Hầu hết các xã đã có trường THCS, các huyện đều có trường THPT.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thay mặt lãnh đạo Bộ báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT, với thông tin về quy mô giáo dục, mạng lưới cơ sở giáo dục; chương trình và chất lượng giáo dục, đào tạo; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; cơ sở vật chất; tài chính, ngân sách.
Thứ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT đang triển khai một số nhiệm vụ lớn. Trong đó có triển khai các chiến lược, đề án (Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao…); lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Bộ GD&ĐT đồng thời triển khai thực hiện kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH14 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông".
Cùng với đó, tiếp tục triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 4, lớp 8, lớp 11 bảo đảm hiệu quả. Nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa đối với lớp 5, lớp 9, lớp 12. Thẩm định, biên soạn sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số lớp 3, lớp 4 đối với 8 thứ tiếng.
Đa dạng hóa loại hình giáo dục và đào tạo đáp ứng đa dạng nhu cầu học tập của nhân dân; trong đó quan tâm tới các đối tượng đặc thù, yếu thế và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân học tập liên tục, suốt đời. Chỉ đạo, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 an toàn, nghiêm túc, hiệu quả và xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018.
Đối với giáo dục đại học, cả nước có 227 cơ sở giáo dục đại học đầu mối; trong đó 160 cơ sở giáo dục đại học công lập (chiếm 70,5%). Hệ thống cơ sở giáo dục đại học phát triển không đồng đều, quy mô đào tạo rất khác nhau…
Về quản lý nhà nước, Bộ GD&ĐT quản lý trực tiếp 36 cơ sở giáo dục đại học (trong đó có 3 đại học vùng). 96 trường công lập do các bộ ngành khác và 26 trường công lập do các địa phương quản lý trực tiếp. 2 đại học quốc gia không có cơ quan quản lý trực tiếp.
Báo cáo do Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trình bày cũng đưa ra các đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trong đó có việc đề nghị Chính phủ xem xét có chính sách tiền lương, phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Trước mắt, năm 2023 ban hành Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành được giao chủ trì các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và 2021-2030 xem xét đưa các dự án, nhiệm vụ liên quan đến ngành giáo dục vào nhóm ưu tiên hàng đầu khi xây dựng nguyên tắc, tiêu chí phân bổ hạn mức kế hoạch vốn. Trong đó ưu tiên mua sắm trang thiết bị dạy học, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường học, các công trình phụ trợ thiết yếu phục vụ điều kiện dạy và học để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích đầu tư và tài trợ cho giáo dục đại học, xã hội hóa giáo dục đại học, bao gồm cả thực hiện cơ chế hợp tác công tư, nhất là chính sách ưu đãi thuế, sử dụng đất. Tăng quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục đại học công lập trong sử dụng nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước cho đầu tư cơ sở vật chất và tăng cường năng lực hoạt động giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức.
Chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đánh giá nhu cầu đào tạo giáo viên trên địa bàn, phối hợp với Bộ GD&ĐT để cấp chỉ tiêu đào tạo giáo viên cho các cơ sở đào tạo giáo viên theo quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP, bảo đảm kịp thời đào tạo, cung cấp đội ngũ giáo viên còn thiếu của địa phương theo yêu cầu thực tiễn và phát huy năng lực của các cơ sở đào tạo trên địa bàn…
Bộ Tài chính thực hiện phân bổ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo đảm bảo tối thiểu 20% trong tổng chi chi ngân sách nhà nước hằng năm của cả nước theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 37/2004/NQ-QH11 của Quốc hội và Luật Giáo dục 2019. Quan tâm điều chỉnh cơ cấu chi ngân sách cho giáo dục theo hướng tăng cấp hỗ trợ chi không thường xuyên trong khi giảm ngân sách chi thường xuyên.
Chia sẻ kịp thời thông tin về chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, giúp Bộ GD&ĐT có số liệu báo cáo các cơ quan có liên quan, đặc biệt là đề nghị cung cấp số liệu chi ngân sách nhà nước cho giáo dục phổ thông giai đoạn 2015 - 2022 theo yêu cầu của Quốc hội...
Tại buổi làm việc, các thứ trưởng: Phạm Ngọc Thưởng, Ngô Thị Minh, Hoàng Minh Sơn đã có những trao đổi, chia sẻ làm rõ hơn báo cáo của Bộ GD&ĐT.
Giáo dục - Đào tạo có sứ mệnh, trọng trách hết sức to lớn
Khẳng định sứ mệnh, trọng trách, phạm vi ảnh hưởng hết sức rộng lớn của ngành Giáo dục - Đào tạo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận những kết quả, thành tựu toàn ngành đạt được trong thời gian qua. Đặc biệt, trong giai đoạn cả nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, ngành Giáo dục vẫn bảo đảm tổ chức dạy học an toàn, chất lượng.
Bên cạnh đó, toàn ngành đồng thời cũng phải đối mặt với không ít tồn tại, vướng mắc sau đại dịch Covid-19, cũng như trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Những khó khăn, tồn tại, yếu kém, theo Phó Thủ tướng, cần được nhận diện, xác định rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, chỉ ra được những giải pháp trước mắt, lâu dài, “địa chỉ để hóa giải”, giải pháp khắc phục cụ thể ở khâu nào, quy định nào, của cấp quản lý nào.
Lĩnh vực quản lý của ngành Giáo dục hết sức quan trọng, với tư tưởng xuyên suốt gắn với học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập từ mầm non đến đại học, nghiên cứu chuyên sâu. Để các sản phẩm giáo dục luôn có giá trị, đáp ứng được nhu cầu của xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng, hoạt động giáo dục, đào tạo cần gắn kết với dự báo nhu cầu xã hội, thị trường lao động; gắn kết giữa giáo dục, đào tạo với lực lượng sản xuất trong nhà máy, xí nghiệp; kết hợp nguồn lực nhà nước đầu tư trọng tâm, trọng điểm với huy động nguồn lực xã hội...
Một số vấn đề được Phó Thủ tướng lưu ý, trao đổi như: Thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng; tự chủ đại học; học phí bậc học mầm non; đổi mới chương trình, sách giáo khoa; định hướng nghề nghiệp ở phổ thông; đa dạng hóa nguồn đầu tư cho giáo dục đại học; nghiên cứu khoa học trong trường đại học…
Một số nội dung Bộ GD&ĐT kiến nghị, đề xuất cũng được Phó Thủ tướng trực tiếp trao đổi, giải đáp tại buổi làm việc.