Phó thủ tướng Trần Hồng Hà: 'Nhất quyết không xuất khẩu đất hiếm thô'

Chiều 4.6, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, trong đó có vấn đề cát cho các dự án cao tốc và đất hiếm.

Vấn đề nguyên vật liệu cát sẽ được giải quyết tốt

Đối với vấn đề vật liệu xây dựng, theo Phó thủ tướng, đã có quy định phân cấp cho địa phương nhưng do vướng mắc về quy trình, thủ tục nên việc phân cấp còn chậm trễ, kéo dài thời gian.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tích cực chỉ đạo, đã được Quốc hội xem xét, khoáng sản hiện tại sẽ phân thành 4 nhóm, trong đó nhóm vật liệu xây dựng thông thường sẽ được đơn giản hóa các thủ tục, tiếp tục thực hiện phân cấp triệt để.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, từ nay đến khi Luật Khoáng sản có hiệu lực, Quốc hội cũng ban hành các nghị quyết cho phép các cơ chế đặc thù trong đó liên quan đến gia hạn, nâng công suất các mỏ khai thác, đơn giản hóa các thủ tục.

"Các vấn đề này đang được triển khai khá tốt, đặc biệt là đối với các giải pháp cho các vùng gặp khó khăn về vật liệu xây dựng như Đồng bằng sông Cửu Long", ông Hà nêu.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu

Phó thủ tướng cho biết hiện nay Bộ GTVT đã nghiên cứu, đánh giá thử nghiệm về nguồn cát biển và ban hành các hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật về công nghệ khai thác, công nghệ san lấp, đánh giá tính chất cơ lý, sức bền vật liệu và vấn đề ảnh hưởng môi trường.

Ví dụ kết quả thử nghiệm của Bộ GTVT, không đắp quá mức âm nền K95 và kết hợp vật liệu địa nhiệt, thì cô lập toàn bộ cát biển trong quá trình san lấp. Điều này đã kiểm soát được vấn đề môi trường, ảnh hưởng không đáng kể đến môi trường.

“Việc đánh giá, nghiên cứu thử nghiệm đối với từng khu vực khai thác, đối với từng công trình là hết sức cần thiết, đặc biệt là đưa ra các tiêu chí cơ lý, bảo vệ môi trường. Đây cũng là yêu cầu tiên quyết”, Phó thủ tướng nêu.

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2024/NĐ-CP về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa.

Theo đó, đã giải quyết đồng thời 2 mục tiêu là đối với các cảng biển nội thủy, sông ngòi, các tuyến kênh rạch thì giao cho địa phương đánh giá, điều tra, khai thác để thông tuyến đồng thời tận dụng vật liệu này. Qua đánh giá sơ bộ, Tiền Giang và Bến Tre có hơn 45 triệu tấn cát.

Quốc hội chất vấn các bộ trưởng

Quốc hội chất vấn các bộ trưởng

Như vậy, đối với ĐBSCL, hoàn toàn có thể làm chủ việc cung cấp cát cho các dự án cao tốc. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo bổ sung nguồn khác, trong đó nghiên cứu nhập cát từ nước ngoài như từ Campuchia, dùng đá xay thay thế vật liệu cát.

“Với nhiều giải pháp đồng bộ, trong thời gian tới, vấn đề nguyên vật liệu cát cho các dự án sẽ được giải quyết tốt”, Phó thủ tướng nêu rõ.

Không xuất khẩu đất hiếm thô

Liên quan đến vấn đề đất hiếm, trả lời đại biểu quốc hội, Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh cho biết Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản chiến lược quan trọng và có trữ lượng tương đối lớn: Trữ lượng bô-xít khoảng 5,8 tỉ tấn, titan khoảng 600 triệu tấn, trữ lượng đất hiếm được 2,7 triệu tấn.

Bộ TN-MT cũng đánh giá tài nguyên đất hiếm có khoảng 18 triệu tấn chưa được đánh giá, tức là chúng ta có khoảng 20,7 triệu tấn.

"Hiện Thủ tướng đang giao Bộ TN-MT điều tra cơ bản đánh giá trữ lượng tổng thể. Hiện nay, theo số liệu của chúng tôi chúng ta có xấp xỉ 30 triệu tấn đất hiếm", ông Khánh nêu.

Bộ trưởng TN-MT cũng thông tin, việc khai thác, chế biến các loại khoáng sản quan trọng, thiết yếu như đất hiếm, phải tính đến chế biến sâu, chế biến tinh tại Việt Nam, phục vụ công nghiệp Việt Nam.

"Chúng ta đang thu hút công nghiệp chip bán dẫn. Thủ tướng đã chỉ đạo việc này. Nếu chúng ta chế biến sâu đất hiếm thì có thể phục vụ ngay cho chúng ta và còn nghiên cứu để xuất khẩu", ông Khánh nêu.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh

Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh

Tuy nhiên, ông Khánh cho hay muốn như vậy phải đáp ứng nhiều điều kiện. "Chúng ta trước đây chưa nghiên cứu một cách tổng thể việc chế biến nên chưa có công nghệ chế biến sâu. Do đó, cần phải thu hút đầu tư, liên doanh, chuyển giao được công nghệ này", ông Khánh thông tin.

Bộ trưởng Khánh cũng cho biết hiện Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành đánh giá trữ lượng; trong quá trình nghiên cứu, chế biến phải chuyển giao công nghệ, cố gắng chế biến sâu để phục vụ cho đất nước.

Hiện Bộ TN-MT đang khẩn trương tiến hành việc điều tra, đánh giá trữ lượng và nghiên cứu, Bộ trưởng TN-MT cũng đề nghị các địa phương có tiềm năng về đất hiếm như Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, phải tăng cường công tác quản lý về đất hiếm.

"Đất hiếm có những thân mỏ ở sâu, có mỏ phân tán nhỏ lẻ, trên bề mặt. Đề nghị các địa phương phải quản lý tránh việc khai thác, buôn bán trái phép đất hiếm", ông Khánh nói.

Liên quan đến vấn đề đất hiếm, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà dẫn đánh giá của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết tổng lượng đất hiếm ở Việt Nam chiếm 18% trên thế giới, gồm cả đất hiếm nặng và nhẹ.

Theo Phó thủ tướng, thực tế thị trường đất hiếm hiện nay tăng trưởng khoảng 4%/năm kể từ năm 2014 đến nay do các nhu cầu sử dụng trong các lĩnh vực pin, nam châm, xe điện, ứng dụng hàng không vũ trụ. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường hết sức phức tạp, chủ yếu do các nước lớn chi phối. Vì vậy, việc khai thác đất hiếm này đã được Chính phủ chỉ đạo sát sao.

Theo đó, đã có dự án thử nghiệm để điều tra, đánh giá trữ lượng, thành phần các loại đất hiếm, xác định nguyên tắc dựa vào cung cầu của thị trường để khai thác; đáp ứng được công nghệ tuyển chọn (vói tỷ lệ đạt 99%).

“Chúng ta nhất quyết không xuất khẩu đất hiếm thô”, Phó thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực công nghiệp có nhu cầu sử dụng đất hiếm, qua đó, bảo đảm cung – cầu bền vững hơn. Đây cũng là cơ hội thu hút đầu tư.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/pho-thu-tuong-tran-hong-ha-nhat-quyet-khong-xuat-khau-dat-hiem-tho-217997.html