Phố Wall đi ngang chờ cuộc họp của Fed; Giá dầu chạm mốc 95 USD/ thùng
Chứng khoán Mỹ đóng cửa gần mức đi ngang vào thứ Hai (18/9) khi các nhà đầu tư chuẩn bị cho cuộc họp của Fed dự kiến diễn ra vào cuối tuần. Giá dầu tăng sau khi chạm mốc 95 USD/thùng vào đầu phiên.
S&P 500 đóng cửa ít thay đổi
Khép phiên, S&P 500 tăng 0,07% lên 4.453,53, trong khi Nasdaq Composite cộng 0,01% để kết thúc ở mức 13.710,24. Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones tiến 6,06 điểm, tương đương 0,02%, lên 34.624,30.
Cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của Fed bắt đầu vào thứ Ba. Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà đầu tư đang đặt ra 99% khả năng ngân hàng trung ương sẽ giữ nguyên lãi suất không đổi khi công bố vào thứ Tư. Ngân hàng trung ương cũng sẽ công bố dự báo thị trường vào thứ Tư.
Có ít sự nhất trí hơn về những gì Fed sẽ làm trong tháng 11/2023, khi thị trường kỳ vọng xác suất tăng lãi suất là khoảng 31%. Các nhà kinh tế của Goldman Sachs cho biết vào cuối tuần qua rằng việc tăng lãi suất trong tháng 11 là khó có thể xảy ra.
Cổ phiếu Apple tăng 1,7%. Goldman Sachs và Morgan Stanley đều đưa ra triển vọng lạc quan về nhu cầu iPhone mới.
Trong khi đó, cổ phiếu Ford trượt hơn 2% khi cuộc đình công của Công nhân thuộc United Auto tiếp diễn. Cổ phiếu Stellantis và General Motors, mỗi hãng đều giảm hơn 1%.
S&P 500 và Nasdaq đều kết thúc tuần giao dịch trước đó với mức giảm, đánh dấu tuần thua lỗ thứ hai liên tiếp. Chỉ số Dow kết tuần tăng hơn 0,1%.
Dầu tăng giá khi nguồn cung khan hiếm
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu thô Brent tăng 64 xu ở mức 94,57 USD/thùng. Dầu thô WTI của Hoa Kỳ cộng 1,24 USD lên 92,02 USD/thùng.
Trong tháng này, Ả Rập Saudi và Nga đã gia hạn mức cắt giảm nguồn cung tổng cộng 1,3 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay.
Trong khi đó, sản lượng dầu của Mỹ từ các khu vực sản xuất đá phiến hàng đầu cũng dự kiến giảm tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 10 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2023, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết trong một báo cáo đình kỳ hàng tháng.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman hôm thứ Hai đã bảo vệ động thái cắt giảm nguồn cung của OPEC+ đối với nguồn cung thị trường dầu, nói rằng thị trường năng lượng quốc tế cần có quy định nhẹ tay để hạn chế biến động, đồng thời cảnh báo về sự không ổn định về nhu cầu của Trung Quốc, tăng trưởng của châu Âu và hành động của ngân hàng trung ương để giải quyết lạm phát.
Brent và WTI đã tăng trong 3 tuần liên tiếp để chạm mức cao nhất kể từ tháng 11/2022 và đang trên đà ghi nhận mức tăng hàng quý lớn nhất kể từ khi Nga giao tranh với Ukraine vào quý đầu tiên của năm 2022.
Dầu Brent được giao dịch trong vùng quá mua trong phiên thứ 7 liên tiếp, trong khi WTI giao dịch trong vùng quá mua trong phiên thứ 5 liên tiếp.
Dennis Kissler, phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch tại BOK Financial, cho hay thị trường cũng đang chứng kiến một số hoạt động chốt lời.
Các nhà phân tích của ANZ cho biết, việc cắt giảm sản lượng của Ả Rập Saudi và Nga có thể dẫn đến thâm hụt 2 triệu thùng/ngày trong quý 4 và việc giảm tồn kho sau đó có thể khiến thị trường phải đối mặt với nguy cơ tăng giá cao hơn nữa vào năm 2024.
Trung Quốc là rủi ro chính vì tốc độ phục hồi kinh tế chậm chạp sau đại dịch, mặc dù lượng dầu nhập khẩu của nước này vẫn ở mức cao.
Một loạt biện pháp kích thích và sự bùng nổ du lịch trong mùa hè đã giúp sản lượng công nghiệp và chi tiêu tiêu dùng phục hồi trong tháng trước và các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã tăng sản lượng, nhờ biên lợi nhuận xuất khẩu mạnh.
Mọi sự chú ý cũng sẽ đổ dồn vào các ngân hàng trung ương trong tuần này, bao gồm cả quyết định lãi suất từ Fed.