Phố Wall 'lội ngược dòng' nhờ cổ phiếu công nghệ và dữ liệu kinh tế tích cực

Chứng khoán Mỹ phục hồi trong phiên giao dịch 26/7 khi các nhà đầu tư quay trở lại với cổ phiếu công nghệ hàng đầu và dữ liệu lạm phát củng cố sự lạc quan rằng Fed sẽ sớm bắt đầu cắt giảm lãi suất…

Kết thúc phiên 26/7, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 654,27 điểm (+1,64%) lên 40.589,34 điểm, S&P 500 thêm 59,88 điểm (+1,11%) thành 5.459,10 điểm, trong khi Nasdaq Composite "leo" 176,16 điểm (+1,03%) lên 17.357,88 điểm.

Tuy nhiên, đối với S&P 500 và Nasdaq Composite, đà tăng này vẫn là chưa đủ để bù đắp những khoản lỗ trong hai phiên trước đó. Cả hai đều ghi nhận mức giảm nhẹ trong tuần thứ hai liên tiếp. Chỉ số Dow Jones kết thúc tuần trong sắc xanh. Cụ thể, Dow Jones tăng 0,75%, S&P 500 giảm 0,82% và Nasdaq giảm 2,08%.

Thành tích của Dow Jones được hỗ trợ bởi bước nhảy vọt 23% của tập đoàn công nghiệp 3M - mức tăng phần trăm theo ngày lớn nhất trong nhiều thập kỷ - sau khi nâng dự báo lợi nhuận cả năm.

5 thành viên trong nhóm Magnificent Seven cũng tăng điểm vào Thứ Sáu, dẫn đầu là Meta Platforms với mức tăng 2,7%.

2 ngoại lệ là Tesla và Alphabet đều giảm 0,2%, trong đó Alphabet rơi xuống mức đóng cửa thấp nhất kể từ 2/5. Trước đó, báo cáo kinh doanh đáng thất vọng của cả 2 “ông lớn” này đã khiến cổ phiếu của họ lao dốc từ hôm 24/7.

Với các báo cáo tiếp theo của nhóm sẽ được công bố vào tuần tới, triển vọng trước mắt của thị trường có thể phụ thuộc vào kết quả mà các công ty này đưa ra.

"Những gì chúng ta nhận được vào tuần tới từ Apple, Microsoft, Amazon.com và Meta thực sự sẽ định hướng xem liệu sự chuyển đổi có tiếp tục hay không và thị trường sẽ đi về đâu", Greg Boutle, giám đốc chiến lược tại BNP Paribas cho biết.

Sự chuyển đổi được nhắc đến này liên quan đến xu hướng các nhà đầu tư chuyển ra khỏi một nhóm cổ phiếu có đà tăng cao mà hiện tại có vẻ như được định giá quá cao, sang các ngành hoạt động ít hiệu quả hơn như cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.

Diễn biến này dường như đã tăng tốc trong những tuần gần đây, với Russell 2000 và S&P Small Cap 600 đều đạt mức đỉnh đóng cao nhất trong tuần. Russell 2000 ghi nhận mức tăng theo tuần thứ ba liên tiếp trong hai tháng và là chuỗi ba tuần tốt nhất kể từ tháng 8/2022.

Trong số các cổ phiếu được hỗ trợ bởi thu nhập, Deckers Outdoor tăng 6,3% nhờ dự báo lợi nhuận hàng năm. Công ty dịch vụ dầu mỏ Baker Hughes thêm 5,8% do vượt qua ước tính lợi nhuận quý hai.

Norfolk Southern leo 10,9%, mức tăng phần trăm một ngày lớn nhất kể từ tháng 3/2020, sau khi nhà điều hành đường sắt báo cáo lợi nhuận quý hai vượt trên ước tính của Phố Wall.

Những cổ phiếu vốn hóa nhỏ còn được hỗ trợ bởi dữ liệu kinh tế Mỹ mới, cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt và có thể đặt Fed vào vị trí để bắt đầu nới lỏng chính sách vào tháng 9.

Cá cược vào mức cắt giảm 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp của Fed vào tháng 9 vẫn giữ ổn định ở mức 88% sau báo cáo PCE, theo công cụ CME FedWatch. Các nhà giao dịch vẫn kỳ vọng vào lần cắt giảm thứ hai vào tháng 12 cuối năm.

Adam Hetts, Giám đốc đa tài sản toàn cầu tại Janus Henderson, lưu ý rằng cổ phiếu vốn hóa nhỏ đã vượt trội hơn S&P 500 khoảng 10% trong tháng qua. Hoạt động giao dịch mở rộng cũng có lợi cho các ngành kinh tế chu kỳ. Vào Thứ Sáu, tất cả 11 ngành của S&P đều tăng cao, với Công nghiệp và Vật liệu là những nhóm dẫn đầu.

GIÁ DẦU GIẢM 1,5%, KẾT THÚC TUẦN Ở MỨC THẤP

Trên thị trường năng lượng, giá dầu kết thúc tuần ở mức thấp hơn do nhu cầu giảm ở Trung Quốc, bên cạnh đó, hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza có thể hạ nhiệt căng thẳng Trung Đông và những lo ngại về nguồn cung đi kèm.

Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 1,24 USD, tương đương 1,5%, xuống còn 81,13 USD/thùng. Dầu thô WTI giảm 1,12 USD, tương đương 1,4%, xuống còn 77,16 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu Brent giảm hơn 1% trong khi WTI giảm hơn 3%.

"Dữ liệu kinh tế Mỹ ban đầu đã hỗ trợ thị trường dầu thô. Tuy nhiên, những mức tăng này đã bị lu mờ bởi lo ngại về nhu cầu dầu giảm của Trung Quốc”, George Khoury, giám đốc toàn cầu tại CFI cho biết.

Dữ liệu được công bố trước đó cho thấy tổng nhập khẩu dầu nhiên liệu của Trung Quốc đã giảm 11% trong nửa đầu năm 2024. Điều này làm dấy lên lo ngại về triển vọng nhu cầu rộng lớn hơn ở quốc gia nhập khẩu dầu nhiều nhất thế giới.

"Tình hình nhu cầu của Trung Quốc đang đi xuống và giá dầu thô cũng đi xuống theo", Bob Yawger, Giám đốc tương lai năng lượng tại Mizuho nhận xét và lưu ý thêm rằng nền kinh tế Trung Quốc đang có nguy cơ rơi vào chu kỳ giảm phát, khi mà giá cả sẽ giảm do nhu cầu giảm.

Kim Nguyễn

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/pho-wall-loi-nguoc-dong-nho-co-phieu-cong-nghe-va-du-lieu-kinh-te-tich-cuc-post553587.html