Phối hợp tốt, tạo chuyển biến tích cực

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo (BGHĐ) trên cả nước, trong đó có khu vực Đông Bắc, luôn được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, mang lại hiệu quả tốt, góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội (TTATXH) khu vực biên giới, vùng biển.

Tín hiệu khả quan từ thực hiện đề án

Những năm qua, công tác tuyên truyền PBGDPL ở khu vực Đông Bắc còn gặp nhiều khó khăn do trình độ dân trí, đặc thù cuộc sống, sinh hoạt, lao động, sản xuất, kinh doanh của nhân dân vùng BGHĐ. Cùng với đó, lợi dụng cơ chế chính sách thông thoáng, đặc biệt là chính sách tạm nhập, tái xuất và chuyển khẩu hàng hóa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới, một số đường dây, tổ chức đã lợi dụng vào chính sách này để buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm trên các tuyến biên giới, vùng biển...

Trước đòi hỏi từ thực tiễn, Trung ương đã triển khai Đề án “Tăng cường tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng BGHĐ giai đoạn 2017-2021”. Với tư cách là Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo đề án, Bộ tư lệnh BĐBP đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đề án. Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó chính ủy BĐBP, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Đề án cho biết: “Phát huy kết quả thực hiện các đề án đã triển khai trước đây, từ năm 2017 đến nay, Bộ tư lệnh BĐBP chủ động phối hợp, bám sát các nội dung của Ban chỉ đạo đề án Trung ương, phát huy tốt vai trò của cả hệ thống chính trị, các lực lượng và toàn dân trong tuyên truyền PBGDPL. Do đó, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân được nâng lên, các vụ việc vi phạm đã giảm, tình hình vi phạm liên quan đến tội phạm buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, tội phạm về ma túy có nhiều chuyển biến và giảm rõ rệt. Hoạt động phối hợp giữa BĐBP với các lực lượng chức năng trong tham gia, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia ngày càng được tăng cường”.

Các đơn vị trên địa bàn các tỉnh Đông Bắc khá chủ động, phối hợp với địa phương xây dựng chương trình đổi mới cả hình thức và nội dung truyên tuyền, tổ chức riêng, chuyên sâu cho từng địa bàn, từng đối tượng. Chẳng hạn, Quân chủng Hải quân với Chuyên mục “Tìm hiểu pháp luật”, “Câu chuyện pháp luật” và Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”; Bộ tư lệnh Cảnh sát biển với Chuyên mục “Cảnh báo cướp biển đối với doanh nghiệp vận tải biển và thuyền trưởng tàu Việt Nam”, “Sổ tay người đi biển”, “Biển đảo Việt Nam” và Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”; BĐBP với Chương trình “Tuổi trẻ với pháp luật”, “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án” và mô hình “Tổ tàu thuyền, bến, bãi an toàn”… Qua đó, vận động người dân khu vực biên giới, vùng ven biển tích cực tham gia tố giác, cung cấp thông tin đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đề cao cảnh giác không tiếp tay cho hoạt động trái pháp luật.

Cùng với công tác tuyên truyền, các lực lượng đã phối hợp đấu tranh trực diện với các tổ chức, đường dây tham gia hoạt động buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại đạt nhiều kết quả quan trọng. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, hơn 3 năm qua, các vụ việc vi phạm pháp luật đã giảm đáng kể. Năm 2017, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 122.503 vụ; năm 2018 là 115.514 vụ và năm 2019 là 85.982 vụ. Nhìn từ kết quả trên phần nào cho thấy, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên rõ rệt. Đây là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó sự phối hợp của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị chức năng trong phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền PBGDPL.

Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ từ cơ sở

Từ thực tế công tác tuyên truyền PBGDPL thời gian qua, các địa phương vùng Đông Bắc đã rút ra nhiều kinh nghiệm quý. Ông Nguyễn Phụng Thành, Phó trưởng phòng Phòng, chống buôn lậu và xử lý vi phạm, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh nói: “Để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân vùng BGHĐ, chúng tôi đã phối hợp với BĐBP áp dụng nhiều hình thức, biện pháp và không ngừng đổi mới nội dung tuyên truyền. Điển hình là thông qua hội nghị phổ biến pháp luật chúng tôi cập nhật các kiến thức về pháp luật đến người dân. Chúng tôi đưa hàng trăm tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng; kết hợp với phát tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, cổ động trên đường phố...”. Trung tá Giáp Thế Lâm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cô Tô chia sẻ: “Chúng tôi đã chủ động tham mưu cho Hội đồng PBGDPL huyện Cô Tô biên soạn nội dung PBGDPL theo hướng ngắn, gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, phù hợp với trình độ nhận thức từng đối tượng. Các nội dung được chúng tôi chú trọng là: Quản lý, bảo vệ và khai thác hải sản; quản lý và cấp phép hoạt động nghề cá cho ngư dân; quy định về khai thác thủy sản trên biển...

Để công tác tuyên truyền PBGDPL đi vào chiều sâu và mang tính bền vững theo chúng tôi cần phải xác định rõ hơn đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các đoàn thể. Cùng với tăng cường đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, cũng cần tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, bởi vai trò của họ rất quan trọng, đặc biệt là trong đổi mới, nâng cao chất lượng, nội dung các buổi tuyên truyền PBGDPL cho các đối tượng ở khu vực BGHĐ.

NGUYỄN LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/phoi-hop-tot-tao-chuyen-bien-tich-cuc-608911