Phòng bệnh cho trẻ trước mùa tựu trường

Bên cạnh niềm vui của trẻ nhỏ ngày tựu trường là nỗi lo về sức khỏe của trẻ trước nguy cơ dịch bệnh, trong đó đáng lo nhất là sởi và sốt xuất huyết... đang có xu hướng gia tăng

Mới đây, Bộ Y tế đã có khuyến cáo các gia đình cần chủ động đưa trẻ nhỏ đi tiêm phòng vắc-xin sởi tại các trạm y tế gần nhất khi mùa tựu trường đang đến gần. Số ca mắc sởi tăng cao đến mức báo động, nguy cơ bùng phát dịch rất lớn.

Trẻ càng nhỏ càng dễ mắc bệnh

Bác sĩ (BS) Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho biết hiện một số bệnh truyền nhiễm như sởi, tay chân miệng có xu hướng gia tăng. Trong khi đó, do ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến nguồn cung đứt gãy, nhiều trẻ không được tiêm vắc-xin đầy đủ và đúng lịch nên độ bao phủ vắc-xin thấp.

Nhân viên y tế tại TP Thủ Đức, TP HCM khảo sát tiền sử tiêm chủng vắc-xin cho trẻ tại một chung cư trên địa bàn TP Thủ Đức

Nhân viên y tế tại TP Thủ Đức, TP HCM khảo sát tiền sử tiêm chủng vắc-xin cho trẻ tại một chung cư trên địa bàn TP Thủ Đức

Từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 9.866 ca bệnh tay chân miệng; 5.434 ca sốt xuất huyết (SXH); 597 ca sốt phát ban nghi sởi. Đáng chú ý, hiện số ca SXH, sởi có xu hướng gia tăng.

Bên cạnh đó, tỉ lệ tiêm chủng vắc-xin sởi mũi 1 cho trẻ trên toàn thành phố mới đạt hơn 89%, trong khi muốn để dịch sởi không xảy ra, tỉ lệ bao phủ cần phải đạt trên 95%. Nhiều quận, huyện 4 năm liên tiếp chưa đạt tỉ lệ này như: quận 5, 8, 11, 12, Tân Phú, huyện Củ Chi, Bình Chánh và TP Thủ Đức.

ThS-BS Nguyễn Đình Qui, Trưởng Khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), cũng cho biết giai đoạn hiện nay, đáng lo nhất là bệnh sởi, tay chân miệng, SXH. Trong đó, sởi là bệnh cần lưu ý nhất. Vì vậy, khi trẻ có dấu hiệu sốt 2-3 ngày kèm phát ban sau gáy sau đó lan ra phía trước mặt, ngực, bụng, lưng và xuất hiện thêm các triệu chứng như ho, sổ mũi, mắt đỏ, viêm kết mạc (đổ ghèn, chảy nước mắt...) cho thấy trẻ mắc sởi rất cao. Đối với tay chân miệng, chủ yếu xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi, nếu trẻ có dấu hiệu sốt, nổi hồng ban tay, chân, miệng cũng nên đưa trẻ đi khám đồng thời báo nhà trường cho trẻ ở nhà nhằm tránh lây bệnh cho các học sinh khác.

Đối với SXH, dù là bệnh không lây nhưng đường truyền bệnh do muỗi. Vì vậy, trước khi bắt đầu năm học, tại các cơ sở giáo dục cần vệ sinh phòng học, môi trường xung quanh, xịt muỗi để phòng bệnh. "Nếu có những dấu hiệu của các bệnh trên thì nên cho trẻ ở nhà và báo với nhà trường, đồng thời đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, điều trị" - BS Qui khuyến cáo.

BS Qui cũng lưu ý tuổi càng nhỏ càng dễ mắc bệnh vì sức đề kháng kém. Bên cạnh đó, trẻ mắc các bệnh lý nền như tiểu đường, tim, thận... đang sử dụng các thuốc chứa corticoid cũng có nguy cơ dễ bệnh hơn trẻ khác.

Chủ động tiêm vắc-xin

Để phòng bệnh ngay từ đầu, BS Qui khuyến cáo nhà trường nên giám sát chặt chẽ từ cổng trường. Nếu phát hiện trẻ có một số dấu hiệu như nổi bóng nước tay, chân, miệng; cơ thể có các phát ban đỏ, sốt, ho... thì nên báo phụ huynh cho trẻ ra về. Trẻ mắc tay chân miệng cách ly 7-10 ngày, sởi từ 7-14 ngày.

Tại một số bệnh viện nhi đồng trên địa bàn TP HCM cho thấy hầu hết trẻ mắc bệnh sởi nhập viện đều chưa được tiêm ngừa đầy đủ. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo vào thời điểm này, cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ, trong đó chủ động tiêm phòng vắc-xin đủ mũi và đúng lịch bởi đây là "lá chắn" để bảo vệ trẻ khỏi các bệnh truyền nhiễm mùa tựu trường sắp tới.

BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết thêm ngoài việc chủ động tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cho trẻ, phụ huynh nên chú ý bảo vệ sức khỏe con mình bằng cách tạo thói quen vệ sinh cá nhân cho trẻ; bổ sung vitamin C vào chế độ ăn giúp trẻ tăng sức đề kháng chống bệnh, tắm rửa cho trẻ sạch sẽ mỗi khi đi học về… Nếu thấy trẻ có bất cứ dấu hiệu nào bất thường của bệnh thì nên cho trẻ đến các BS chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.

Tránh nhầm lẫn

Một số nhầm lẫn phụ huynh thường gặp trong quá trình chăm sóc trẻ như bệnh tay chân miệng, trẻ chỉ nổi bóng nước bàn tay, bàn chân mà không có triệu chứng khác nên phụ huynh dễ bỏ qua. "Đối với bệnh SXH, sau 2-3 ngày trẻ sẽ hết sốt, lúc này phụ huynh dễ hiểu sai hết sốt là hết bệnh mà không biết rằng trẻ hết sốt nhưng sẽ mệt hơn, nôn ói, đau bụng... đây cũng là nguyên nhân tăng nặng bệnh ở trẻ mà phụ huynh cần lưu ý" - BS Qui nói.

Nhầm lẫn khác của phụ huynh là sốt phát ban với bệnh SXH, sởi. Để phân biệt, phụ huynh có thể dùng tay ấn vào hồng ban, nếu là ban sởi thì khi ấn tay vào sẽ không phát hiện ban đỏ, buông tay ra thì ban đỏ sẽ xuất hiện, ngược lại với ban SXH.

Bài và ảnh: Hải Yến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phong-benh-cho-tre-truoc-mua-tuu-truong-196240817211358451.htm