Phòng bệnh hay gặp trong mùa mưa bão

Mưa và ngập úng là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn sinh sôi và gây bệnh cho chúng ta. Dưới đây là các bệnh có thể mắc phải sau mưa bão và các biện pháp giúp bạn đọc phòng tránh và bảo vệ sức khỏe.

Sau mưa, bão, lũ lụt, đất, bụi, rác, chất thải, vi sinh vật... hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật. Các bệnh phổ biến và xuất hiện khi mùa mưa bão là: Bệnh nước ăn chân, bệnh lỵ, sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp…

Bệnh nước ăn chân

Nước ăn chân hay còn gọi là bệnh nấm kẽ chân là tình trạng khá thường gặp trong thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao, chân không được giữ khô tốt. Tại vùng da bị nấm sẽ có triệu chứng đỏ mẩn, khô da, đóng vảy, ngứa, bỏng rát, cảm giác như châm trích, thậm chí còn gây bong tróc, nứt và chảy máu tại vùng da kẽ chân, nếu để bệnh kéo dài sẽ lan rộng ra nhiều vùng da khác trên cơ thể.

Mặc dù không thể loại bỏ hoàn toàn nấm gây bệnh tồn tại trên da song có thể tiêu diệt, kiểm soát số lượng và hoạt động của nấm để từ đó cải thiện triệu chứng bệnh. Để điều trị tình trạng nước ăn chân mùa mưa, có thể dùng thuốc kháng nấm đường bôi qua da hoặc đường uống. Hầu hết trường hợp có thể chữa khỏi bệnh bằng thuốc bôi trị nấm, chỉ có trường hợp bệnh nặng, lan rộng và nguy cơ biến chứng nặng thì mới dùng thuốc đường uống để đạt hiệu quả nhanh hơn.

Sốt xuất huyết

Môi trường ẩm ướt, ô nhiễm, nước tù đọng là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, do đó bệnh sốt xuất huyết rất dễ xảy ra. Mặt khác, sau mưa bão bệnh sốt xuất huyết dễ lây và bùng phát trên diện rộng. Bệnh sốt xuất huyết gặp ở cả người lớn và trẻ em. Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh gây sốt cao, li bì, mệt mỏi, đau nhức xương, chảy máu chân răng, rối loạn đông máu, xuất huyết, giảm huyết áp đột ngột. Với một số trường hợp có thể bị chuyển biến nặng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thậm chí tử vong.

Sốt xuất huyết dễ bị bỏ qua chủ quan nên hay xảy ra biến chứng, nhất là ở những người không có các dấu hiệu thoát huyết tương hoặc không bị sốc.

Chốc lở

Đây là một chứng bệnh da hay gặp khi điều kiện vệ sinh sau mưa bão kém. Thương tổn là những mụn nước, mụn mủ trên da, tập trung ở vùng hở, tay chân. Khi dập vỡ tạo vết trợt loét nông, trên có vảy màu vàng hoặc màu nâu bẩn. xung quanh có viền vảy hoặc quầng đỏ.

Bệnh tiêu chảy cấp

Bệnh tiêu chảy thường gia tăng đáng kể sau mưa bão. Do người dân phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, thức ăn nhiễm khuẩn nên dễ mắc tiêu chảy. Bệnh tiêu chảy cũng dễ lây lan từ người này sang người khác do tiếp xúc với chất thải của người bệnh.

Khi bị tiêu chảy cấp người bệnh bị sốt, đi ngoài phân lẫn máu, toàn nước. Bệnh nhân thấy đau bụng. Buồn nôn, nôn. Sút cân nhanh. Da khô, hay khát nước. Người mệt mỏi. Tiêu chảy cấp nếu không được chữa trị kịp thời sẽ gặp các biến chứng như mất nước, trụy tim mạch, suy thận, suy dinh dưỡng.

Đau mắt đỏ

Trong mùa mưa lũ, thời tiết ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển, kèm theo đó là việc phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn, là những nguyên nhân khiến số người mắc bệnh đau mắt đỏ tăng cao sau mưa bão. Đau mắt đỏ là bệnh thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ em. Bệnh dễ mắc và bùng phát thành dịch tại những nơi mà điều kiện vệ sinh, nước sạch không bảo đảm..

Khuyến cáo phòng bệnh sau mưa bão

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như sau:

• Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.

• Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

• Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.

• Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.

• Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.

• Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

• Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

• Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

Theo Sức khỏe và Đời sống

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/y-te/phong-benh-hay-gap-trong-mua-mua-bao-38351.html