Phòng, chống bệnh hiếu danh

BÀI 1
NHẬN DIỆN

BPO - Hiếu danh (hay háo danh) là một tật xấu, một căn bệnh nguy hiểm đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo ngay từ khi truyền bá chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam. Trong suốt 94 năm đồng hành cùng dân tộc, Đảng ta luôn tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh, có tinh thần trách nhiệm, coi trọng danh dự, không tham danh lợi, không mắc bệnh hiếu danh. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên không ít cán bộ, đảng viên vẫn mắc vào căn bệnh này, từ đó kéo theo nhiều vi phạm khác.

Danh là tên, là danh hiệu và đồng thời cũng có thể hiểu là danh tiếng của một ai đó. Khát vọng có được chữ danh là điều hoàn toàn chính đáng. Đây cũng là động lực để mỗi người cố gắng, nỗ lực hơn nhằm khẳng định tên tuổi bản thân. Tuy nhiên, có không ít người tài năng không song hành với đức độ, mắc phải căn bệnh hiếu danh, đam mê danh vọng đến mức không từ thủ đoạn để đạt được.

Biểu hiện của bệnh hiếu danh

Gần đây, tôi có dịp gặp lại một người bạn cũ. Biết tôi đã từng đoạt được một số giải thưởng của Trung ương và địa phương trong lĩnh vực báo chí nên cậu bạn ngỏ lời “thuê” tôi viết hộ tác phẩm để sếp mang đi thi. Qua thông tin bạn kể lại, tôi biết vị sếp này luôn thích được khen, tâng bốc, ca ngợi. Dù không làm việc trực tiếp trong ngành báo chí và cũng chưa tự sáng tạo bất kỳ sản phẩm báo chí nào nhưng ông này lại muốn được nhận giải thưởng để “đánh bóng tên tuổi”, để thể hiện với cấp trên, để khoe khoang với cấp dưới. Cậu bạn phân trần rằng việc “thuê” tôi viết bài để mang đi thi cũng chẳng phải là điều hay ho gì nhưng sếp chỉ đạo “bằng mọi cách phải để sếp được lên sân khấu nhận giải” nên mới phải đi tìm người giúp (?!) Đối chiếu với quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hành vi nêu trên có dấu hiệu manh nha của việc “chạy thành tích”, là 1 trong 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống. Từ câu chuyện này, tôi không khỏi giật mình về sự hiếu danh.

Từ bao đời nay, ông cha ta vẫn dạy “tốt danh hơn lành áo” để chỉ việc coi trọng thanh danh hơn vật chất. Dù ở thời kỳ nào, xã hội nào, danh vọng cũng luôn là điều được rất nhiều người coi trọng. Vì thanh danh, không ít người đã hy sinh tuổi xuân, xương máu, sức khỏe và thậm chí là tính mạng cho đất nước. Với những bậc hiền nhân chân chính, có công lao, đóng góp cho đất nước thì danh thơm đã được lan truyền đến muôn đời, được người người kính trọng. Và cũng cần nhấn mạnh, với một người có thực tài, danh tiếng sẽ “hữu xạ tự nhiên hương”.

Hiếu danh là một thói hư, tật xấu đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta cảnh báo từ lâu. Năm 1927, khi viết tác phẩm “Đường kách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra 14 phẩm chất quan trọng mà cán bộ, đảng viên phải có. Một trong những phẩm chất đó là mỗi người làm cách mạng phải tự mình “không hiếu danh”. 20 năm sau (năm 1947), trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ rõ những biểu hiện nguy hiểm của căn bệnh hiếu danh. Đó là: “Tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại. Có khi vì cái tham vọng đó mà việc không đáng làm cũng làm... Chỉ chịu được sướng mà không chịu được khổ. Chỉ ham làm chủ tịch này, ủy viên nọ, chớ không ham công tác thiết thực”. Và cũng từ căn bệnh háo danh mà kéo theo nhiều biến chứng tiêu cực khác như: “Làm việc không thiết thực, không từ chỗ gốc, chỗ chính, không từ dưới làm lên”, “làm cho có chuyện, làm lấy rồi”, “làm được ít suýt ra nhiều”, “làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà”, “việc gì cũng không xét đến kết quả thiết thực, cần kíp, chỉ nhằm về hình thức bề ngoài, chỉ muốn phô trương cho oai”…

Trả lời phỏng vấn trong chương trình “Góc nhìn văn hóa” của Đài Truyền hình Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đã chỉ ra: “Háo danh là từ có ý nghĩa tiêu cực. Đầu tiên là anh coi trọng danh tiếng trên mức cần thiết. Thứ hai là anh coi trọng danh tiếng trên mức mà anh có. Có lẽ, háo danh phản ánh cả hai khía cạnh đó”.

Các cấp độ hiếu danh

Qua câu chuyện của cậu bạn được tôi dẫn ra nêu trên, có thể thấy bệnh hiếu danh vẫn tồn tại ở không ít cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương và được biểu hiện dưới nhiều dạng thức, mức độ khác nhau.

Ở cấp độ thấp, đó là trường hợp các cán bộ, đảng viên chỉ thích được khen ngợi, đề cao mà không chịu được khó khăn, gian khổ, không dám nhìn thẳng vào hạn chế của bản thân. Như Bác Hồ từng nói: “Đến khi bị công kích, bị phê bình thì tinh thần lung lay”. Hay cũng không ít người đi học chỉ vì háo danh, cho oai, mà không phải là để nâng cao trình độ hiểu biết hay phục vụ công tác. Về cơ bản, ở mức độ này, bệnh hiếu danh chưa làm hại ai mà chỉ khiến chính người mắc bệnh ốm yếu, căng thẳng, khó tiến bộ, thậm chí tốn kém.

Mức độ nặng hơn của bệnh hiếu danh là tranh công, cướp việc, dù không đóng góp công sức nhưng muốn hưởng lợi thành quả. Trường hợp này thường đi đôi với bệnh thành tích và thói hẹp hòi, ích kỷ. Vì danh mà không ít kẻ sẵn sàng bán rẻ liêm sỉ, nhận vơ, “ăn bám” thành tích của người khác. Cũng chính vì ham hư danh mà nhiều người sinh ra kèn cựa, đấu đá. Họ chỉ muốn mình là nhất, khi thấy người khác làm tốt hơn, được khen thưởng thì sinh ra hậm hực, khó chịu, thậm chí là nói xấu sau lưng. Căn bệnh thứ phát đi liền với đó là đùn đẩy trách nhiệm, khi khen thưởng thì nhận thành tích từ trên xuống dưới, khi có lỗi vi phạm thì đổ lỗi từ dưới lên trên, không thẳng thắn đối diện với sai phạm do bản thân gây ra. Đây là một trong những lý do làm nội bộ lục đục, mất đoàn kết, chất lượng hiệu quả công tác thấp.

Cấp độ cao hơn nữa là việc cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống. Như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra, đó là các biểu hiện háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi. Ở mức độ này, hiếu danh thường gắn chặt với tham vọng quyền lực. Những người này “chỉ ham làm chủ tịch này, ủy viên nọ, chớ không ham công tác thiết thực”. Cũng chính bởi năng lực không ngang tầm nhiệm vụ nên để ngồi được vào các vị trí lãnh đạo, họ sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn. Sau khi nắm quyền lực, những người mắc bệnh háo danh lại tiếp tục thao túng quyền lực, lợi dụng vị trí công tác để thỏa mãn các tham vọng cá nhân.

Ham mê quyền lực, tham vọng hư danh là căn bệnh nguy hiểm mà không ít người mắc phải. Căn bệnh này gây mất đoàn kết nội bộ, làm suy giảm năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Đồng thời, đây cũng là một trong những căn nguyên khiến quần chúng phai nhạt niềm tin vào Đảng.

Anh Tú

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/159781/phong-chong-benh-hieu-danh