Phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ từ sớm, từ xa

Ngày 23/7, Tổ chức Y tế thế giới ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về bệnh đậu mùa khỉ (ĐMK), mức cảnh báo cao nhất. Tính đến thời điểm này, trên thế giới đã ghi nhận trên 18 nghìn ca mắc tại 78 quốc gia, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Trong đó, một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore... đã ghi nhận ca bệnh xâm nhập. Tại nước ta, tính đến thời điểm này chưa ghi nhận ca mắc ĐMK. Tuy nhiên, Chính phủ, Bộ Y tế đã chỉ đạo chủ động kiểm soát, phòng chống dịch ĐMK với tinh thần và giải pháp 'sớm hơn một bước, cao hơn một mức', không để dịch chồng dịch.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Cao Phong tuyên truyền người dân phòng, chống các bệnh truyền nhiễm.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Cao Phong tuyên truyền người dân phòng, chống các bệnh truyền nhiễm.

Thông tin từ hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành y tế, đại diện Tổ chức Y tế thế giới nhận định xu hướng bệnh ĐMK gia tăng trong thời giới tới là chắc chắn. Việt Nam nằm trong nhóm nguy cơ lây lan dịch bệnh ở mức trung bình so với thế giới. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn trong chẩn đoán lâm sàng ca bệnh ĐMK là việc xuất hiện các ca bệnh không có triệu chứng điển hình. Không có thuốc kháng vi rút nào có hiệu quả đã được chứng minh cho bệnh nhân ĐMK, việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, theo dõi và điều trị tổn thương.

Theo đồng chí Bùi Văn Phón, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Triệu chứng điển hình của bệnh ĐMK gồm: Sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, giảm năng lượng, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da. Bệnh thường bắt đầu với 1 - 3 ngày khởi sốt. Tổn thương da có thể phẳng hoặc hơi nổi, chứa dung dịch trong hoặc hơi vàng, sau đó có thể đóng vảy, khô và rụng vảy. Số lượng tổn thương da trên một người có thể dao động từ một vài cho đến vài nghìn nốt. Phát ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, các tổn thương này cũng có thể gặp ở miệng, bộ phận sinh dục và mắt. Triệu chứng điển hình thường kéo dài từ 2 - 4 tuần. Tuy nhiên, thực tế qua nhiều báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, nhiều ca bệnh ĐMK không có các triệu chứng như đã nhận biết trước đó. Theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh ĐMK ở người của Bộ Y tế, ĐMK là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do virus ĐMK gây ra. Bệnh có nguồn gốc từ châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con. Bệnh có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh đã ban hành công văn chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác phòng, chống bệnh ĐMK. Trong đó, chỉ đạo thông suốt, quyết liệt và huy động các cấp, ngành, đoàn thể tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh. Giám sát chặt chẽ trong cộng đồng, phát hiện sớm, điều trị kịp thời người mắc, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch, sẵn sàng thuốc, trang thiết bị y tế, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và tiếp nhận, điều trị các trường hợp mắc bệnh. Chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản đáp ứng, tổ chức diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra. Ngành y tế tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Truyền thông bằng nhiều hình thức tới người dân, cộng đồng về dịch bệnh và các biện pháp dự phòng dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế, khuyến cáo người dân chủ động khai báo với cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh; thiết lập đường dây nóng, nơi tiếp nhận thông tin để tư vấn, hỗ trợ người dân về bệnh ĐMK.

Đinh Hòa

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/219/168814/phong,-chong-dich-benh-dau-mua-khi-tu-som,-tu-xa.htm