Phòng, chống tác hại thuốc lá mới: truyền thông hiệu quả tới giới trẻ

Cấm thuốc lá mới từ năm 2025 là một trong những nội dung đáng chú ý trong Nghị quyết 173/2024/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Truyền thông thay đổi, hướng tới giới trẻ

Sau khi Nghị quyết 173/2024/QH15 được ban hành, ngày 20/12, Bộ Y tế tổ chức hội thảo về xây dựng kế hoạch truyền thông trong phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) mới nhằm bảo vệ sức khỏe người dân.

Bác sĩ Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ PCTHTL (Bộ Y tế) cho biết, công tác truyền thông về PCTHTL sẽ được thay đổi để phù hợp tình hình mới. Hoạt động truyền thông hướng đến đối tượng là thanh, thiếu niên.

Bác sĩ Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ PCTHTL (Bộ Y tế) phát biểu tại hội thảo.

Bác sĩ Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ PCTHTL (Bộ Y tế) phát biểu tại hội thảo.

Nhấn mạnh thuốc lá là vấn nạn y tế công cộng, GS.TS Hoàng Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng cho hay, ở Việt Nam, mỗi năm, số người tử vong do thuốc lá cao hơn nhiều so với thời điểm dịch Covid-19. Tỉ lệ sử dụng thuốc lá mới tăng cao, đặc biệt là ở giới nữ.

“Quốc hội ra Nghị quyết cấm toàn bộ thuốc lá mới rất quan trọng, nhưng hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá mới càng quan trọng. Do đó, chúng ta cần sự đổi mới, sáng tạo trong hoạt động truyền thông” - GS.TS Hoàng Văn Minh bày tỏ.

Đẩy mạnh truyền thông số trên mạng xã hội

Đề cập đến vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe T.Ư Vũ Mạnh Cường cho rằng, mục đích của công tác truyền thông là hạn chế việc sử dụng thuốc lá.

Do đó, cộng đồng cần nâng cao nhận thức cho đối tượng hàng đầu là thanh, thiếu niên với việc đẩy mạnh truyền thông số trên mạng xã hội như Tik Tok, Youtube, vì họ ít xem ti vi, ít đọc báo giấy, mà chủ yếu lướt web, dùng mạng xã hội.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Nội dung tập trung về tác hại của thuốc lá mới với sức khỏe và sức khỏe sinh sản, cũng như các thủ đoạn tinh vi của ngành công nghiệp thuốc lá trong việc lôi kéo thanh, thiếu niên sử dụng thuốc lá mới, để họ cảnh giác.

Ngoài ra, theo ông Cường, để thu hút giới trẻ tham gia nên tổ chức các cuộc thi trên các nền tảng mạng xã hội; tập trung tư vấn cho giáo viên, sinh viên khối trường sức khỏe; thu hút sự đồng hành của những người nổi tiếng vào việc truyền thông ngăn chặn sử dụng thuốc lá mới.

Để công tác PCTHTL hiệu quả, đại diện Vital cho rằng, hoạt động tuyên truyền cần tiến hành thường xuyên để thay đổi thái độ và hành vi đối với thuốc lá mới; đặc biệt truyền thông hướng tới phụ nữ trẻ với nội dung cần xóa bỏ niềm tin mà các hãng thuốc lá gieo rắc.

Đồng quan điểm, đại diện các tổ chức quốc tế nhấn mạnh, mạng xã hội là một kênh truyền thông quan trọng để tiếp cận giới trẻ với các hình thức phù hợp. Để Nghị quyết 173/2024/QH15 đi vào cuộc sống, thanh niên chủ động nói về tác hại của thuốc lá mới với sức khỏe, cơ quan chức năng hướng tới truyền thông với những người bán thuốc lá. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần chủ động cung cấp và định hướng thông tin cho báo chí, cộng đồng với từng nhóm nội dung phù hợp.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm - Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm - Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm - Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam bày tỏ, Quốc hội thông qua việc cấm thuốc lá mới ở Việt Nam là một bước đi quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ em. Do đó, kế hoạch truyền thông của Bộ Y tế cần làm tốt hơn rõ hơn với thuốc lá mới, thuốc lá thông thường; ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điếu, chuyển tải được hiệu quả các thông điệp khác nhau và cần thiết.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, năm 2012, Việt Nam đã ban hành PCTHTL. Sau hơn 12 năm thực hiện các biện pháp kiểm soát thuốc lá, tỷ lệ hút thuốc lá chủ động ở người trưởng thành ở Việt Nam có giảm nhưng khá chậm, với tỷ lệ chung ở hai giới là 20,8%; tỷ lệ hiện hút ở nam giới trưởng thành là 41,1% (năm 2021) thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới.

Từ năm 2014 đến nay, Quỹ PCTHTL đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nguồn lực cho các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương và đơn vị nhằm triển khai hiệu quả Luật PCTHTL.

Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thống nhất thông qua quy định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, cùng các loại khí và chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người, bắt đầu thực hiện từ năm 2025.

TS Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, để thực hiện hiệu quả lệnh cấm của Quốc hội về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện (thuốc lá mới), Bộ Y tế cần làm đầu mối; tiếp tục nghiên cứu, thu thập, hợp tác quốc tế trong việc cung cấp các bằng chứng về việc sử dụng thuốc lá điện tử trên thế giới và Việt Nam. Các bài học kinh nghiệm để đưa ra các khuyến cáo cần thiết và đề xuất các giải pháp hiệu quả.

Bên cạnh đó, ngành y tế nâng cao năng lực, củng cố mạng lưới cấp cứu, điều trị đối với các trường hợp ngộ độc thuốc lá điện tử, thuốc lá điện tử có phối trộn ma túy; cai nghiện các sản phẩm độc hại này.

Đặc biệt, ngành y tế nâng cấp ứng dụng công nghệ thông tin trong phát hiện, xử lý vi phạm Luật PCTHTL tại Hà Nội. Thông qua đó, phản ánh các vi phạm về PCTHTL, cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử và nhân rộng các app này ra toàn quốc.

Nghị quyết cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là một quyết định hết sức quan trọng liên quan đến bảo vệ sức khỏe của người dân. Đặc biệt là thế hệ trẻ khỏi tác hại khôn lường về sức khỏe, kinh tế, xã hội và môi trường của các sản phẩm độc hại này.

TS Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phong-chong-thuoc-la-moi-truyen-thong-hieu-qua-toi-gioi-tre.html