Phòng, chống xâm hại trẻ em
Trẻ em là tương lai của đất nước. Để chung tay xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho sự phát triển của trẻ, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Bài cuối: Vun đắp nụ cười trẻ thơ
Tội phạm xâm hại trẻ em, trong đó có xâm hại tình dục thường khó bị phát hiện, ít nhân chứng, thường chỉ bị “lôi” ra ánh sáng khi nạn nhân, người thân tố cáo, nhiều vụ án xảy ra khá lâu mới được phát hiện. Nhiều trường hợp nạn nhân bị xâm hại nhiều lần trong thời gian dài, đến khi xảy ra hậu quả như có thai hoặc người thân phát hiện, mới tố cáo lên cơ quan chức năng. Có trường hợp các bên thiếu hiểu biết mà tự thỏa thuận giải quyết về việc bồi thường dân sự, khi không thỏa thuận, thống nhất được mới tố cáo lên cơ quan công an. Điều này gây khó khăn cho công tác điều tra, gia tăng nguy cơ bỏ lọt tội phạm.
Về công tác quản lý, việc bố trí nguồn tài chính cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Hiện nay, việc hỗ trợ trẻ bị xâm hại được thực hiện chủ yếu dựa vào nguồn lực của các địa phương, chưa có mô hình bảo vệ trẻ như nhà tạm lánh trong cộng đồng. Ngoài ra cũng phải kể đến khó khăn về việc thiếu tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ…
Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định trẻ em là một trong những đối tượng được trợ giúp pháp lý. Bà Trần Thị Chinh, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh cho biết: Năm 2021, trung tâm trợ giúp cho 11 trẻ; từ đầu năm đến nay, có 12 trẻ được trợ giúp pháp lý; phần lớn trong số này là trẻ em bị xâm hại tình dục. Trong quá trình trợ giúp pháp lý cho đối tượng là trẻ em bị xâm hại, các cán bộ của trung tâm luôn khéo léo, linh hoạt khi khai thác thông tin để việc trợ giúp pháp lý đạt kết quả cao, đồng thời lồng ghép việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho trẻ và người thân, tư vấn, giúp đỡ các em vượt qua những xáo trộn tâm lý để sớm ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, số trẻ được trợ giúp pháp lý chưa nhiều so với số trẻ bị xâm hại.
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đến tháng 6/2022, toàn tỉnh có hơn 231.000 trẻ em, trẻ em là người dân tộc thiểu số chiếm 63,8%.
Trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, bởi vậy, xây dựng môi trường an toàn cho trẻ là cần thiết. Ngày 28/7/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 312 về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi. Trên cơ sở kế hoạch này, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch 312.
Là thành viên của Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch 312, Sở Giáo dục và Đào tạo tích cực triển khai công tác phòng, chống xâm hại trẻ em đến cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục trên địa bàn. Theo ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường luôn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; lồng ghép nội dung này vào các môn học chính khóa và hoạt động ngoại khóa.
Ngoài ra, các trường xây dựng cơ chế phối hợp với các cơ quan chuyên môn, lực lượng chức năng trong tổ chức các hoạt động giáo dục giới tính phù hợp với từng lứa tuổi, tuyên truyền pháp luật và tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống; trong xử lý vi phạm, tội phạm xâm hại trẻ em. Tăng cường quản lý học sinh, xây dựng các nội quy, quy định, đặc biệt là ở các trường nội trú, nơi có đông học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Trong các nhà trường, các thầy cô giáo hướng dẫn học sinh sử dụng thiết bị thông minh, mạng xã hội an toàn. Đối với các trường hợp trẻ bị xâm hại, ngay khi nắm được thông tin, sở chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục cử cán bộ, giáo viên trực tiếp xuống gia đình học sinh thăm nắm tình hình, động viên, chia sẻ, thực hiện các biện pháp hỗ trợ, ổn định tâm lý cho học sinh, đồng thời tư vấn cho gia đình quan tâm, động viên để học sinh tiếp tục học tập.
Với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, thời gian qua đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch và văn bản chỉ đạo về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng; xây dựng kế hoạch tổ chức diễn đàn trẻ em các cấp. Sở cũng đẩy mạnh tuyên truyền về sử dụng miễn phí Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và đường dây 18001336 thuộc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Duy trì thực hiện các mô hình “Cộng đồng thân thiện vì trẻ em”, “Hòm thư Điều em muốn nói” và “Quyền trẻ em” tại các trường học và cộng đồng dân cư…
Hằng năm, Tỉnh đoàn tổ chức các hoạt động tập huấn cho cán bộ đoàn, đội về phòng, chống xâm hại, tai nạn, thương tích ở trẻ; phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật chuyên đề, diễn đàn xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường. Toàn tỉnh hiện có 10 câu lạc bộ tư vấn, trợ giúp trẻ em được duy trì hoạt động, kịp thời tiếp nhận thông tin, hỗ trợ tư vấn khi có trường hợp xảy ra.
Cũng trong thời gian qua, các đơn vị thuộc Công an tỉnh đã đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; duy trì và phát huy hiệu quả các mô hình như “Thôn, bản tự quản về an ninh, trật tự”, “Trường học an toàn về an ninh, trật tự”, “Phòng, chống xâm hại trẻ em và mua bán người”…
Mỗi một vụ xâm hại trẻ em là một câu chuyện đau lòng và cũng là tín hiệu cảnh báo về trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng, đặt ra yêu cầu về những quyết tâm cao nhất để toàn xã hội cùng chung tay vun đắp những điều tốt đẹp cho nụ cười trẻ thơ.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/362057-phong-chong-xam-hai-tre-em