Phòng dịch bệnh sau bão lũ, người dân đừng chần chừ tiếp cận y tế

Miền Bắc vừa trải qua cơn bão số 3, nhiều địa phương bị thiệt hại nặng, mất điện, mất nước; hoàn lưu sau bão gây lũ ống, lũ quét, ngập úng kéo dài khiến người dân phải đối mặt với dịch bệnh phát sinh sau mưa lũ rất lớn khi thiếu nước sạch, môi trường bị ô nhiễm. Làm cách nào để đáp ứng y tế khi siêu bão xảy ra, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh liên quan đến bão lũ vẫn đang còn tiếp tục là điều mà người dân luôn quan tâm. Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa ông, tại sao người ta nói bão lũ thường đi kèm với dịch bệnh?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Bão lũ thường gây ra dịch bệnh truyền nhiễm. Nguyên nhân do ô nhiễm môi trường từ xác súc vật chết; phân, chất thải của người, động vật, cây cối thối rữa… thải ra môi trường. Lũ lụt lâu ngày thì sự phân hủy càng cao, tạo điều kiện cho virus và vi khuẩn gây bệnh phát triển dẫn đến gia tăng mắc các bệnh truyền nhiễm. Thiếu nước sạch hoặc người dân không sử dụng nước sạch trong ăn uống, sinh hoạt dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, da liễu, đau mắt đỏ…

Hoặc, người dân lao động mệt mỏi có thể do thiếu ăn nên mắc bệnh cảm lạnh, bệnh lây qua đường hô hấp, viêm phổi… Do mưa bão, người dân không tiếp cận được các dịch vụ y tế khiến bệnh mãn tính trở thành cấp tính; bệnh phải cấp cứu ngoại khoa (đau ruột thừa, tim mạch) nhưng mưa lũ bị chia cắt không đến viện kịp thời dẫn đến bệnh tình tăng nặng… Bệnh thường gặp trong mưa bão nữa là chấn thương, đuối nước.

PGS.TS Trần Đắc Phu.

PGS.TS Trần Đắc Phu.

PV: Vậy thưa ông, những dịch bệnh nào thường xảy ra sau bão lũ?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Sau bão lũ, vô số các vi sinh vật, bụi, rác thải, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường. Dịch bệnh phổ biến là lỵ, thương hàn, tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm, viêm phổi, đau mắt đỏ, cúm, nước ăn chân do nấm. Bệnh do vecter gây ra như sốt xuất huyết, sốt rét.

PV: Người dân ở vùng lũ cần phải làm gì để bảo vệ sức khỏe cũng như tính mạng của mình, thưa ông?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Tùy theo từng nguyên nhân để có các biện pháp phòng bệnh cụ thể. Như để đề phòng chấn thương, đuối nước người dân phải hết sức cẩn thận trong di chuyển nhằm đảm bảo an toàn, hoặc phải có bảo hộ lao động để không xảy ra tai nạn. Với bệnh về đường tiêu hóa thì phải ăn chín uống sôi, sử dụng nước sạch để ăn uống, rửa tay bằng xà phòng, chọn nơi cao để phóng uế, dùng bảo hộ lao động để không bị nấm.

Vấn đề thiếu nước sạch trong bão lũ luôn xảy ra, nhưng người dân có thể giải quyết bằng dùng nước đã được khử khuẩn hóa chất cloramin B. Vì vậy, trước bão lũ, ngành y tế cần có đủ cloramin B để phát cho người dân. Đặc biệt, người dân rất cần tiếp cận với y tế, khi có sóng điện thoại thì tiếp cận online để được hướng dẫn, giúp việc cấp cứu được kịp thời. Chẳng hạn như người có bệnh huyết áp cao nếu được bác sĩ hướng dẫn kịp thời sẽ không gây ra đột quỵ; hoặc đau bụng nghi viêm ruột thừa được chẩn đoán sớm sẽ cấp cứu kịp thời… Tiếp cận y tế sớm để những bệnh nguy hiểm được giải quyết, không gây ra hậu quả.

PV: Sau bão lũ, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu 4 người mắc vi khuẩn Whimore hay gọi là "vi khuẩn ăn thịt người". Người dân cần làm gì để tránh nhiễm phải vi khuẩn nguy hiểm này, thưa ông?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Whimore là bệnh do vi khuẩn có tên Burkholderia pseudomallei gây ra. Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei có trong đất, nước. Bệnh diễn biến đa dạng, phức tạp và dễ bỏ sót. Vì vậy, người mắc phải có thể tử vong do viêm phổi, nhiễm trùng máu và sốc nhiễm khuẩn. Bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với môi trường có chứa vi khuẩn.

Trong trận lũ lụt vừa qua, môi trường ở nhiều vùng lũ bị ô nhiễm, nước thải, chất thải có vi khuẩn có trong bùn đất, trôi theo dòng nước, người dân tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn ứ đọng lâu ngày, đặc biệt khi da bị trầy xước tạo điều kiện cho vi khuẩn có sẵn trong bùn đất xâm nhập. Do vậy, người dân ở vùng lũ cần phải mang dụng cụ bảo hộ lao động khi tiếp xúc với nước bẩn, bùn đất để ngăn ngừa nhiễm trùng qua chân tay.

PV: Với cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây lũ lụt nghiêm trọng ở nhiều địa phương, ông đánh giá thế nào về công tác đáp ứng y tế cũng như sự phối hợp của bệnh viện tuyến trên trong cấp cứu người bệnh?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Trước khi bão đổ bộ, Bộ Y tế đã có công điện gửi Sở Y tế các địa phương và bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn các tỉnh về công tác ứng phó với bão, như chuẩn bị thuốc, vật tư y tế, gia cố cơ sở vật chất để không hư hỏng, thiệt hại nặng, đảm bảo cho cấp cứu và điều trị; ứng trực cấp cứu, không để gián đoạn cấp cứu, không để người bệnh không được cứu chữa…

Trong cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây lũ lụt, các bệnh viện, cơ sở y tế trong vùng bão lũ đều thiệt hại nặng nề, nhưng do có sự chuẩn bị từ trước nên dù khó khăn, về cơ bản vẫn đảm bảo điều trị cho những bệnh nhân nặng phải nằm viện, đồng thời tiếp nhận, cấp cứu những ca bệnh bị tai nạn do mưa bão. Bộ Y tế cũng giao cho các bệnh viện tuyến trên như Việt Đức, Bạch Mai kết nối hội chẩn trực tuyến với các bệnh viện trong vùng bão lũ để đưa ra phương án phẫu thuật, hoặc can thiệp những ca bệnh nặng không thể chuyển lên tuyến trên do bị bão lũ chia cắt.

Các bệnh viện tuyến trên cũng sẵn sàng ứng trực 24/24h để cấp cứu bệnh nhân nặng từ tuyến dưới chuyển lên, đồng thời lập các tổ y tế cơ động, sẵn sàng chi viện cho tuyến dưới… Đây là trận siêu bão mấy chục năm mới có một lần, vì vậy tốc độ cũng như sự tàn phá của nó quá lớn. Tôi cho rằng, việc đánh giá nguy cơ và công tác chuẩn bị như vậy đã là khá tốt.

Người dân và cán bộ Công an dọn dẹp đường phố sau mưa lũ.

Người dân và cán bộ Công an dọn dẹp đường phố sau mưa lũ.

PV: Vậy, ngành y tế cần chuẩn bị những gì để làm tốt hơn nữa công tác ứng phó với những trận siêu bão hoặc thảm họa thiên tai?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Để đáp ứng y tế cho những trận siêu bão, ngành Y tế cần chuẩn bị tốt công tác tập huấn, tuyên truyền tới người dân các biện pháp phòng tránh thương tích trong bão cũng như dịch bệnh sau bão lũ. Đặc biệt, cần có kế hoạch phòng chống dịch bệnh trong kế hoạch tổng thể phòng, chống thiên tai của UBND địa phương. Đây là việc vô cùng quan trọng khi siêu bão cũng như lũ lụt ập đến địa bàn, nếu không chuẩn bị sẽ bị động. Kế hoạch đó phải có sự phối hợp liên ngành trong phòng, chống dịch bệnh, trong đó chú ý vấn đề cấp cứu và xử lý chấn thương nặng.

PV: Khi bão lũ đi qua, chúng ta phải làm gì để bảo vệ môi trường sống, thưa ông?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Hết bão lũ, nước rút đến đâu vệ sinh môi trường đến đó. Làm vệ sinh tất cả môi trường xung quanh như giải quyết ô nhiễm bùn đất, giải quyết xác súc vật chôn lấp ở đâu, giải quyết ô nhiễm nhà ở và tất cả ô nhiễm xung quanh nhà… Điều rất quan trọng là giải quyết vấn đề cung cấp nước sạch cho người dân. Ở nông thôn có giếng, ở thành phố có bể chứa nước, chúng ta phải quét dọn bùn đất đi, thau rửa, khử khuẩn nước bằng cloramin B sau đó mới sử dụng. Cần lưu ý, có những bệnh mắc sau lũ lụt, có bệnh bùng phát lên và dễ mắc như sốt xuất huyết, sốt rét thì phải có biện pháp theo từng bệnh. Sau lũ lụt những bệnh có vaccine mà có thể bùng lên thì trước đó phải phòng bệnh bằng tiêm vaccine đúng lịch, đủ mũi.

PV: Ông có khuyến cáo gì tới người dân cũng như ngành y tế trong công tác phòng ngừa dịch bệnh khi bão lũ qua đi, để người dân vừa thoát khỏi thảm họa thiên tai, không phải gánh thêm bệnh tật?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh sau bão lũ là của chính quyền các cấp, các ngành, ngành Y tế là cơ quan tham mưu. Công tác chuẩn bị trước, trong, sau bão lũ không phải bão lũ đến mới làm mà cần có kế hoạch được UBND tỉnh, thành phố phê duyệt, nhiệm vụ phân công tùy theo đặc thù của từng địa phương. Trước bão, ngành Y tế phải tập huấn nâng cao năng lực đáp ứng; chuẩn bị tốt thuốc, vật tư y tế, phương tiện, chất khử khuẩn, các phương tiện cứu hộ; truyền thông hướng dẫn người dân về cách xử lý môi trường, khử khuẩn, sử dụng nước sạch, an toàn thực phẩm… để phòng, chống dịch bệnh; thống kê các trường hợp cấp cứu có thể xảy ra trong bão lũ như bà đẻ, nhóm người dễ bị tổn thương để làm tốt công tác chuẩn bị.

Trong bão lũ, ngoài hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh, ngành y tế bằng mọi cách tiếp cận được người dân càng sớm càng tốt như: phát thuốc, khử khuẩn để có nước sạch sử dụng, tư vấn cho người dân mắc các bệnh cấp cứu như viêm ruột thừa, đẻ rơi, đột quỵ… để họ đến cơ sở y tế sớm nhất.

Sau bão lũ, tiếp tục hướng dẫn người dân nước rút đến đâu xử lý môi trường đến đó. Chú trọng đến các bệnh xảy ra sau bão lụt như suy thể trạng do lao động quá sức; bệnh sang chấn tâm lý do mất hết của cải, mất người thân để kịp thời tư vấn. Lực lượng y tế càng sớm tiếp cận với người bệnh thì hiệu quả mang lại càng cao.

Đối với người dân, phòng còn hơn chống, trước bão lũ cần chuẩn bị thuốc khử khuẩn, cơ số thuốc thiết yếu, đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh thân thể không bị nấm, viêm da, đau mắt đỏ… Người dân cũng đừng ngại tiếp cận cán bộ y tế, đừng chần chừ bởi chỉ chần chừ tiếp cận y tế có thể bệnh mãn tính chuyển thành cấp tính, nguy hiểm tới tính mạng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trần Hằng (thực hiện)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/phong-dich-benh-sau-bao-lu-nguoi-dan-dung-chan-chu-tiep-can-y-te-i744773/