Phong phú sản phẩm từ trái thốt nốt
Cây thốt nốt cho trái quanh năm, nhưng mạnh nhất vào mùa nắng, người dân đặt đó là mùa của thốt nốt. Mật thốt nốt ngọt thơm, còn trái thốt nốt thì giòn dẻo, thanh mát. Nhờ thực khách ưa chuộng, trái thốt nốt ngoài dạng bán tươi còn được biến tấu thành chè, làm mứt, thốt nốt rim, sấy dẻo và nhiều món giải khát.
Đa dạng món ăn
Một trái thốt nốt chẻ ra có 3 múi. Múi thốt nốt trắng ngần, mềm dẻo và mùi thơm đặc trưng, ở dạng tươi có thể thưởng thức trực tiếp. Nhu cầu của thực khách và lượng trái khai thác nhiều vào mùa nắng đã tạo điều kiện cho nhiều món mới từ thốt nốt được thịnh hành.
Người dân huyện Tịnh Biên và Tri Tôn sống dựa vào khai thác loại trái này đã không ngừng sáng tạo để thốt nốt “biến tấu” thành nhiều món vừa quen, vừa lạ. Chẳng hạn món trà sữa thốt nốt, tận dụng triệt để các thành phần liên quan, như: Trái thốt nốt hoặc thốt nốt rim, trân châu làm từ bột và đường thốt nốt, có nhân là những “hạt” thốt nốt nhỏ. Món ăn dậy lên đặc trưng từ màu sắc đến mùi vị.
Mấy năm trước, món chè thốt nốt được nhiều người đến vùng Bảy Núi săn tìm, giờ đã có thêm nhiều lựa chọn khác. Trong đó, thốt nốt rim đường sữa tươi rất được lòng thực khách. Món này được chế biến từ quá trình nấu tan đường thốt nốt, cho phần trái cắt nhỏ vào rim trong nhiều giờ để ngấm đường đậm đà. Thành phẩm thốt nốt rim được cho vào ly, ăn chung với sữa tươi, vị béo vừa và mùi thơm hấp dẫn. Không riêng tại 2 huyện miền núi, thức uống này đã có mặt trong thực đơn của nhiều quán bánh ngọt, quán giải khát ở thành thị.
Một cách thưởng thức khác là thốt nốt sữa, được bán phổ biến ở các điểm tham quan du lịch. Trước đây, cư dân khai thác nước và trái thốt nốt thu hoạch được mùa nào thì tiêu thụ hết mùa đó.
Đặc biệt, nước thốt nốt không thể bảo quản được lâu, thông thường khai thác trong ngày phải nấu thành đường để tránh bị chua, không sử dụng được. Từ khi có tủ lạnh, người dân nghĩ ra cách bảo quản nước thốt nốt quanh năm trong ngăn đông.
Khi thưởng thức, nước thốt nốt không cần rã đông, thay vào đó được bào hoặc xay nhuyễn để trong ly, cho thêm trái thốt nốt xắt miếng vừa ăn, chế thêm sữa tươi hoặc sữa đặc, trên cùng rắc đậu phộng. Có người gọi món thốt nốt sữa với tên mỹ miều hơn là thốt nốt sữa đá tuyết - món giải khát ưa chuộng khoảng 3 năm trước. Tuy nhiên, cách bảo quản và chế biến này được người dân nghiên cứu làm từ rất lâu trước đó.
Thêm thu nhập cho người dân
Cây thốt nốt có thể khai thác thân, lá để làm sản phẩm mỹ nghệ, mật ngọt để nấu đường, còn trái tươi rất được ưa chuộng mua ăn hoặc làm quà. Vào mùa cao điểm, khách hành hương về Bảy Núi, đặc biệt đợt Tết hoặc lễ hội, giá bán trái thốt nốt tươi tăng đột biến, hơn 100.000 đồng/kg.
Để hỗ trợ cho các hộ sinh sống bằng nghề truyền thống gắn với sản phẩm thốt nốt, các ngành tỉnh và huyện đã đưa nhiều dự án hỗ trợ thiết thực về miền núi. Điển hình, điểm dừng chân giới thiệu sản phẩm thốt nốt ở ấp Ô Tà Sóc (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) đã kết nối hàng chục hộ được thụ hưởng, tiêu thụ các sản phẩm từ thốt nốt.
Gia đình của chị Thu Thủy là một trong những hộ thụ hưởng từ dự án này. Mở quán giải khát ven đường đến căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc, chị Thủy phục vụ đầy đủ thức uống từ nước và trái thốt nốt cho hành khách. Từ khi nơi này phát triển, vị trí quán nước rất thuận lợi được khách chú ý ghé qua.
Chị Thủy đầu tư phần đất sau nhà, mở rộng thành không gian quán sân vườn, có võng nằm, cây xanh mát mẻ. Dù phục vụ đầy đủ món giải khát nhưng khách ưa chuộng nhất là thốt nốt sữa tại quán. Một phần nổi tiếng của món này còn nhờ mạng xã hội lan truyền. Đặc biệt, dịp cuối tuần, khách du lịch, học sinh tìm đến quán khá đông. Nối nghiệp từ gia đình, so nhiều năm trước, đời sống của chị Thủy nay đã khấm khá.
Dù sản xuất nhỏ lẻ, chưa có thương hiệu, nhưng sự bắt nhịp của người dân vùng núi trong cách làm ăn luôn nhạy bén. Cùng là trái thốt nốt, giờ đây, để bảo quản lâu hơn, vận chuyển bán cho nhiều khách hàng ở xa, món chè thốt nốt đóng gói, thốt nốt sấy dẻo hay mứt thốt nốt đã trở nên phổ biến.
Chị Phạm Thị Tuyết Mai (xã An Cư, huyện Tịnh Biên) đã phát triển món mứt thốt nốt làm nghề phụ, nhưng cho thu nhập không thua kém “nghề tay phải”. Chị Tuyết Mai cho biết, sản phẩm này chỉ làm khi khách đặt hàng, bởi không có chất bảo quản. Làm mứt thốt nốt khá kỳ công, giá thành từ 160.000 - 170.000 đồng/kg, tùy thời điểm.
“Sản phẩm không có thương hiệu, chỉ nhận hàng theo mối quen mà phát triển nhiều năm nay. Những lúc rảnh hơn, tôi nhận làm các món đặt theo yêu cầu, từ chè thốt nốt, mứt thốt nốt, thốt nốt rim… đến mua các sản phẩm thốt nốt đóng gói từ Thái Lan về bán. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ của khách hàng đều quanh năm, tôi đang ấp ủ đầu tư máy sấy trái thốt nốt để chủ động nguồn hàng bán vào mùa khách hành hương” - chị Tuyết Mai cho biết.
Nhờ du lịch phát triển và mạng xã hội quảng bá, các món ngon từ trái thốt nốt dần trở nên “hot” hơn. Thốt nốt dầm bình thường đã ngon nay còn có nhiều món khác hấp dẫn không kém. Tùy cách chế biến, mỗi món có giá thành riêng, cao hơn giá bán trái tươi, giúp người dân tăng thêm thu nhập từ loại trái cây đặc trưng bản địa.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phong-phu-san-pham-tu-trai-thot-not-a355893.html