Phòng tránh phân bón giả, kém chất lượng

Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đóng vai trò rất quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả, năng suất cây trồng. Nhưng thực tế cho thấy, tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng, thiệt hại rất lớn về kinh tế của nông dân. Phóng viên Báo Bình Thuận có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Thiện (ảnh) – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh xung quanh vấn đề này!

Thưa ông, gần đây tỉnh ta phát hiện nhiều cơ sở buôn bán phân bón giả, kém chất lượng, bà con nông dân rất lo lắng. Ông có thể thông tin thêm về vấn đề này?

Ông Trần Đức Thiện: Vừa qua thông tin về việc một cơ sở buôn bán phân bón tại Hàm Tân có dấu hiệu vi phạm khiến nhiều người rất lo lắng. Qua tìm hiểu, Chi cục Trồng trọt và BVTV xác định đối tượng vi phạm là Công ty TNHH HASA Mặt Trời có trụ sở tại thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân. Đây là vụ việc có tính chất nghiêm trọng, đối tượng buôn bán, tàng trữ phân bón vi phạm có quy mô lớn tại nhiều địa điểm. Ngày 3/5/2024, đoàn kiểm tra gồm lực lượng Công an tỉnh và cán bộ chi cục đã tiến hành khám xét nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm tại trụ sở công ty, kho chứa hàng và nhà bà Lê Thị Trinh, trú tại thôn An Vinh, xã Sông Phan, huyện Hàm Tân. Qua đó phát hiện tại đây đang tàng trữ, buôn bán các sản phẩm phân bón chưa được phép lưu hành tại Việt Nam khoảng 101 tấn và 12.000 lít. Tại thời điểm kiểm tra, công ty không cung cấp được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và tài liệu thể hiện điều kiện được phép lưu hành của các loại phân bón nêu trên. Hiện nay, chi cục đang tiếp tục phối hợp với PC03 xác minh, củng cố hồ sơ, làm rõ vụ việc.

Để hạn chế tối đa việc mua nhầm phân bón giả, kém chất lượng đồng thời hướng đến sản xuất theo hướng xanh, bền vững, chi cục có khuyến cáo cho bà con nông dân?

Để hạn chế tối đa việc mua nhầm phân bón giả, kém chất lượng đồng thời hướng đến sản xuất theo hướng xanh, bền vững, chi cục có khuyến cáo cho bà con nông dân?

Ông Trần Đức Thiện: Theo kế hoạch sản xuất, vụ hè thu năm nay toàn tỉnh có nhu cầu sử dụng phân bón khoảng 93.000 tấn. Để hạn chế tối đa việc mua phân bón giả, phân bón kém chất lượng, nông dân nên tìm mua các loại phân bón có thương hiệu, uy tín, có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Lưu ý không nên mua và sử dụng các loại phân bón trôi nổi, có giá rẻ bất thường. Về mặt cảm quan, bà con không nên mua phân đóng cục hoặc bị chảy nước vì đã bị biến đổi chất lượng. Đặc biệt, khi mua các loại phân bón về sử dụng, nên giữ lại bao bì để khi có sự cố xảy ra gây thiệt hại cho cây trồng thì kịp thời thông báo với cơ sở kinh doanh và phản ánh đến Chi cục Trồng trọt và BVTV hoặc chính quyền địa phương để kiểm kiểm tra, xử lý.

Song song, nông dân nên ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, sinh học, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để tiết kiệm chi phí, hạn chế dần sử dụng phân bón vô cơ để hướng đến sản xuất xanh, bền vững, thân thiện với môi trường. Cùng với đó, khuyến cáo nông dân tăng cường sử dụng giống lúa xác nhận để tăng sức đề kháng của cây lúa như kháng rầy, kháng bệnh… Lượng giống lúa gieo phải đảm bảo mật độ khuyến cáo là từ 120 - 150 kg/ ha, không gieo dày trên 150 kg/ha để dễ quản lý sâu bệnh hại, bón phân cân đối (bón đạm vừa phải, tăng cường thêm kali, lân; áp dụng mô hình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm), tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ.

Các sản phẩm phân bón chưa được phép lưu hành tại thời điểm kiểm tra.

Các sản phẩm phân bón chưa được phép lưu hành tại thời điểm kiểm tra.

Ông có thể cho biết thêm về công tác quản lý, nắm bắt tình hình buôn bán phân bón trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?

Ông Trần Đức Thiện: Hàng năm, trên cơ sở kế hoạch thanh, kiểm tra được Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã chủ trì, phối hợp các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về sản xuất, buôn bán phân bón trên địa bàn tỉnh. Đồng thời chú trọng kiểm tra đột xuất, tập trung lấy mẫu để kiểm định, đánh giá chất lượng phân bón lưu hành trên thị trường. Mặt khác, tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về điều kiện sản xuất, buôn bán phân bón, các lớp bồi dưỡng, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, quy trình sử dụng phân bón trên cây trồng cho nông dân… Đơn vị cũng chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất, buôn bán phân bón để kịp thời phát hiện, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến phân bón, góp phần ổn định tình hình sản xuất của nông dân, hạn chế thấp nhất và tiến tới ngăn chặn triệt để hành vi sản xuất, buôn bán phân bón giả, kém chất lượng, chưa đủ điều kiện lưu hành trên thị trường.

Các sản phẩm chưa được cấp phép phát hiện tại thời điểm kiểm tra.

Các sản phẩm chưa được cấp phép phát hiện tại thời điểm kiểm tra.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/phong-tranh-phan-bon-gia-kem-chat-luong-119058.html