Không chủ quan với dịch bệnh liên cầu lợn

HNN.VN - Chiều 7/7, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế cho biết đang điều trị cho 11 trường hợp nhiễm khuẩn Streptococcus suis (khuẩn liên cầu lợn-LCL). Ngoài ra, có 1 trường hợp đã tử vong vì sốc nhiễm khuẩn. Trước tình hình gia tăng ca bệnh, ngành Y tế thành phố đã vào cuộc phối hợp điều tra, xử lý phòng, chống dịch tại các địa phương.

Theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân nhiễm khuẩn liên cầu lợn ở Bệnh viện Trung ương Huế

Theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân nhiễm khuẩn liên cầu lợn ở Bệnh viện Trung ương Huế

Đi viện ngay khi sốt cao, nôn mửa, nhìn mờ…

Bệnh nhân (BN) N.V.C (50 tuổi) ở phường Thuận Hóa là ca bệnh LCL đã tử vong. BN vào viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, toàn thân nổi vân tím, ngưng tuần hoàn hô hấp. Kết quả xét nghiệm máu nhiễm LCL, rối loạn đông máu nội ngoại sinh nặng. Mặc dù được hồi sức tích cực nhưng tình trạng không cải thiện, huyết áp không đo được, bệnh ngừng tim trở lạị sau đó.

Chỉ trong tháng 6/2025, có 18 ca nhiễm LCL trong thành phố. Tính từ đầu năm đến nay, tổng cộng đã xét nghiệm khẳng định và điều trị cho 31 ca bệnh nhiễm khuẩn Streptococcus suis. Người bệnh sinh sống ở các phường: Hương An, Dương Nỗ, Thuận Hóa, Phú Xuân, Kim Long, Mỹ Thượng…

Trong số 11 ca bệnh, hai BN lớn tuổi là Đ.D. (71 tuổi) ở phường Mỹ Thượng, BN T.K. (70 tuổi) ở phường Thuận An không rõ dịch tễ tiếp xúc với lợn hay các sản phẩm không đảm bảo từ lợn. Hiện, BN K. hết sốt, tỉnh táo, có di chứng giảm thính lực; BN D. kèm viêm phổi, có cải thiện về tri giác, còn sốt, X-Quang phổi cho thấy còn hình ảnh thâm nhiễm tế bào 2 phổi.

Riêng BN H.N.T. 37 tuổi ở phường Thủy Xuân nhập viện trong tình trạng chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, ngộ độc chất gây nghiện, hôn mê sâu, đồng tử giãn. Ca bệnh diễn biến nặng, được tiếp tục thở máy, lọc máu liên tục song tri giác không cải thiện, tình trạng nguy kịch.

Tại Khoa Bệnh Nhiệt đới, BVTW Huế, một số ca bệnh đang được tiếp tục theo dõi, điều trị. Bà N.T.H.V. 50 tuổi, trú ở phường Hương An làm nghề bán quán ăn kể bà lên cơn sốt, đau đầu nhức mỏi kéo dài, ngày 30/6, người nhà đưa bà nhập viện. Sau khi xét nghiệm máu và dịch não tủy, bà được xác định nhiễm khuẩn LCL.

Nằm cùng phòng bệnh với bà V. là chị D.T.L. ở Phường Dương Nỗ làm nghề kinh doanh, thường xuyên tiếp xúc với thịt lợn. Tuần trước, chị bị đau sốt, dù đã uống nhưng không đỡ, các cơn sốt kéo dài, người đổ mồ hôi, mê man, nhức mỏi kéo dài nên gia đình đưa đi BV. Sau khi có kết quả nhiễm LCL và được các bác sĩ điều trị tích cực, sức khỏe chị đã khá hơn, có thể ngồi dậy được, ăn thức ăn mềm…

Ông L.V.H., chồng bệnh nhân D.T.L. chia sẻ: “Gia đình tôi không nuôi lợn, nhưng mẹ tôi bán thịt lợn. Vợ tôi phụ giúp mẹ bán hàng nên có thể bị lây do tiếp xúc với thịt sống. Cả nhà đều tuân thủ các hướng dẫn từ cán bộ y tế”, ông Hùng chia sẻ.

Trạm Y tế phường Thuận An phun tẩy uế khu vực có bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn

Trạm Y tế phường Thuận An phun tẩy uế khu vực có bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn

BS. Phan Lê Quỳnh Thi, Khoa Bệnh nhiệt đới thông tin: “BN viêm màng não do LCL thường sốt cao, đau đầu dữ dội, kèm nôn mửa, nhìn mờ… Nếu có những triệu chứng như đã nêu, người dân nên đến ngay bệnh viện, đặc biệt là những người có nguy cơ cao khi thường xuyên tiếp xúc với việc mổ hoặc chế biến từ thịt lợn”. Giai đoạn đầu, một số bệnh bị rối loạn tri giác nặng, một số người biểu hiện tri giác giảm sâu. Chúng tôi đang điều trị theo các kháng sinh đồ đã triển khai xét nghiệm từ trước. Hiện, sức khỏe các BN đã ổn định”.

Hầu hết các ca bệnh nhiễm khuẩn Streptococcus suis đợt này rơi vào thể nhẹ, chỉ trường hợp tử vong rơi vào tình trạng nhiễm cấp. Năm 2024, toàn thành phố chỉ ghi nhận 2 ca nhiễm LCL và đều được điều trị khỏi bệnh.

Giám sát dịch tễ, tăng cường truyền thông

Với tình hình gia tăng ca mắc LCL ở người những ngày vừa qua, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP. Huế làm việc với BVTW Huế để nắm bắt thông tin, phối hợp với các trung tâm y tế điều tra xác minh lại các ca bệnh .

Theo PGS.TS.BS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế thành phố, ngành y tế phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp trong việc chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh và phối hợp trong điều tra, xử lý ổ dịch trên động vật và trên người; giám sát thường xuyên, kết hợp với giám sát tích cực ca bệnh liên cầu lợn để phát hiện kịp thời bệnh dịch ở đàn lợn và trên người, làm cơ sở cho việc chủ động phòng chống dịch tại địa phương. Đơn vị cũng tham mưu cho Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo, huy động các nguồn lực, các ban, ngành, đoàn thể triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các gia đình có người bị bệnh, trong cộng đồng và các cơ sở y tế.

Tại các địa phương có ca dịch, cán bộ y tế trạm y tế phường đã lập tức vào cuộc. Công tác xử lý môi trường, phun tẩy uế bằng dung dịch Cloramin B 25% được triển khai tại gia đình bệnh nhân và khu vực xung quanh; tiến hành truyền thông trực tiếp, hướng dẫn người dân cách nhận biết dấu hiệu bệnh, cách xử lý và phòng chống lây nhiễm.

Tuyên truyền đến tận hộ dân về phương pháp phòng chống bệnh liên cầu lợn

Tuyên truyền đến tận hộ dân về phương pháp phòng chống bệnh liên cầu lợn

BSCKI. Nguyễn Vũ, Trưởng Trạm Y tế phường Dương Nỗ nói: “Chúng tôi đã huy động cán bộ tăng cường tuyên truyền tại khu dân cư, nhấn mạnh nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc với thịt lợn sống, đặc biệt là thói quen giết mổ, chế biến không đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, trạm đang theo dõi sức khỏe hàng ngày đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân”.

Không riêng phường Dương Nỗ, trước đó, một ca tử vong do LCL cũng đã được ghi nhận tại phường Thuận Hóa. Ngay sau đó, CDC TP. Huế đã khẩn trương phối hợp với các đơn vị y tế tuyến cơ sở triển khai các biện pháp khoanh vùng, điều tra dịch tễ, giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ.

BSCKII. Lê Văn Sanh, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Ký sinh trùng - Côn trùng, CDC Huế cho biết: “Điều đáng chú ý là các ca bệnh không có yếu tố dịch tễ liên quan nhau. Hiện chúng tôi vẫn tiếp tục điều tra dịch tễ học, nhằm xác định nguồn lây và xử lý triệt để ổ dịch. Bên cạnh đó, công tác giám sát cộng đồng và truyền thông đang được tập trung thực hiện với tần suất cao hơn để nâng cao cảnh giác trong người dân”.

Song song với xử lý dịch, công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe đang được coi là “chìa khóa” giúp người dân thay đổi thói quen, nhận diện nguy cơ và chủ động phòng bệnh. Nội dung tuyên truyền tập trung vào: Không sử dụng thịt lợn không rõ nguồn gốc, không giết mổ, tiêu thụ sản phẩm từ lợn bệnh, lợn chết; nấu chín kỹ thịt và nội tạng trước khi ăn; đeo găng tay, khẩu trang khi chế biến thịt sống; vệ sinh tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc với thịt lợn. Ngoài ra, người dân được khuyến cáo nếu có biểu hiện nghi ngờ bệnh cần đến ngay cơ sở y tế.

Công tác truyền thông không chỉ được thực hiện bởi cán bộ y tế phường mà còn huy động sự tham gia của các tổ dân phố, đoàn thể địa phương và hệ thống phát thanh cơ sở. Nhờ đó, thông tin phòng bệnh đến được với từng hộ dân, từng người, góp phần tạo nên “lá chắn” cộng đồng trước dịch bệnh nguy hiểm.

Bệnh LCL ở người có thể phòng tránh hiệu quả nếu tuân thủ đúng các nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm và chủ động bảo vệ bản thân trong chế biến, tiêu dùng thịt lợn. Vì vậy, người dân không nên quá hoang mang nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Hiện công tác giám sát dịch tễ, theo dõi sức khỏe người tiếp xúc vẫn đang được các cơ quan y tế duy trì thường xuyên.

Ngành y tế TP. Huế kêu gọi người dân cùng phối hợp, thông báo sớm các dấu hiệu bất thường về sức khỏe, đồng thời lan tỏa thói quen ăn chín uống sôi, đảm bảo vệ sinh trong chế biến thực phẩm để góp phần ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh.

GIANG THƯ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/y-te-suc-khoe/khong-chu-quan-voi-dich-benh-lien-cau-lon-155420.html