Phòng tuyến đầu tiên để bảo vệ bản thân
Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, khi dịch bệnh xuất hiện, hành vi ứng xử của con người là phòng tuyến đầu tiên để bảo vệ bản thân trước nguy cơ lây nhiễm. Việc tuân thủ nghiêm túc các khuyến nghị, cảnh báo và hướng dẫn của cơ quan y tế, đồng thời phối hợp hành động với chính quyền địa phương, là những yếu tố quan trọng giúp nhiều nước trên thế giới đẩy lùi dịch bệnh một cách nhanh chóng, điển hình như New Zealand với phương châm 'không ngủ quên trên chiến thắng'.
Chính sách kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt của New Zealand nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân.
Vào thời điểm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu vào tháng 3-2020, nhiều quốc gia đã tăng cường các biện pháp phòng, chống lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 như khuyến cáo người dân rửa tay, đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội... Chính quyền nhiều địa phương phối hợp với các cơ quan truyền thông thực hiện tuyên truyền kêu gọi tránh tụ tập đông người, nâng cao ý thức về phòng, tránh dịch bệnh. Thậm chí, cả những bệnh nhân đã từng trải qua tình huống nghiêm trọng khi mắc Covid-19 cũng lên mạng xã hội kêu gọi bạn bè, người thân tuân thủ hướng dẫn của các cơ quan y tế để bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Tuy nhiên, ngay cả khi con số tử vong do đại dịch lên tới 10.000 ca/ngày, các phương tiện truyền thông xã hội tràn ngập những thông điệp cảnh báo mức độ nghiêm trọng của tình hình, tại nhiều quán rượu, nhà hàng, khu vui chơi vẫn xuất hiện những đám đông tụ tập. Hình ảnh bãi biển ở Florida (Mỹ) chật cứng khách du lịch, những đêm hội âm nhạc tại Anh, nhiều người xuất hiện ở nơi công cộng nhưng không đeo khẩu trang khiến các cơ quan quản lý đau đầu. Theo các chuyên gia y tế, trong bối cảnh việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 còn có sự hạn chế, việc người dân phớt lờ cảnh báo và hướng dẫn của các nhà chức trách là nguyên nhân dẫn tới dịch Covid-19 diễn biến ngày càng nghiêm trọng.
Nhìn lại những quốc gia được coi là thành công trong việc ứng phó với đại dịch trong thời gian qua, một yếu tố không thể phủ nhận đó là sự phối hợp chặt chẽ của người dân với chính quyền. Điển hình như tại New Zealand, khẩu hiệu “Hãy chăm sóc cho bản thân và chăm sóc cho cộng đồng” được người dân đề cao trong suốt hơn 1 năm qua. Theo đánh giá của Tiến sĩ Takeshi Kasai, Giám đốc WHO tại khu vực Tây Thái Bình Dương, người dân New Zealand không chỉ đáp ứng một cách nghiêm túc các quyết sách, chỉ thị của chính phủ đối với dịch Covid-19 mà họ còn không ngừng cảnh giác. Ngay cả khi nguy cơ dịch bệnh xuống mức thấp nhất, họ không “ngủ quên trên chiến thắng” mà vẫn tiếp tục cùng nhau "tiêu diệt" vi rút trong từng nhà, từng cộng đồng nhằm chặn đứng khả năng lây nhiễm. Thời gian qua, để thúc đẩy đoàn kết chống lại dịch bệnh, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã gọi toàn bộ người dân nước này là “một đội 5 triệu thành viên”.
Hiện tại, New Zealand có khoảng 17 trung tâm tình nguyện viên. Đây là nơi hội tụ những người bất chấp hiểm nguy để hỗ trợ đội ngũ y tế và người có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch. Họ thường xuyên liên lạc với người dân ở khắp nơi để tìm hiểu tình hình, kịp thời tư vấn, động viên, giúp đỡ và là cầu nối quan trọng giữa người dân và các cơ sở y tế. Michelle Kitney, một thành viên mạng lưới tình nguyện viên của New Zealand cho biết, chị tham gia công việc tình nguyện với mong muốn góp một chút sức lực nhỏ bé vì cộng đồng. “Dĩ nhiên, trong bối cảnh đại dịch đang cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người mỗi ngày như hiện nay, chỉ cần mỗi người đều có ý thức bảo vệ chính bản thân mình đã là một cách để bảo vệ cộng đồng. Song, không phải ai cũng có thể tránh không bị lây nhiễm. Sứ mệnh của chúng tôi là giúp đỡ những người không may mắn đó. Tôi cũng hy vọng hành động của mạng lưới tình nguyện viên sẽ giúp lan tỏa những hình ảnh đẹp nhằm khuyến khích tinh thần tương trợ lẫn nhau và nâng cao nhận thức của người dân cũng như văn hóa ứng xử trong đại dịch” - chị Kitney chia sẻ.
Nhờ vào nỗ lực của cả chính phủ và người dân, đến thời điểm này, New Zealand đã đưa cuộc sống tại nhiều thành phố trở lại bình thường. Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận mới được tiến hành, 91% số người được hỏi tin tưởng vào cách điều hành của chính phủ trong đại dịch mặc dù có nhiều thời điểm cả nước phải áp dụng lệnh phong tỏa vô cùng khắt khe gây ảnh hưởng tới sinh kế của rất nhiều người. Hiện tại, 84% người được hỏi vẫn đồng ý với khuyến nghị của chính phủ không di chuyển tới các quốc gia có nguy cơ dịch bệnh cao.
Giáo sư về dịch tễ học và sức khỏe cộng đồng Michael Baker thuộc Đại học Otago cho biết, chính sách chống dịch mạnh tay nhất thế giới với các lệnh phong tỏa tập trung từ cấp địa phương cho đến toàn quốc mỗi khi phát hiện ca nhiễm và chương trình truy vết tiếp xúc tinh vi đã giúp New Zealand tránh được những làn sóng Covid-19 tàn khốc, ngay cả với chủng Delta đang hoành hành trên toàn thế giới. Thành công của New Zealand có phần góp sức không nhỏ từ ý thức và cách ứng xử của người dân cũng như tâm thế sẵn sàng đáp ứng các quyết sách được đưa ra bởi chính quyền. Điều này giúp New Zealand có những kinh nghiệm xây dựng kịch bản chống lại các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai.