Phụ huynh, học sinh 'cân não' lựa chọn tổ hợp môn vào lớp 10

Thời điểm này, các trường THPT trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã công bố kết quả và bắt đầu quá trình tuyển sinh vào lớp 10. Một số trường THPT đã tổ chức buổi tư vấn đăng ký nguyện vọng tổ hợp môn lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cho học sinh, phụ huynh.

Hơn 22.000 thí sinh trên toàn tỉnh đã trải qua Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025.

Hơn 22.000 thí sinh trên toàn tỉnh đã trải qua Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025.

Đắn đo chọn tổ hợp

Việc lựa chọn các tổ hợp môn khi đăng kí vào lớp 10 nếu không được tìm hiểu từ sớm, học sinh sẽ lúng túng, hoang mang, chưa kể nếu chọn sai tổ hợp môn học có thể ảnh hưởng định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Năm 2024 - 2025 là năm học thứ 3 học sinh lớp 10 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc THPT. Ở chương trình mới, học sinh sẽ học 8 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

Bên cạnh đó, học sinh được chọn 4 trong 9 môn khác: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Ngoài ra, tùy vào điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên các trường THPT để xây dựng các tổ hợp môn cho học sinh lựa chọn.

Có con trai vừa thi đỗ vào Trường THPT Long Châu Sa, huyện Lâm Thao, do muốn định hướng con theo ngành Kỹ thuật, chị Triệu Thị Việt Hồng (xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao) nghĩ chỉ cần học tốt Toán và Vật lý để xét tuyển đại học với tổ hợp môn A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh). Với nhóm môn lựa chọn, gia đình muốn định hướng cho con chọn nhóm môn Vật lý, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Địa lý để giảm thiểu lượng kiến thức, tập chung học các môn xét tuyển đại học nhưng tổ hợp môn này lại thuộc khối D00.

“Ngày 23/7 nhà trường sẽ gặp phụ huynh và học sinh để tư vấn, như vậy gia đình tôi đang có khoảng 1 tuần để suy nghĩ về việc chọn khối và tổ hợp môn tự chọn cho cháu” – chị Hồng cho biết.

Sau khi tham khảo ý kiến các phụ huynh khác và được biết thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp từ 2025 sẽ có hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, thêm 2 môn lựa chọn, chị Hồng lại do dự vì nếu đổi sang tổ hợp môn tự chọn là Vật lý, Hóa học, Tin học, Sinh học do trường sắp xếp sẽ hợp lý hơn.

Chị Hồng cho hay: “Với nhóm khối môn tự chọn là Vật lý, Hóa học, Tin học, Sinh học, cháu sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn vì đăng ký được cả khối D01, A01, D07, B00... Tôi nghĩ cũng sẽ khó vì cháu không học được Hóa và Sinh. Một số phụ huynh cũng khuyên tôi nên cho cháu học khối môn tự chọn này và học khối A00, trước mắt cứ học để nắm bắt tình hình, lên lớp 12 rồi tính tiếp. Gia đình cũng cảm thấy băn khoăn nên sắp tới tôi sẽ nghe thêm sự tư vấn từ nhà trường rồi mới quyết định”.

Trường THPT Việt Trì tổ chức buổi tư vấn đăng ký nguyện vọng tổ hợp môn lựa chọn, chuyên đề học tập vào ngày 7/7.

Trường THPT Việt Trì tổ chức buổi tư vấn đăng ký nguyện vọng tổ hợp môn lựa chọn, chuyên đề học tập vào ngày 7/7.

Vừa trải qua gần 1 tuần đăng kí tổ hợp môn tại Trường THPT Việt Trì, mặc dù điểm thi đầu vào xếp thứ 55 của trường, nhưng em Bùi Đan Lê (Phường Gia Cẩm, TP Việt Trì) cũng cảm thấy đắn đo, phân vân trong việc lựa chọn các tổ hợp môn tự chọn khi chưa được nhà trường tư vấn.

“Hồi cấp 2 em có học kém môn Hóa học và Vật lý nhưng tổ hợp môn tự chọn của trường sắp xếp cho khối D00 lại có một trong hai môn này. Trong khi đó em chỉ muốn tập trung, duy trì học tốt ba môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh là các môn em đã có nền tảng từ khi học THCS để đăng ký xét tuyển đại học bằng khối D01.

Bây phải đưa ra sự lựa chọn giữa tổ hợp môn tự chọn “Vật lý, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ” hoặc “Hóa học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Sinh học” khiến em cảm thấy hoang mang. Sau khi nghe tư vấn từ nhà trường, em đã quyết định chọn khối D00 với tổ hợp môn tự chọn là Vật lý, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ vì trong cụm chuyên đề học tập của nhóm môn tự chọn này có các môn Toán, Ngữ văn, Địa lý. Như vậy, em sẽ còn có cơ hội xét tuyển vào đại học bằng khối C04, C00".

Cần có định hướng rõ ràng

Trước thực trạng chung, nhiều phụ huynh cho rằng, 4 năm học THCS, thầy trò dồn phần lớn thời gian cho các môn thi vào lớp 10 là Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh, chưa tập trung học các môn học còn lại nên khó có nền tảng kiến thức chuyên sâu để yêu thích, đam mê. Không những thế, học sinh ở độ tuổi này vẫn khá non nớt để nhận thức về nghề nghiệp trong tương lai, chưa hiểu rõ về năng lực, sở thích, thế mạnh của bản thân để đưa ra sự lựa chọn đúng đắn.

Phụ huynh, học sinh đến Trường Phổ thông Chất lượng cao Hùng Vương nghe tư vấn đăng ký tổ hợp môn.

Phụ huynh, học sinh đến Trường Phổ thông Chất lượng cao Hùng Vương nghe tư vấn đăng ký tổ hợp môn.

Chia sẻ kinh nghiệm chọn tổ hợp môn vào lớp 10, cô giáo Đặng Thị Thúy - Giáo viên Trường THPT Long Châu Sa, huyện Lâm Thao cho biết: Việc chọn đúng tổ hợp môn rất quan trọng. Bởi có định hướng sớm sẽ giúp học sinh biết được mình muốn học gì, sẽ học gì và cần phải học như thế nào.

"Theo tôi, các em học sinh nên xác định môn học của tổ hợp môn dựa trên 2 tiêu chí. Trước hết là dựa trên sở thích, ưu điểm, năng lực. Tiếp theo là dựa trên định hướng nghề nghiệp, tầm nhìn tương lai của gia đình cũng như học sinh. Nên tìm hiểu một số ngành nghề mà học sinh cảm thấy hứng thú, bởi mỗi ngành nghề lại có tiêu chí tuyển sinh khác nhau. Để chọn được tổ hợp môn phù hợp, học sinh nên đưa ra quyết định chọn tổ hợp dựa trên nguyện vọng của gia đình và khả năng học tập của bản thân. Phụ huynh nên tìm hiểu, quan tâm để hiểu rõ năng lực, sở thích của con. Các học sinh cũng cần lắng nghe, tiếp thu ý kiến của bố mẹ, bởi họ là người đi trước, hiểu biết rộng và có tầm nhìn".

Cô Thúy cũng bày tỏ thêm quan điểm, các hoạt động hướng nghiệp, tư vấn chọn tổ hợp môn nên được đẩy mạnh hơn ở bậc THCS vì nếu học sinh được tìm hiểu càng nhiều, sẽ càng có thời gian suy nghĩ, quyết định hướng đi phù hợp với bản thân.

Lý giải về việc nhiều học sinh, phụ huynh vẫn còn loay hoay, lúng túng, phân vân khi chọn tổ hợp môn, thầy giáo Nguyễn Đình Khải - Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Chất lượng cao Hùng Vương, TP Việt Trì phân tích 3 lý do.

Thứ nhất, ở bậc THCS, từ lớp 6 đến lớp 8, học sinh chủ yếu học đều các môn để cuối kỳ, cuối năm được nhận các danh hiệu học sinh giỏi. Lên lớp 9, học sinh bắt đầu học lệch nhằm mục đích phục vụ cho kì thi tuyển sinh bậc THPT, chỉ chú tâm học Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, còn các môn phụ hầu như không được chú trọng nhiều. Việc học lệch dẫn đến tình trạng các em không biết bản thân có thế mạnh về lĩnh vực tự nhiên, xã hội nên khi lên lớp 10 học sinh thường chọn theo cảm tính, hoặc bị cha mẹ, bạn bè chi phối.

Thứ hai, phạm vi kiến thức các môn học ở bậc THCS khác với bậc THPT, nhiều học sinh vẫn chưa thực sự nhận ra bản thân có thế mạnh về môn nào.

Thứ ba, nhiều giáo viên ở bậc THCS đánh giá môn học đôi khi còn dễ dãi, khiến học sinh lầm tưởng mình học tốt dẫn đến việc chọn sai tổ hợp môn.

"Học sinh phải theo môn học đã chọn suốt 3 năm THPT. Trong trường hợp muốn thay đổi, việc đổi môn chỉ được thực hiện ở cuối năm học và học sinh phải tự học bù kiến thức của các môn đã bỏ lỡ. Vậy nên, việc lựa chọn đúng môn học rất quan trọng, sẽ liên quan trực tiếp đến các tổ hợp môn xét tuyển đại học, chưa kể việc chọn lại môn sẽ gặp nhiều khó khăn nếu các em không có định hướng cụ thể", thầy Khải phân tích thêm.

Cá nhân thầy Khải cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm sửa đổi Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT theo hướng chấp nhận cho học sinh chuyển đổi môn/tổ hợp môn vào giữa học kỳ thay vì cuối năm học để các em còn có thời gian học tập, kiểm tra. Về giải pháp lâu dài, Bộ cần nghiên cứu cắt giảm nội dung các môn học và bắt buộc học sinh phải học hết các môn trên lớp mới giải quyết triệt để việc học sinh chọn sai tổ hợp môn.

Bảo Thoa

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/phu-huynh-hoc-sinh-can-nao-lua-chon-to-hop-mon-vao-lop-10-215292.htm