Có học sinh phải có giáo viên đứng lớp
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên đứng lớp
Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức ngày 19-8.
Thiếu giáo viên cục bộ
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh với tinh thần chỉ đạo và định hướng quan trọng của Thủ tướng Chính phủ là "học thật, thi thật, nhân tài thật", ngành giáo dục đã hoàn thành kế hoạch năm học 2023 - 2024 với nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, năm qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, việc dạy các môn học tích hợp trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 như khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý hay tổ chức trải nghiệm hướng nghiệp... ở một số địa phương còn gặp khó khăn. Việc tổ chức các hoạt động trong giờ học đôi khi còn có biểu hiện hình thức, thiếu hiệu quả, chưa đúng bản chất. Nguyên nhân là do nhận thức và năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đảm nhận toàn bộ môn học, dẫn đến triển khai chưa đúng với tinh thần đổi mới.
Cũng theo Bộ GD-ĐT, việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường ở nhiều địa phương còn gặp khó khăn, lúng túng. Một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến sĩ số học sinh/lớp vượt tỉ lệ quy định. Nhiều trường còn thiếu các phòng chức năng tối thiểu, sân chơi, bãi tập, khu vệ sinh... hoặc có nhưng chưa bảo đảm tiêu chuẩn.
Đáng chú ý, tình trạng thiếu giáo viên cục bộ tồn tại ở hầu hết địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới như tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật... song chậm được khắc phục. Tính đến tháng 4-2024, cả nước thiếu 113.491 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông. Bộ GD-ĐT đánh giá nguyên nhân chủ yếu là bởi sức hút vào ngành còn hạn chế, tình trạng giáo viên nghỉ việc vẫn cao và việc tuyển dụng của địa phương còn chậm - khi còn khoảng 72.000 biên chế được giao chưa tuyển dụng.
Chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện hiệu quả 9 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, cần chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới - gồm trường lớp học, trang thiết bị, sách giáo khoa...; tổ chức lễ khai giảng tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho năm học mới. Đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tập trung triển khai Kết luận 91/2024 của Bộ Chính trị về việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Bộ GD-ĐT sớm xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Kết luận 91/2024, trình Chính phủ ban hành trong quý III/2024.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT tập trung xây dựng dự án Luật Nhà giáo, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8; xây dựng chiến lược phát triển GD-ĐT và các quy hoạch GD-ĐT. Tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trên cơ sở đó, tiếp tục nghiên cứu phát triển, hoàn thiện chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới, kịp thời báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, 2025 là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Do đó, Bộ GD-ĐT cùng các bộ, cơ quan, địa phương cần chuẩn bị thật kỹ để tổ chức kỳ thi bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, gọn nhẹ, giảm áp lực, tạo thuận lợi nhất cho học sinh... Bên cạnh đó, các vấn đề về tự chủ đại học; thu hút nguồn lực đầu tư phát triển GD-ĐT; rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên... cũng được Thủ tướng lưu ý thực hiện tốt. "Khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên đứng lớp" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng GD-ĐT cần được quan tâm đúng mức để tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh, bền vững. Các tổ chức cần thực hiện hiệu quả phương châm: "Lấy học sinh, sinh viên là trung tâm, chủ thể; thầy cô giáo là động lực; nhà trường là bệ đỡ; gia đình là điểm tựa; xã hội là nền tảng". Đồng thời, gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường, giúp nhà trường giáo dục và khuyến khích con em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh...
Dấu hiệu đáng mừng
Bên lề hội nghị, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động xung quanh vấn đề nóng hiện nay là điểm chuẩn đại học tăng cao, 9 điểm/môn vẫn trượt đại học, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng những trường có chất lượng đào tạo tốt, nhu cầu nhân lực cao sẽ được nhiều thí sinh quan tâm. Ngoài ra, một số ngành có chỉ tiêu không nhiều nhưng tập trung thí sinh của cả vùng lớn cũng có thể đẩy điểm chuẩn lên cao. "Nếu các phương thức tuyển sinh bảo đảm công bằng, đề thi phân hóa rõ thì việc điểm chuẩn cao không có gì bất thường. Còn nếu không bảo đảm công bằng, thí sinh đậu đại học bằng phương thức nào đó dễ dàng hơn thì Bộ GD-ĐT cần có sự phân tích kỹ" - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay.
Về điểm chuẩn vào các trường sư phạm năm nay tăng cao, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhìn nhận đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy rõ nhu cầu của xã hội đối với đội ngũ nhà giáo, giáo viên phổ thông, nhất là với một số môn như lịch sử, địa lý...
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/co-hoc-sinh-phai-co-giao-vien-dung-lop-196240819214443589.htm