Phú Lũng - Đô thị mới trên cao nguyên đá
Năm 2017, Phú Lũng (huyện Yên Minh) là xã biên giới đầu tiên của tỉnh Hà Giang 'về đích' nông thôn mới khiến rất nhiều người bất ngờ, bởi với điều kiện tự nhiên nơi đây thì việc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới có thể nói là một kì tích. Trực tiếp gặp gỡ từ cán bộ xã đến cán bộ thôn hay người dân bình thường, chúng tôi đều cảm thấy sự nỗ lực, bền bỉ của chính quyền và nhân dân như những cây xanh bật sức sống trên cao nguyên đá này.
Nói về Phú Lũng, người ta liên tưởng đến một vùng khô khát, bởi cả xã chỉ có một nguồn nước duy nhất chảy từ khe núi thuộc thôn Sín Chải, giáp với xã Bạch Đích. Chiếc bể treo được chính quyền đầu tư xây dựng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của người dân, bởi qua mùa mưa được vài tháng cũng cạn trơ đáy. Người dân phải xây bể, mua bồn để hứng nước mưa từ mái nhà và phải rất tiết kiệm, chắt chiu từng giọt để không phải mua nước về sinh hoạt trước khi mùa mưa tới. Thế nhưng, khi đến mảnh đất biên cương này, chúng tôi vô cùng ấn tượng vì nhìn từ xa đã thấy Phú Lũng như một đô thị với những căn nhà cao tầng, kiên cố xây theo những triền núi. Khung cảnh này khiến chúng tôi vô cùng háo hức đi tìm câu trả lời, vì sao một xã biên giới chỉ trồng ngô trên đất đá lại có thể trù phú như thế?
Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lũng - ông Chẻo Vần Ú đưa chúng tôi về tận bản vì muốn khách thực sự hiểu rõ về những khó khăn, thuận lợi của người dân Phú Lũng khi sống trên cao nguyên đá. Trong câu chuyện dọc đường, biết được về “lý lịch” của Phó Chủ tịch Chẻo Vần Ú khiến ai nấy đều nể phục. Sinh ra và lớn lên ở Phú Lũng, khi nhập ngũ, chàng thanh niên Chẻo Vần Ú mới học xong lớp xóa mù, nhưng con chữ cũng rơi rớt theo đường đèo núi, bởi vậy mà mỗi lần viết thư về nhà đều phải nhờ người khác. Thế nhưng, chàng lính trẻ ấy đã được kết nạp vào Đảng vì tinh thần, trách nhiệm trong công tác cũng như lối sống. Xuất ngũ, chàng thanh niên Chẻo Vần Ú được cử làm kế toán của xã Phú Lũng. Trong quá trình làm việc, nhận thấy việc học là vô cùng quan trọng nên ông Chẻo Vần Ú quyết định vừa đi làm, vừa đi học. Với suy nghĩ “nhặt dần chữ cho đầy”, ông Chẻo Vần Ú vừa làm việc, vừa học văn hóa hết cấp 1, cấp 2, cấp 3. Năm 41 tuổi, ông Chẻo Vần Ú nhận tấm bằng Cử nhân Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Đồng thời với việc học, ông được tín nhiệm đảm nhiệm các chức vụ Chỉ huy trưởng Quân sự xã, Phó Chủ tịch HĐND xã và giờ đây là Phó Chủ tịch UBND xã.
Điểm đến của chúng tôi là Xà Ván, nơi sinh sống của 58 hộ với 328 khẩu dân tộc Dao và Cờ Lao. Đây cũng là thôn giáp biên, xa xôi nhất của xã Phú Lũng nhưng lại khang trang, đời sống của người dân có phần khá hơn nhiều so với các thôn khác. Trưởng bản Xà Ván là ông Chẻo Vần Khai, tuổi đã gần 50. Là trưởng thôn, nhưng thực ra, ông Khai “kiêm” rất nhiều chức danh khác như Tổ trưởng Tổ tự quản đường biên cột mốc, cán bộ thú y, khuyến nông, công an viên, y tế thôn, bản kiêm cộng tác viên dân số. Ông Khai là người chịu khó, làm ăn giỏi và sống gương mẫu nên nhiều năm liền được bà con trong bản tín nhiệm bầu là người đại diện của mình, đứng ra lo lắng việc chung của mọi người.
Khi chúng tôi hỏi về tình hình an ninh trật tự ở thôn, ông Chẻo Vần Khai cho biết, bản không có người sử dụng ma túy, bản thân ông từ bé cũng không thấy ai sử dụng. Người trong bản không bao giờ ăn trộm tài sản của nhau, nếu xảy ra trộm cắp chỉ có người từ nơi khác về. Nếu nói về người Xà Ván sẽ là những tấm gương về làm ăn, xây dựng đời sống mới. Ví như anh Tẩn Ngờ Say, mới 25 tuổi đã xây được nhà 3 tầng khang trang. Anh Say trẻ tuổi nhưng rất chịu khó học hỏi. Ngày còn nhỏ, thấy người lớn xây nhà, anh xin giúp khuân vật liệu rồi tập tành xây và trở thành thợ giỏi lúc nào không hay. Khi những người đàn ông trong bản đi nơi khác nhận các công trình xây dựng, anh cũng đi theo. Tích cóp được số tiền lớn, anh Say mua nguyên vật liệu và “đổi công” với các hộ khác để có được căn nhà kiên cố như ngày hôm nay. Tất cả những ngôi nhà trong bản Xà Ván đều được xây theo cách như thế.
Theo Phó Chủ tịch xã Chẻo Vần Ú, Phú Lũng là xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn diện tích đất của xã Phú Lũng là đá, nhưng người dân vẫn phải canh tác nông nghiệp với cây chủ lực là ngô (một vụ mỗi năm) và xen canh cây đậu, lạc, dong riềng. Phải làm nông nghiệp trong điều kiện nước sinh hoạt còn không đủ như "đánh đố” người dân. Năm 2023, thời tiết vô cùng nắng nóng, cho đến cuối tháng 6 vẫn gần như không có mưa, thế nên dự báo sản lượng ngô năm nay giảm 70%. Bên cạnh đó, những năm trở lại đây, người dân có tay nghề lao động không có việc làm nên nguồn thu gần như không còn. Những điều này khiến người ta lo lắng về việc giữ vững danh hiệu “nông thôn mới” của Phú Lũng.
Thế nhưng, trước những khó khăn ấy, chính quyền và nhân dân Phú Lũng luôn nỗ lực và dần tìm cho mình lối đi mới để quyết tâm giữ vững danh hiệu “nông thôn mới” mà khó khăn lắm mới đạt được. Những năm trở lại đây, người dân Phú Lũng đã bắt đầu thoát ly đi làm ăn xa. Cả xã Phú Lũng hiện có hơn 400 người đang lao động ngoại tỉnh, thường là công nhân các khu công nghiệp tại Quảng Ninh, Hải Phòng, thậm chí ở Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh. Với mức lương 6-8 triệu đồng/tháng, nhiều người đã tiết kiệm để gửi về gia đình. “Việc người dân thoát ly, đi làm ăn xa, tiếp xúc với cái mới sẽ giúp mở mang tầm mắt, kiến thức. Việc này sẽ kéo thay đổi suy nghĩ, đó là tín hiệu tích cực để người dân tiếp nhận cái mới và có nhiều cách để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn rất cần sự đồng hành của các cơ quan cấp trên vì những khó khăn ấy chỉ một mình Phú Lũng không tự giải quyết được hết” - Ông Chẻo Vần Ú chia sẻ.
Chúng tôi rời Phú Lũng khi mặt trời dần khuất sau đỉnh núi. Nhìn ngô được người dân trồng từ chân lên tới đỉnh núi, trồng dọc theo các con đường, bởi vậy mà khắp Phú Lũng đều thấy một màu xanh của cây, như thắp sáng lên niềm hi vọng cho bản làng. Chúng tôi tin rằng, người Phú Lũng sẽ làm được những điều hơn thế dù có khó khăn đến thế nào.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phu-lung-do-thi-moi-tren-cao-nguyen-da-post464299.html