Phụ nữ dân tộc Mông với nghề dệt lanh truyền thống

Giữa lòng Cao nguyên đá hùng vĩ có một câu chuyện về văn hóa bản địa và hành trình vươn lên mạnh mẽ của những người phụ nữ dân tộc Mông. Từ sợi lanh truyền thống, họ đã và đang bền bỉ dệt nên sự bình đẳng, nâng tầm vị thế của mình trong cộng đồng.

Sợi lanh “dệt” ước mơ tự chủ

Từ xưa, dệt lanh đã là một phần quan trọng trong đời sống của người Mông, nhưng ngày nay nghề dệt lanh đã vượt xa ý nghĩa truyền thống ấy. Bởi đó không chỉ là cách để gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo mà còn trở thành chìa khóa mở ra cánh cửa bình đẳng giới cho phụ nữ Mông. Khi những tấm vải lanh thô mộc được bàn tay khéo léo của họ biến hóa thành những sản phẩm tinh xảo như túi xách, ví, khăn quàng, hay vật dụng trang trí nhà cửa, chúng không chỉ làm say lòng du khách thập phương mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định. Từ đó giúp họ tự chủ về kinh tế và khẳng định giá trị bản thân, có tiếng nói hơn trong gia đình và xã hội.

Phụ nữ dân tộc Mông dệt vải lanh truyền thống.

Phụ nữ dân tộc Mông dệt vải lanh truyền thống.

Ngay trước lối vào dinh thự nhà Vương ở xã Sà Phìn, cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Nông lâm nghiệp Sà Phìn A (còn gọi là HTX Lanh Trắng) do chị Vàng Thị Cầu thành lập luôn tấp nập khách tham quan và mua sắm. Chị Cầu là một minh chứng sống động cho nghị lực phi thường. Mặc dù sinh năm 1973, nhưng đến năm 1990 chị mới chính thức vào học lớp 1 và đến năm 40 tuổi mới tốt nghiệp đại học. Sau khi trở về quê hương làm việc và tham gia làm công tác phụ nữ tại huyện Đồng Văn cũ, chị được tiếp xúc với nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; vì là người địa phương nên chị rất thấu hiểu những khó khăn, thiệt thòi của phụ nữ Mông.

Chị nhớ mãi kỷ niệm về chị Hầu Thị Vá ở xã Phố Bảng thường xuyên bị chồng đánh đập, thậm chí có lần bị đánh gãy chân. Chị Cầu đã cho chị Vá 500 nghìn đồng để mua phân bón và giống lanh về trồng. Vài tháng sau, chị Vá lại nhờ chị Cầu đi bán sợi lanh. Chính từ câu chuyện đó, ý tưởng thành lập HTX Lanh Trắng nhen nhóm trong đầu chị, với mong muốn gìn giữ bản sắc văn hóa Mông và giúp những phụ nữ như chị Vá có thêm việc làm. Nhờ có nền tảng giáo dục đã giúp chị có tư duy tổ chức, quản lý để thành lập HTX, có tầm nhìn về phát triển kinh tế cho phụ nữ.

Với nguồn vốn vay từ Chương trình 135, chị cùng 10 thành viên đầu tiên bắt đầu khởi nghiệp, ngày 23-11-2017, HTX Lanh Trắng chính thức ra đời. Đến nay, HTX đã tạo việc làm ổn định cho 95 hội viên ở xã Sà Phìn và nhiều xã khác quanh vùng, sản xuất ra hơn 70 dòng sản phẩm thổ cẩm thủ công mang đậm bản sắc Mông. Thu nhập bình quân của hội viên đạt từ 3 - 4,5 triệu đồng/tháng, một con số đáng mơ ước với nhiều gia đình ở vùng cao”.

“Quý bà vải lanh” và sự cảm hóa diệu kỳ

Không chỉ ở Sà Phìn, sợi lanh còn đang âm thầm dệt nên những câu chuyện đổi đời tương tự tại xã Lùng Tám, nơi có “quý bà vải lanh” Vàng Thị Mai. Bà Mai sinh năm 1962, có gần 20 năm làm Hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Hợp Tiến, từ một người phụ nữ Mông lủi thủi dệt lanh trong góc bếp, giờ đây bà Mai đã trở thành Giám đốc HTX Vải lanh Lùng Tám, một nghệ nhân nổi tiếng trong và ngoài nước, được tôn vinh là “nữ hoàng thổ cẩm”.

Bà Vàng Thị Mai giới thiệu sản phẩm của Hợp tác xã Vải lanh Lùng Tám.

Bà Vàng Thị Mai giới thiệu sản phẩm của Hợp tác xã Vải lanh Lùng Tám.

Năm 2001, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, bà Mai thành lập HTX Vải lanh Lùng Tám với 10 thành viên, số vốn ban đầu là 13 triệu đồng. Những ngày đầu, bà gặp vô vàn khó khăn, bà Mai nhớ lại với ánh mắt đượm buồn: “Khi mới thành lập HTX, chị em bị chồng phản đối không cho đi làm, có người đang làm việc thì chồng say rượu đến tát thẳng vào mặt, lôi về trước mặt tôi. Thậm chí có người bị chồng đánh chảy máu, tôi phải làm việc với UBND xã và đề nghị Công an xã đứng ra bảo vệ cho phụ nữ. Khi người đàn ông nào say rượu, đánh đập phụ nữ sẽ bị Công an xã đưa lên trụ sở và phạt đi địu đá, dọn vệ sinh công cộng”.

Bà Mai trăn trở: “Tôi thấy phụ nữ người Mông vất vả quá, cần phải làm sao để kéo họ ra khỏi sự vất vả, khổ sở ấy. Đàn ông đi uống rượu về say xỉn không nấu cơm, không nấu cám lợn, bắt vợ phải làm tất cả. Có khi các ông chồng say rượu về ném bó lanh ra đường, nói vợ tôi lấy về chỉ để phục vụ cơm nước trong gia đình, không được đi làm những việc bên ngoài”.

Để thay đổi nhận thức đã ăn sâu vào những người đàn ông dân tộc Mông, khi HTX phát tiền sản phẩm, bà Mai phải đích thân đến nói chuyện với từng ông chồng, mời họ tham gia nhận tiền và khéo léo gợi ý họ dùng số tiền đó để sửa chuồng lợn, chuồng gà. Dần dần, bằng sự kiên trì và khéo léo, bà Mai đã “cảm hóa” được rất nhiều ông chồng của xã viên. Họ bắt đầu “giật mình” khi thấy vợ mình không chỉ biết lo việc nhà mà còn kiếm được tiền nuôi con ăn học, xây dựng nhà cửa không thua kém gì họ, thậm chí còn tốt hơn.

Bà Mai không chỉ thay đổi số phận của sợi lanh mà còn thay đổi luôn số phận của những người phụ nữ Mông. Bà thu hút những phụ nữ nghèo, không có việc làm, trẻ em mồ côi, người già có tay nghề đến truyền dạy nghề. Mỗi sản phẩm bán được, bà trích một phần để trả công cho các nghệ nhân dạy nghề cho lớp trẻ. Đến nay, sản phẩm lanh của HTX đã được xuất bán đi khắp cả nước và 20 bạn hàng quốc tế, chủ yếu ở thị trường châu Âu. Doanh thu bình quân hằng năm đạt khoảng 1,5 tỷ đồng với 140 xã viên và 9 tổ sản xuất. Các xã viên có thu nhập bình quân từ 4 - 6 triệu đồng/tháng.

Đồng chí Mai Xuân Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Lùng Tám khẳng định: “HTX Vải lanh Lùng Tám đã góp phần giải quyết đáng kể việc làm, tăng thu nhập cho người dân, luôn là điểm tựa vững chắc cho phụ nữ Mông ở địa phương. Qua đó bình đẳng giới cũng được phát huy, bạo lực gia đình giảm bớt, người phụ nữ có vai trò, vị trí hơn trong gia đình và xã hội”.

Chính nghề dệt lanh truyền thống của dân tộc Mông đã giúp phụ nữ vùng Cao nguyên đá khẳng định giá trị bản thân, phá vỡ những rào cản vô hình và dệt nên một tương lai bình đẳng, tươi sáng hơn cho chính mình và cho các thế hệ mai sau.

Bài, ảnh: Lê Hải

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/202507/phu-nu-dan-toc-mong-voi-nghe-det-lanh-truyen-thong-8eb6ee9/