Phụ nữ Sóc Trăng chung sức xây dựng nông thôn mới
Chung sức xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào thi đua thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng tích cực tham gia. Từ đó, đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Khẩn trương hành động
Theo đồng chí Trần Thị Kim Phượng - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Sóc Trăng, trên tinh thần chỉ đạo, Ban Thường vụ Tỉnh hội đã khẩn trương ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia như: hướng dẫn thực hiện đánh giá tiêu chí nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao cấp xã, giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện các nội dung thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và “gia đình 5 có, 3 sạch”; “Bảo vệ môi trường, nói không với rác thải nhựa” giai đoạn 2021 - 2025; “Phụ nữ Sóc Trăng chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025; cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, bảo vệ môi trường”... Ngoài ra, hội còn tích cực tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo Ban hành Bộ tiêu chí hộ văn hóa nông thôn mới, ấp văn hóa nông thôn mới và tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh; đóng góp ý kiến đối với dự thảo hướng dẫn thực hiện, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí và công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2021 - 2025.

Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng tổ chức nhiều hội thi tìm hiểu kiến thức bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa gắn với cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch". Ảnh: SỚM MAI
Với hình thức linh hoạt, thích ứng với tình hình thực tế tại địa phương, các cấp hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ, hội viên phụ nữ thông qua nhiều hình thức. Trong đó, chú trọng tuyên truyền trên mạng xã hội, cơ quan truyền thông và tuyên truyền trực tiếp, nhất là tại các cuộc sinh hoạt định kỳ hằng tháng của tổ, nhóm, câu lạc bộ. Kết quả, trong 5 năm đã thực hiện tuyên truyền 3.970 cuộc có 111.160 lượt chị dự và thực hiện vận động 313.651 hộ gia đình hội viên tham gia.
Không những vậy, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh còn chỉ đạo 100% cơ sở hội xây dựng kế hoạch vận động, hỗ trợ thêm gia đình hội viên thực hiện đạt các tiêu chí của cuộc vận động “5 không, 3 sạch” (đối với xã nông thôn mới) và “5 có, 3 sạch” (đối với xã nông thôn mới nâng cao). Năm 2022, Tỉnh hội chọn xã An Thạnh 1 (huyện Cù Lao Dung) và năm 2023, chọn xã Hậu Thạnh (huyện Long Phú) thực hiện thí điểm cuộc vận động “Gia đình 5 có, 3 sạch". Riêng đối với các xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao còn lại, hội triển khai sinh hoạt trong các tổ, nhóm, câu lạc bộ về Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao (Chỉ tiêu số 18.7 về tỷ lệ hộ có nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhà tiêu an toàn và đảm bảo 3 sạch thuộc tiêu chí số 18) và các hoạt động phối hợp khác thu hút hơn 242.379 chị em phụ nữ tham gia.
Để kịp thời hỗ trợ các xã hoàn thành các thủ tục, hồ sơ để được công nhận xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các cấp hội tiến hành thẩm định việc thực hiện một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng còn xây dựng Đề án “Xây dựng gia đình 3 sạch, thực hiện chỉ tiêu 17.8 trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025”, được UBND tỉnh đồng ý thông qua sự hỗ trợ trực tiếp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới.
Hiệu quả cao
Đồng chí Trần Thị Kim Phượng cho biết, hằng năm, 108 xã, phường, thị trấn hoàn thành việc đăng ký với cấp ủy, chính quyền, đăng ký công trình/phần việc thiết thực, phù hợp tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh (đạt 100% kế hoạch đề ra). Đáng chú ý là những công trình, phần việc ý nghĩa, thiết thực như: Tuyến đường kiểu mẫu; công trình “Đoạn đường phụ nữ tự quản”; mô hình 3 sạch “Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”; mô hình "Nhà tôi xanh, sạch, đẹp”; mô hình “Tuyến đường hoa nông thôn”; mô hình “Tuyến đường hoa nông thôn, sáng, xanh, sạch, đẹp”. Đồng thời, các cơ sở hội thực hiện trồng hoa hai bên lộ giao thông nông thôn, cây xanh tạo bóng mát, xây dựng lộ đal, vườn hoa tái chế tại các khu lưu niệm, bia truyền thống, dọn vỉa hè, xung quanh trụ sở làm việc, nhà ở, các hẻm, bỏ rác đúng nơi quy định, không để vật kiến trúc lấn chiếm vỉa hè, lề đường ở các tuyến đăng ký xây dựng đường văn minh đô thị...

Mô hình chiếc phà Cù Lao Dung từng được Hội LHPN huyện Cù Lao Dung khắc họa độc đáo từ các sản phẩm tái chế với thông điệp bảo vệ môi trường. Ảnh: SỚM MAI
Trong 5 năm, Hội LHPN tỉnh, huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp với ngành liên quan tổ chức 25 cuộc thi tìm hiểu kiến thức bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa gắn với cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đáng ghi nhận, Tỉnh hội đã tận dụng có hiệu quả nguồn vốn thực hiện nông thôn mới. Cụ thể, từ nguồn vốn Dự án Vệ sinh môi trường nước sạch do Hội LHPN tỉnh quản lý đã hỗ trợ 320 thành viên xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh với số tiền trên 1,6 tỷ đồng. Hiện dự án này tiếp tục phối hợp cùng với dự án Bạn hữu (do Tổ chức UNICEF tài trợ) thẩm định xét vay cho 120 hộ có nhu cầu vay vốn để sửa chữa, xây mới nhà tiêu hợp vệ sinh trên địa bàn 6 xã thuộc huyện Long Phú, Trần Đề.
Hội LHPN tỉnh thực hiện tốt hoạt động ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội, quản lý 898 tổ/43.498 hội viên tham gia. Đồng thời, tranh thủ được sự hỗ trợ của Trung ương Hội và các nhà tài trợ để phối hợp triển khai các hoạt động góp phần thực hiện các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Từ các hình thức hỗ trợ bằng các mô hình kinh tế như: vay vốn, giới thiệu học nghề, giới thiệu việc làm, mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt... các cấp hội giúp chị em vốn để mua bán nhỏ, chăn nuôi, trồng trọt và các kiến thức phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, có 1.236 hội viên phụ nữ thoát nghèo và 595 hộ thoát cận nghèo.
Vì mục tiêu bảo vệ môi trường, các cấp hội đẩy mạnh các hoạt động như: hưởng ứng các chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, “Ngày Chủ Nhật xanh”, “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”, “Dòng kênh không rác”, “Phụ nữ nói không với túi nilon”... Tất cả đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức, chuyển biến thói quen bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư và vùng ven biển, thu hút 4.620 người tham gia. Các cấp hội còn vận động hội viên, phụ nữ là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, buôn bán tại các chợ tăng cường tái sử dụng túi nilon, sử dụng sản phẩm thân thiện hơn với môi trường, thu hút hơn 1.580 hội viên phụ nữ, cộng đồng và chính quyền, ban ngành hưởng ứng, tham gia. Đặc biệt, các cấp hội đã thành lập 103 tổ, câu lạc bộ bảo vệ môi trường, nói không với sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần, tổ phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon, tổ phụ nữ chuyển rác thành gia cầm, tổ phụ nữ biến rác thành tiền, phụ nữ thu gom rác vô cơ gây quỹ và sự kiện truyền thông “Đổi rác thải nhựa sử dụng 1 lần”...
Chính sự vào cuộc tích cực của các cấp hội phụ nữ trong thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên và nhân dân về ý thức, trách nhiệm. Quan trọng tích cực phát huy nội lực của cộng đồng trong tham gia thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.