Phụ nữ Tày ở huyện Lâm Bình phát huy thế mạnh khi làm du lịch cộng đồng

Những người phụ nữ dân tộc Tày ở huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, từ xưa vốn chỉ quen với sản xuất canh tác nông nghiệp và chăn nuôi là chính. Song, hiện nay, họ đã bắt tay vào phát triển du lịch cộng đồng, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế quê hương.

 Phụ nữ Tày Lâm Bình biểu diễn văn nghệ trên hồ thủy điện

Phụ nữ Tày Lâm Bình biểu diễn văn nghệ trên hồ thủy điện

Tận dụng khai thác tiềm năng, thế mạnh

Nhờ có hồ thủy điện Na Hang đã tạo cho Lâm Bình diện mạo cảnh quan thiên nhiên khá kỳ thú, lâu nay được mệnh danh là "Hạ Long cạn giữa đại ngàn" của Tuyên Quang. Với diện tích hồ thủy điện rộng tới hơn 80.000 ha mặt nước, quanh năm trong xanh. Cùng với những dãy núi hùng vĩ chạy dài tít tắp, đã tạo nên một bức tranh thủy mặc làm mê đắm lòng người, và đây chính là những nguồn lực thúc đẩy người Tày ở Lâm Bình làm du lịch cộng đồng.

Người Tày ở huyện Lâm Bình có dân số tập trung khá đông đúc, họ lại giữ được những nét bản sắc văn hóa truyền thống rất đậm đà, cùng với đó là những nếp nhà sàn nguyên bản từ nhiều thập niên vẫn được duy trì cho đến nay.

Vẻ đẹp nguyên sơ của lòng hồ thủy điện Na Hang thu hút rất nhiều khách du lịch

Vẻ đẹp nguyên sơ của lòng hồ thủy điện Na Hang thu hút rất nhiều khách du lịch

Từ năm 2018, lãnh đạo UBND huyện Lâm Bình đã xác định mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Với sự năng động, sáng tạo, lòng nhiệt huyết của các cán bộ lãnh đạo huyện, người Tày ở Lâm Bình đã bắt tay vào làm du lịch từ những bỡ ngỡ ban đầu. Lãnh đạo huyện mời đơn vị tư vấn về tập huấn cho người dân, đưa người dân đi thăm quan học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương có kinh nghiệm làm du lịch trước đó. Chủ trong vòng một năm, mô hình du lịch cộng đồng ở Lâm Bình đã hình thành và đi vào hoạt động khá trơn tru.

Lễ hội Lồng Tồng là một trong những lễ hội đặc sắc nổi tiếng của Tuyên Quang

Lễ hội Lồng Tồng là một trong những lễ hội đặc sắc nổi tiếng của Tuyên Quang

Bà Triệu Thị Xướng, chủ cơ sở homestay Hoàng Tuấn, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, cho biết: “Lúc mới làm du lịch, tôi cũng rất đắn đo, nhưng sau được sự động viên của lãnh đạo huyện, gia đình tôi quyết tâm đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị, học hỏi kinh nghiệm, rồi thì làm dần dần cũng quen. Đến nay tôi còn đầu tư mua ngựa, xe đạp, thuyền Kayak… phục vụ nhu cầu của du khách”.

"Những ngày đầu, chị em lên huyện tập huấn làm du lịch cũng gian nan lắm, từ việc gấp chăn, màn, dọn dẹp buồng phòng, đến nấu ăn, pha nước…, đều phải học hỏi từng li từng tí. Nhưng nói chung là chị em người Tày ở đây cũng rất quyết tâm, không e dè ngại khó, rất chăm chỉ nhiệt tình học hỏi để làm. Cho đến nay, người Tày ở Lâm Bình đã thuần thục hơn rất nhiều trong việc đưa đón, phục vụ du khách khi họ đến với Lâm Bình", bà Xướng kể.

Chiến lược phát triển đồng bộ và bền vững

Điểm hay của chương trình phát triển du lịch Lâm Bình ở chỗ, họ không tập trung tất cả các điểm Homestay ở một bản, hay một xã, mà các gia đình làm Homestay được bố trí phân tán ra các xã, các thôn bản khác nhau. Từ đó tạo ra sự đồng bộ, ngoài các gia đình làm Homestay ra, thì các hộ dân khác có thể tham gia vào các dịch vụ chở thuyền, nấu ăn, tham gia đội văn nghệ…vv. Vì vậy, dù là các đoàn khách đến ở thôn bản nào, cũng đều có lực lượng nhân lực phục vụ khá chu đáo. Nhờ đó, các chị em ở địa phương cũng có thêm việc làm và nguồn thu nhập khá ổn định.

Đội văn nghệ biểu diễn phục vụ khách du lịch đến Lâm Bình

Đội văn nghệ biểu diễn phục vụ khách du lịch đến Lâm Bình

Toàn bộ các gia đình làm du lịch, đều tuân thủ các quy định, quy chế về thái độ phục vụ, về giá cả các dịch vụ, do đó ở Lâm Bình, du khách không bao giờ phải than phiền về thái độ phục vụ không tốt, hoặc nạn chặt chém bắt chẹt khách.

Cảnh quan môi trường sinh thái ở làng bản cũng được triệt để thực hiện giữ vệ sinh, trồng hoa cây cảnh, bài trí đúng nét văn hóa truyền thống của dân tộc, nhờ đó mà cảnh quan làng bản ngày càng đẹp hơn.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Tuyên Quang (nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình, người phụ trách chương trình xây dựng phát triển du lịch cộng đồng huyện Lâm Bình từ những ngày đầu), cho biết: “Khi huyện tổ chức xây dựng phát triển du lịch, chúng tôi xác định, ngoài cảnh quan thiên nhiên, thì phải tận dụng những giá trị văn hóa truyền thống làm cốt lõi phát triển, từ đó mới tạo ra những giá trị bản sắc riêng của du lịch địa phương, như lễ hội, dân ca, dân vũ truyền thống được đưa vào làm sản phẩm du lịch văn hóa. Cho đến nay, những sản phẩm du lịch này được du khách trong và ngoài nước đánh giá rất cao khi đến với Lâm Bình”.

Hoàng Sa

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phu-nu-tay-o-huyen-lam-binh-lam-du-lich-cong-dong-20250503160430408.htm