Phụ nữ tiên phong sản xuất, tiêu thụ thực phẩm sạch

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, vấn đề sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch là yêu cầu cốt lõi. Ở đó, vai trò của phụ nữ đặc biệt quan trọng.

Không chỉ là đội ngũ chiếm tỷ lệ làm chủ cao tại các DN, hợp tác xã, hộ sản xuất, phần lớn phụ nữ còn là người quyết định việc tiêu dùng thực phẩm trong mỗi gia đình.

Chuyển biến nhận thức sản xuất, tiêu dùng

Trăn trở với vấn nạn thực phẩm bẩn, chị Phạm Thị Tư Hậu (huyện Ba Vì) đã quyết định chuyển từ một dược sĩ sang kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn. Hợp tác xã (HTX) Chế biến nông sản Yến Anh được thành lập với 40 thành viên, trong đó 90% là chị em phụ nữ trên địa bàn huyện Ba Vì. Hiện, trung bình mỗi tháng, HTX do phụ nữ làm chủ này cung cấp ra thị trường khoảng 100 tấn nông sản sạch như ngô, khoai, sắn, dừa…

Trong đó, 3 sản phẩm: ngô chiên bơ, khoai lang kén, bánh sắn nướng cốt dừa đã khẳng định được chất lượng, được đánh giá, phân hạng là những sản phẩm OCOP 3 sao.

Phụ nữ Hà Nội ngày càng thông thái trong việc lựa chọn sử dụng thực phẩm an toàn. Ảnh: Lâm Nguyễn

Phụ nữ Hà Nội ngày càng thông thái trong việc lựa chọn sử dụng thực phẩm an toàn. Ảnh: Lâm Nguyễn

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Liên, Chủ trang trại giun quế GHT (huyện Sóc Sơn), luôn tâm niệm thực phẩm sạch là vấn đề được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, từ khi thành lập trang trại GHT hàng chục năm trước, bà luôn hướng tới việc sản xuất ra những mặt hàng rõ nguồn gốc, xuất xứ để được người tiêu dùng đón nhận.

Trại giun quế GHT hình thành và phát triển trong 18 năm qua luôn thực hiện theo tiêu chí “3 không” gồm: không cám công nghiệp - không kích nạc - không tồn dư kháng sinh, và “3 có” gồm: nấu cám chín - protein từ giun quế - nghe nhạc và tắm nắng. Nhờ quy trình sản xuất được giám sát chặt chẽ, thịt lợn tươi và các sản phẩm từ thịt lợn của trang trại GHT luôn được đánh giá là an toàn, thơm ngon và có giá trị khác biệt, bảo đảm rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ và được thị trường đón nhận tích cực.

Cùng với sản xuất, nhận thức về việc sử dụng thực phẩm an toàn cũng đang có nhiều chuyển biến tích cực. Chị Nguyễn Bích Nhài, trú tại phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) cho biết, hiện nay khi lựa chọn thực phẩm cho gia đình, chị luôn tìm đến những địa chỉ có uy tín.

Theo chị Nhài, những sản phẩm tại các hệ thống bán lẻ hoặc kênh phân phối có uy tín thường được kiểm soát chất lượng chặt chẽ hơn. Ở khía cạnh khác, rất nhiều chị em phụ nữ hiện nay cũng không còn dễ dãi với những sản phẩm được bày bán tràn lan, không rõ nguồn gốc, xuất xứ để bảo vệ sức khỏe cho những người thân trong gia đình.

Mặc dù vậy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương nhìn nhận, việc sản xuất, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn hiện vẫn đang còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhu cầu về tiêu thụ thực phẩm an toàn rất lớn, trong khi trình độ sản xuất của các DN, HTX, cơ sở do phụ nữ làm chủ còn hạn chế.

Bên cạnh đó, dù nhận thức của đại bộ phận phụ nữ Thủ đô đã có nhiều chuyển biến, tuy nhiên, vẫn còn không ít hội viên phụ nữ (những người quyết định tiêu dùng thực phẩm trong gia đình) còn hạn chế trong việc tiếp cận thông tin, nguồn hàng nông sản an toàn. Bên cạnh đó, tâm lý chủ quan trong sử dụng thực phẩm cũng vẫn còn khá phổ biến…

Tăng cường hiệu quả giám sát

Theo thống kê của Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội, phụ nữ hiện chiếm gần 50% tổng dân số toàn TP. Phụ nữ cũng chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động sản xuất, kinh doanh nông sản, đồng thời là người quyết định trực tiếp đến việc tiêu thụ thực phẩm trong gia đình.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội Hà Tiến Nghi cho biết, nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng nêu trên, đơn vị đã chủ động, tích cực phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội và các quận, huyện, thị xã trong việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; đặc biệt là phổ biến các quy định pháp luật và kiến thức về sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn cho các hội viên phụ nữ.

Chi cục cũng thường xuyên phối hợp với các tổ chức Hội phụ nữ hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh. Tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm qua các kênh thương mại điện tử; hình thành và nhân rộng nhiều mô hình sáng tạo của phụ nữ trong sản xuất và tiêu dùng nông sản, thực phẩm an toàn…

“Thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nhận thức về việc sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản, thực phẩm hiện nay của phụ nữ Thủ đô đã có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó, góp phần thay đổi hành vi trong thực hành sản xuất, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn…” - ông Hà Tiến Nghi nhấn mạnh.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, phụ nữ đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc tạo chuyển biến cũng như nâng cao nhận thức xã hội về an toàn thực phẩm. Trong thời gian tới, đề nghị Thành Hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền hướng tới thay đổi hành vi, thực hành bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm sạch.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng mong muốn các cấp Hội phụ nữ tăng cường hoạt động phối hợp giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh do phụ nữ làm chủ; phát hiện vấn đề và có kiến nghị kịp thời với các cơ quan chức năng để kiên quyết xử lý các trường hợp có vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ phát trển phụ nữ Hà Nội Nguyễn Thị Hảo cho biết, trong thời gian qua, đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, tư vấn cho trên 4.000 nữ chủ DN, HTX sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm tiếp cận và thực hiện quy trình số hóa dữ liệu, ứng dụng các phần mềm quản lý hiệu quả. Khoảng 1.870 doanh nhân nữ được hỗ trợ kỹ năng kinh doanh online, tiếp thị liên kết và xây dựng gian hàng trên các kênh mạng xã hội như Tiktok, Facebook, Zalo và tạo gian hàng trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada...

Để hỗ trợ các DN, HTX do phụ nữ làm chủ phát triển, đề nghị Hội Liên hiệp phụ nữ và các sở, ngành của TP Hà Nội tiếp tục quan tâm hỗ trợ về chủ trương, chính sách, đặc biệt là được tiếp cận các ưu đãi về vay vốn, mua sắm máy móc, trang thiết bị, thuê địa điểm để mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh…

Nguyễn Thị Lợi - thành viên HĐQT Hợp tác xã Nông sản và Dịch vụ thương mại Đông Xuân (huyện Quốc Oai)

Tùng Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phu-nu-tien-phong-san-xuat-tieu-thu-thuc-pham-sach.html