Phụ nữ với việc xây dựng thương hiệu sản phẩm
Những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án 'Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025' và Đề án 'Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ giai đoạn 2022-2030'. Thực hiện các đề án này, ngoài tập trung nâng cao kiến thức khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp cho phụ nữ, Hội LHPN tỉnh còn chỉ đạo các cấp hội định hướng, hỗ trợ hội viên, phụ nữ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phải gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đây là điều kiện cần và đủ để phụ nữ khởi nghiệp thành công, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh tham quan các sản phẩm, ý tưởng của các tác giả có tác phẩm dự cuộc thi “Ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp” năm 2025 được hỗ trợ xây dựng nhãn mác, thương hiệu sản phẩm.
Tổ hợp tác (THT) thảo dược Hương Quê, xã Luận Thành (Thường Xuân) được thành lập năm 2021. THT hiện có 20 sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, đều có nguồn gốc từ các loại thảo dược thiên nhiên, trong đó có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, các sản phẩm còn lại đều được đăng ký tem nhãn và các tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Trung bình mỗi tháng, THT cung cấp ra thị trường trên 1.000 sản phẩm các loại, doanh thu 80 - 100 triệu đồng. Từ phát triển sản phẩm thảo dược, THT đã tạo việc làm ổn định cho 12 lao động, đồng thời liên kết, tiêu thụ dược liệu cho nhiều hộ dân trong vùng. Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là điều kiện quan trọng để THT tạo được niềm tin với người tiêu dùng, từ đó mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ.
Chị Quách Thị Anh, tổ trưởng THT thảo dược Hương Quê, chia sẻ: "Quá trình xây dựng THT, chúng tôi luôn chú trọng xây dựng thương hiệu từng sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm về chất lượng. Khi nhắc đến THT, người tiêu dùng sẽ biết THT có những sản phẩm gì, sản phẩm đã được cấp có thẩm quyền chứng nhận thì người tiêu dùng mới yên tâm lựa chọn, sử dụng".
HTX sản xuất rau, củ, quả an toàn Vạn Hà (Thiệu Hóa) được thành lập tháng 7/2019 với sự tham gia của 15 hội viên, phụ nữ trên địa bàn thị trấn. Từ khi tham gia HTX, các thành viên hoạt động theo chỉ đạo chung: cùng sản xuất theo khung thời vụ, giống và phân bón lấy một nơi, cùng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau kỹ thuật và thu hoạch... Đặc biệt là tuân thủ quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu “rau sạch Vạn Hà” để cung cấp sản phẩm chất lượng cho các siêu thị trên địa bàn tỉnh cũng như các cửa hàng thực phẩm sạch tại địa phương và một số huyện lân cận. Bên cạnh đó, HTX đã được cấp ủy, chính quyền địa phương, hội LHPN cấp trên tạo điều kiện mở cửa hàng giới thiệu và cung ứng sản phẩm rau, củ, quả an toàn ngay tại trung tâm thị trấn. HTX đã được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ gần 70 triệu đồng để mua giống, phân bón, làm tem nhãn truy xuất nguồn gốc...
Để giúp hội viên, phụ nữ khởi nghiệp thành công, trong quá trình thực hiện các đề án, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội quan tâm, chú trọng hỗ trợ các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ tham gia quản lý (HTX, THT, tổ liên kết) và hộ cá thể là phụ nữ xây dựng thương hiệu sản phẩm. Hội LHPN tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, diễn đàn “Kết nối doanh nghiệp và các HTX”, truyền thông “Xây dựng thương hiệu gắn với sự phát triển của HTX”... Qua đó, giúp chị em tiếp cận kiến thức, kinh nghiệm về kỹ năng đưa sản phẩm ra thị trường; xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, quảng bá hình ảnh, thương hiệu... hướng đến sự phát triển bền vững và chuyên nghiệp hơn.
Từ năm 2015 đến nay, hàng năm Hội LHPN tỉnh đều tổ chức cuộc thi “Ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp” nhằm phát huy sức sáng tạo, sự mạnh dạn khởi nghiệp của chị em để tìm ra nhân tố tích cực và hỗ trợ chị em khởi nghiệp. Sau 10 năm, Hội LHPN tỉnh đã nhận được 463 đề án tham gia các cuộc thi ý tưởng sản phẩm khởi nghiệp, trong đó có 143 ý tưởng khởi nghiệp tiêu biểu được tôn vinh, 7 sản phẩm được vào chung kết các cuộc thi ý tưởng sản phẩm khởi nghiệp do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Các sản phẩm, ý tưởng của chị em được tôn vinh cấp tỉnh, cấp Trung ương đều nhận được sự quan tâm của tổ chức hội. Tiêu biểu như cao cà gai leo của HTX trồng và chế biến cây dược liệu thân thiện với môi trường của phụ nữ làm chủ xã Đông Hoàng (TP Thanh Hóa); trứng gà thảo mộc (HTX nông nghiệp Năm Tầng, phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn); trà thảo dược túi lọc (Công ty CP Tập Đoàn Sống Hạnh Phúc, xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Thủy); đậu phụ vàng Hùng Hương (xã Định Tân, huyện Yên Định); đũa vót thủ công Mường Hạ, xã Sơn Hà, huyện Quan Sơn...
Thực tế cho thấy thương hiệu ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc chiếm lĩnh thị trường. Khi hàng hóa càng phong phú, đa dạng thì chức năng phân biệt thương hiệu càng trở nên quan trọng. Việc Hội LHPN tỉnh hỗ trợ hội viên, phụ nữ xây dựng thương hiệu sản phẩm đang là một xu thế tất yếu cho sự phát triển bền vững của các mô hình. Đồng thời, khẳng định được vai trò quan trọng của hội, góp phần phát triển kinh tế địa phương, nhất là khu vực nông thôn.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/phu-nu-voi-viec-xay-dung-thuong-hieu-san-pham-37085.htm