'Phù phép' xơ mướp thành tác phẩm nghệ thuật và khát vọng nâng tầm giá trị nông sản Việt
Từ những mảnh xơ mướp, chàng trai Y Êli Buôn Krông thổi hồn, biến thành những bức tranh và trang phục độc đáo, thu hút sự chú ý của nhiều người trong thời gian qua.
Vẽ tranh trên nền xơ mướp
Anh Y Êli Buôn Krông (SN 1991, trú tại phường Ea Tam, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) là một chàng trai trẻ người dân tộc Ê Đê đã biến những tấm xơ mướp vô tri thành các bức tranh đầy màu sắc, mang đậm nét bản sắc văn hóa Việt Nam.
Anh Y Êli cho hay, năm 2014, anh tốt nghiệp cử nhân Mỹ thuật Công nghiệp tại Trường đại học Công nghệ Sài Gòn. Tuy nhiên, sau khi ra trường, anh không làm công việc chuyên môn mà quản lý trường mầm non của gia đình trong suốt 8 năm. Thế nhưng, sau đó cuộc đời đã đưa anh đến với một con đường mới đầy thú vị.
Anh Y Êli kể: "Vào năm 2023, tôi biết đến thông tin tuyển dụng của một công ty tại Tp.Buôn Ma Thuột chuyên sản xuất các sản phẩm từ xơ mướp để xuất khẩu. Với sở thích may vá từ khi còn là học sinh cấp 2, tôi quyết định xin vào công ty này để làm công nhân may".
Trong thời gian làm việc tại đây, anh không ngừng nuôi dưỡng khát vọng sáng tạo, tìm cách biến những sản phẩm làm từ xơ mướp thành tác phẩm độc đáo.
Anh Y Êli lý giải: "Xơ mướp chỉ có màu thuần tự nhiên nên lúc đầu ít ai để ý, quan tâm. Chính vì thế, tôi muốn thêm những hình ảnh sinh động để tạo sự mới lạ cho các sản phẩm. Theo đó, vẽ hình ảnh, họa tiết lên hàng trăm sản phẩm như túi xách và mũ nón làm từ xơ mướp, thu hút sự chú ý của nhiều khách hàng trong và ngoài nước".
Với đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo, chàng trai Ê Đê đã tự tay cắt ghép, may từng miếng xơ mướp lại với nhau để phục vụ vẽ tranh. Tác phẩm đầu tiên của anh là bức tranh về tháp Eiffel ở Paris, xuất phát từ một ý tưởng của du khách nước ngoài. Bức tranh này sau đó đã được công ty nơi anh làm việc gửi sang nước Pháp để bán.
Anh cho biết: "Việc vẽ tranh trên xơ mướp gặp rất nhiều khó khăn và tốn rất nhiều thời gian. Trung bình mỗi bức tranh có kích thước 60x80cm, tôi phải mất ít nhất 2 ngày mới vẽ xong. Bởi bề mặt xơ mướp gồ ghề, nhám, và có nhiều khe hở, khiến cho các đường nét không được sắc nét như mong muốn. Đồng thời, không lột tả được những màu sắc mà người vẽ mong muốn. Hơn nữa, xơ mướp có kích thước giới hạn nên để vẽ được tranh thì buộc phải ghép rất nhiều mảnh xơ mướp khác nhau".
Với niềm đam mê, anh không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để khắc phục những khó khăn. Theo đó, sau khi ghép các mảnh xơ mướp lại với nhau, anh Y Êli nhờ những người thợ may trong công ty nơi mình làm việc may các đường chỉ caro dày đặc trên tấm thảm xơ mướp để che các khuyết điểm, đồng thời tạo mặt phẳng để dễ dàng phác thảo hình ảnh.
Tính đến nay, anh Y Êli đã cho ra đời hàng trăm bức tranh vẽ trên nền xơ mướp với nhiều chủ đề khác nhau, chủ yếu tập trung vào các nét văn hóa truyền thống Việt Nam. Bằng những tác phẩm này, anh mong muốn giới thiệu những bản sắc, nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam đến với bạn về trong và ngoài nước.
Đồng thời, tạo ra những giá trị mới cho xơ mướp, nâng cao giá trị sản phẩm. Tất cả những sản phẩm của anh đã được bán sang nước Pháp, với giá từ 500.000 đồng đến hơn 3 triệu đồng mỗi bức tranh.
Bộ trang phục độc đáo
Ngoài việc vẽ những bức tranh, Y Êli Buôn Krông còn gây ấn tượng với thiết kế trang phục độc đáo từ xơ mướp.
Anh chia sẻ: "Vào tháng 8/2024, lãnh đạo công ty nơi tôi làm việc nảy ra ý tưởng tổ chức một show diễn thời trang sử dụng chất liệu xơ mướp. Lúc đầu, tôi nghĩ điều này rất khó thực hiện, bởi xơ mướp có bề mặt xù xì, không phù hợp để thiết kế trang phục".
Tuy nhiên, với sự sáng tạo không ngừng, anh Y Êli đã quyết định kết hợp 20% vải lụa và 80% xơ mướp để tạo ra những bộ trang phục dân tộc Việt Nam, nhằm giảm độ thô ráp khi mặc.
Bộ trang phục đầu tiên của anh được lấy cảm hứng từ hình ảnh mẹ Âu Cơ - biểu tượng cho sự tảo tần, bền bỉ và đầy nghị lực của người phụ nữ Việt Nam.
Bộ trang phục này được thiết kế với 3 lớp tà ngắn, tượng trưng cho những cánh sen. Đặc biệt, lớp tà dài bên dưới được anh Y Êli trang trí bằng 5 bức tranh thể hiện những khoảnh khắc đời thường như: mẹ bán hàng rong, bà trông cháu, hai chị em đi hái sen, chị bế em và cậu bé thổi sáo trên lưng trâu. Tất cả các nhân vật trong tranh đều mặc trang phục bà ba và đi chân đất, khắc họa cuộc sống giản dị, sự lặng thầm của người phụ nữ Việt Nam.
"Các hình ảnh này được chọn lọc từ hàng nghìn bức tranh trên mạng. Sau khi lựa chọn được hình ảnh, tôi sử dụng cọ để vẽ lên từng tà của bộ trang phục, rồi xịt một lớp sơn bảo vệ màu sắc", anh cho biết. Để tạo điểm nhấn, Y Êli còn đính hàng trăm viên đá nhựa, mang lại vẻ lấp lánh cho trang phục khi trình diễn.
Ngoài ra, trên chiếc mấn đi kèm với bộ trang phục nói trên được anh tạo điểm nhấn với hình ảnh con cò.
Với sự cầu kỳ trong từng chi tiết, anh Y Êli đã mất gần một tháng để hoàn thiện bộ trang phục đầu tiên lấy cảm hứng từ mẹ Âu Cơ. Hiện tại, Y Êli đang tiếp tục hoàn thiện các bộ trang phục khác từ xơ mướp để phục vụ cho show diễn thời trang sắp tới.
"Từ những mảnh xơ mướp bình thường, vốn bị bỏ đi, tôi muốn chứng minh rằng chúng có thể trở thành những sản phẩm thời trang hiện đại, thân thiện với môi trường. Qua đó, tôi cũng mong muốn nâng cao giá trị nông sản Việt Nam và tăng thu nhập cho người dân", anh Y Êli tâm sự.
Ông Nguyễn Phú Tùng, Tổng Giám đốc công ty nơi anh Y Êli đang làm việc cho hay: "Anh Y Êli là người rất đa tài và luôn sáng tạo trong công việc. Theo tìm hiểu của tôi, đến nay chưa có ai khác vẽ tranh trên xơ mướp ngoài Y Êli. Nhờ bàn tay tài hoa của Y Êli đã góp phần nâng cao giá trị của xơ mướp, thu hút sự quan tâm của khách hàng trong và ngoài nước".
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Y Ser Mlô, Phó Chủ tịch UBND phường Ea Tam cho biết: "Trước đây, qua theo dõi các hoạt động trên trang mạng Zalo tôi nhìn thấy các bức tranh trên xơ mướp. Lúc đó, tôi nghĩ doanh nghiệp này dùng máy in 3D để in những bức tranh trên nền xơ mướp. Sau này, tôi mới biết những bức tranh, hình ảnh trên các sản phẩm làm bằng xơ mướp là do chính bàn tay của Y Êli – một người con của dân tộc Ê Đê vẽ lên. Đây là một điều rất đặc biệt, bởi từ trước đến nay tại địa phương chưa thấy có ai vẽ được tranh trên xơ mướp như Y Êli".