Phú Tân tiếp nối thành quả 'Năm nông nghiệp'

Chủ đề 'Năm nông nghiệp' được huyện Phú Tân (An Giang) duy trì thực hiện xuyên suốt từ năm 2017 đến nay, qua đó đã khẳng định hướng đi đúng của chính quyền địa phương khi chọn chủ đề này để tập trung điều hành, lãnh đạo.

Nông dân tăng thu nhập và sản xuất sản phẩm chất lượng nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn thì lĩnh vực nông nghiệp vẫn là thế mạnh duy nhất của địa phương và nhân dân huyện Phú Tân luôn đồng lòng nỗ lực vươn lên, cùng với chính quyền địa phương từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm của cây trồng, vật nuôi để phát triển nền nông nghiệp bền vững. Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Lê Nguyên Châu thông tin, năm 2020, với sự nỗ lực của các ngành, các cấp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, Phú Tân đã đạt được một số kết quả rất đáng trân trọng. Công tác củng cố nâng chất hoạt động các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác được tiếp tục tăng cường.

Đến nay, toàn huyện có 19 HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX năm 2012, với diện tích phục vụ tưới tiêu 19.729ha, 2.603 thành viên, tổng vốn góp trên 30 tỷ đồng. Xếp loại theo Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT, có 3 HTX loại tốt, 3 HTX loại khá, còn lại là trung bình, không có HTX yếu kém.

Về chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo Nghị quyết số 11 của Huyện ủy và Kế hoạch 985 của UBND huyện, hiện nay diện tích chuyển đổi cây ăn trái lũy kế có 530,91ha (tăng 139,6ha so năm 2019). Trong đó, diện tích cây ăn trái cho thu hoạch là 251,14ha, đạt sản lượng là 4.069 tấn (tăng 1.153 tấn so năm 2019). Tiêu biểu là các loại cây ăn trái, như: bưởi da xanh, cam, quýt, chanh, dâu, na Thái, xoài…

Cùng với đó, 6 vùng định hướng chuyên canh trên địa bàn huyện đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương đầu tư hạ tầng thủy lợi; đang triển khai các hạng mục của Dự án hệ thống hạ tầng giao thông thủy lợi phục vụ chuyên canh rau, màu ứng dụng công nghệ cao vùng lòng hồ Tân Trung.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đến nay có 83 mô hình áp dụng tưới phun tự động, nhân rộng nhà màng nuôi trồng ở các xã, trong đó có 3 nhà màng trồng dưa lưới thu hoạch hàng năm khoảng 36 tấn, ước doanh thu hơn 1 tỷ đồng và 1 mô hình nuôi cá nàng hai công nghệ cao tại xã Phú Bình.

Đến cuối năm 2020, huyện Phú Tân có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Tân Hòa, Phú Bình, Phú Lâm, Hiệp Xương, Bình Thạnh Đông, Phú Hưng và Phú Thạnh), trong đó xã Phú Thạnh vượt lộ trình, xã Phú Bình đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Từ vụ thu đông năm 2019, huyện thí điểm xả lũ 50% diện tích và sản xuất theo quy trình “2 năm, 5 vụ”; Phú Tân đã tiếp tục thực hiện trong năm 2020 và được đánh giá khả quan, có sự ủng hộ ngành chuyên môn tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chỉ đạo sâu sát của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện, sự quan tâm các ngành, các cấp, lãnh đạo cơ sở cũng như sự đồng thuận của nông dân và các đơn vị dịch vụ. Quy trình này đã điều chỉnh được lịch xuống giống phù hợp tình hình thời tiết, đặc tính sinh trưởng của cây nếp, giải quyết được tình trạng lệch vụ, thời gian xuống giống tập trung hơn, sắp xếp và rút ngắn giai đoạn xuống giống...

So sánh diện tích nhiễm dịch hại 2 năm liền kề thì tình hình dịch hại giảm, đặc biệt là giảm ở mức độ nhiễm trung bình và nặng. Bên cạnh đó còn giảm được lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phục hồi độ phì nhiêu của đất, dù có nước xả lũ hay không thì cũng điều chỉnh được lịch thời vụ, đồng thời cho đất nghỉ ngơi. Xét về hiệu quả kinh tế, quy trình làm “2 năm, 5 vụ” đạt năng suất trung bình 6,48 tấn/ha, lợi nhuận gần 13,5 triệu đồng/ha, còn sản xuất “3 năm, 8 vụ” đạt năng suất trung bình 6,16 tấn/ha, lợi nhuận gần 13 triệu đồng/ha.

Định hướng cho năm 2021, ông Lê Nguyên Châu cho biết, huyện sẽ chú trọng thực hiện việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đây là nội dung được UBND huyện đặc biệt quan tâm hàng năm, nhằm từng bước khắc phục điệp khúc “được mùa mất giá”. Địa phương tiếp tục duy trì hiệu quả liên kết trong các năm qua gắn với việc tăng cường củng cố, nâng chất HTX, phát huy vai trò cầu nối liên kết tiêu thụ giữa nông dân với doanh nghiệp.

Trước mắt, huyện mở rộng liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, vụ đông xuân 2020-2021 đã ký hợp đồng với diện tích 1.558ha, hiện đang tiếp tục triển khai ký kết bao tiêu dự kiến thêm 6.000ha, kêu gọi doanh nghiệp này chọn nhân sự tham gia điều hành các HTX kiểu mới. Phú Tân vẫn tiếp tục kêu gọi các công ty, doanh nghiệp khác tham gia ký kết hợp đồng với HTX và nông dân.

Bên cạnh các nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quan tâm hạ tầng cơ sở trong sản xuất nông nghiệp… Định hướng trên sẽ là một trong những nỗ lực lớn được huyện Phú Tân quyết tâm thực hiện để sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phu-tan-tiep-noi-thanh-qua-nam-nong-nghiep--a293738.html