Phú Thiện nâng cao chất lượng giáo dục mầm non

Nhờ tích cực triển khai chuyên đề 'Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm', chất lượng giáo dục bậc học mầm non của huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) ngày một nâng cao, đồng thời tạo tiền đề vững chắc cho trẻ bước vào lớp 1.

Năm học 2023-2024, huyện Phú Thiện có 12 trường mầm non và 6 nhóm tư thục với 3.695 học sinh. Thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021-2025, các trường đã tranh thủ nguồn lực để tu bổ, sửa chữa cơ sở vật chất trường lớp, xây dựng cảnh quan xanh-sạch-đẹp-an toàn.

Nhiều góc vui chơi, trải nghiệm được xây dựng tạo điều kiện cho trẻ trải nghiệm thực tế, đồng thời hình thành một số kỹ năng cơ bản giúp các bé tự tin hơn trong giao tiếp và có cơ hội bộc lộ năng khiếu bản thân. Môi trường giáo dục hoàn thiện tạo cho trẻ cảm nhận “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Học sinh Trường Mẫu giáo xã Ia Yeng trải nghiệm mua sắm tại gian hàng chợ quê. Ảnh: V.C

Học sinh Trường Mẫu giáo xã Ia Yeng trải nghiệm mua sắm tại gian hàng chợ quê. Ảnh: V.C

Đứng chân trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn với 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, Trường Mẫu giáo xã Ia Yeng luôn tích cực cải tạo môi trường trong và ngoài lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi của trẻ. Các góc hoạt động trong và ngoài lớp học đa dạng, phong phú giúp trẻ dễ dàng tự lựa chọn và sử dụng để thực hành, trải nghiệm.

Cô Phạm Thị Thu Hòa chia sẻ: Trước kia, việc dạy học chủ yếu thông qua hình ảnh thì nay trẻ được tham quan, trải nghiệm thực tế tại nhiều mô hình trong trường học. Từ đó giúp trẻ dễ dàng nhận biết, phân biệt, hình thành các kỹ năng cơ bản. Bên cạnh đó, giáo viên thiết kế các góc hoạt động trong lớp hợp lý như góc địa phương, góc học tập, xây dựng, phân vai, nghệ thuật… giúp trẻ dễ thấy, dễ lấy, dễ dùng, dễ cất.

Những đồ dùng, đồ chơi được trang trí nhiều màu sắc với những nhân vật quen thuộc, ngộ nghĩnh, gần gũi với cuộc sống hàng ngày của trẻ. Trong các hoạt động, giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, giúp trẻ phát huy khả năng tư duy, sáng tạo.

Cô Phạm Thị Hoa Mai-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Thông qua nguồn lực xã hội hóa, nhà trường đã xây dựng hàng rào, đổ sân bê tông, sửa chữa 5 phòng học, đảm bảo cơ sở vật chất cho công tác dạy và học; huy động sự chung tay của phụ huynh, các đoàn thể địa phương đóng góp ngày công, nguyên vật liệu làm đồ dùng, đồ chơi, xây dựng khu vui chơi cho trẻ như vườn cổ tích, chợ quê, thư viện cộng đồng, khu vận động, sắc màu dân tộc…

Tất cả được thiết kế, bố trí theo hướng mở nhằm phát huy tối đa sự sáng tạo của trẻ. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp của trường đạt 89%; tỷ lệ duy trì sĩ số đạt 100%; tỷ lệ chuyên cần đạt gần 90%. Năm 2025, nhà trường phấn đấu đạt chuẩn quốc gia mức độ 1”.

Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng Trường Mẫu giáo Họa Mi (xã Ia Hiao) luôn chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tạo môi trường an toàn cho trẻ học tập, vui chơi.

Cô Trần Thị Mỹ Quyên-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Trường là đơn vị duy nhất trong huyện được đầu tư xây dựng phòng học Kidsmart trang bị 12 máy tính để học sinh làm quen với công nghệ thông tin. Đầu năm học vừa qua, thông qua nguồn xã hội hóa, nhà trường được đầu tư xây mới 4 lớp tại điểm trường buôn Chư Knông trị giá 350 triệu đồng.

Triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, nhà trường đã thiết kế môi trường giáo dục thân thiện, đảm bảo an toàn về thể chất và tâm lý cho trẻ. Cùng với các góc nhỏ trong lớp học, nhà trường xây dựng các khu vui chơi trải nghiệm ngoài trời giúp trẻ tự do khám phá, trải nghiệm.

“Trẻ thường xuyên được giao tiếp trong mối quan hệ thân thiện giữa trẻ với trẻ và giữa trẻ với những người xung quanh giúp trẻ tự tin hơn. Hiện với 10 lớp, 282 học sinh, trong đó gần 80% là học sinh dân tộc thiểu số, tỷ lệ duy trì sĩ số của trường hàng năm đạt 98%, huy động học sinh ra lớp hàng năm đạt 79%.

Năm 2016, trường là một trong những đơn vị đầu tiên của huyện đạt chuẩn quốc gia mức độ 1”-cô Quyên phấn khởi thông tin.

Cô Phạm Thị Thu Hòa-giáo viên lớp 5-6 tuổi 1, Trường Mẫu giáo xã Ia Yeng hướng dẫn trẻ tìm hiểu về các đồ dùng, đồ chơi trong lớp học. Ảnh: Vũ Chi

Cô Phạm Thị Thu Hòa-giáo viên lớp 5-6 tuổi 1, Trường Mẫu giáo xã Ia Yeng hướng dẫn trẻ tìm hiểu về các đồ dùng, đồ chơi trong lớp học. Ảnh: Vũ Chi

Với mục đích biểu dương, khen thưởng các đơn vị tích cực trong thực hiện chuyên đề, cuối tháng 12-2023, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Thiện tổ chức hội thi “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”.

Hội thi nhằm giúp giáo viên nâng cao kiến thức, kỹ năng làm đồ dùng, đồ chơi, trang trí lớp học, xây dựng môi trường thân thiện, thu hút trẻ đến trường. Đây cũng là dịp để các cơ sở giáo dục có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, phát huy tối đa mọi tiềm năng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao giấy khen cho 24 cá nhân và 10 tập thể có thành tích tốt; trong đó, giải nhất thuộc về Trường Mẫu giáo xã Ia Yeng.

Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Thiện, với việc triển khai chuyên đề, diện mạo các trường mầm non có nhiều khởi sắc. Thông qua nguồn kinh phí xã hội hóa, các trường xây dựng, sửa chữa trường lớp, mua sắm trang-thiết bị, xây dựng khu vui chơi, trồng cây xanh, cải tạo môi trường đảm bảo tiêu chí xanh-sạch-đẹp-an toàn.

Nhờ đó, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, tạo được lòng tin với phụ huynh khi gửi gắm con em vào trường. Hiện tỷ lệ huy động trẻ mầm non ra lớp của huyện đạt 56%; tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 85,8%, 6 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 2 trường mới được công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2. Đây là tiền đề để huyện tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chuyên đề trong thời gian tới.

VŨ CHI

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/phu-thien-nang-cao-chat-luong-giao-duc-mam-non-post261755.html