Phú Thọ: Bản sắc văn hóa dân tộc Mường - 'Đẻ đất, Đẻ nước'

Từ sử thi 'Đẻ đất, Đẻ nước' huyền thoại đến những phong tục, tập quán đặc sắc, người Mường đang nỗ lực gìn giữ kho tàng văn hóa đồ sộ của dân tộc. Người Mường mang trong mình một sức sống mạnh mẽ, bền bỉ với bản sắc văn hóa mộc mạc, giản dị nhưng không kém phần đặc sắc và ấn tượng, góp phần làm nên truyền thống văn hóa đa dạng của đất nước Việt Nam.

Cồng chiêng dân tộc Mường

Cồng chiêng dân tộc Mường

Cồng chiêng dân tộc Mường

Người Mường Phú Thọ từ lâu đã kiến tạo nên một kho tàng di sản văn hóa phong phú: từ Mo Mường, chiêng Mường, sử thi Đẻ đất, Đẻ nước, đến các lễ hội truyền thống, tri thức dân gian, nghề thủ công, nhà sàn, trang phục, ẩm thực… Trong đó, Mo Mường và nghệ thuật chiêng Mường đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, hiện đang được lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại.

Nói đến Mo Mường là nói đến những nghi lễ dân gian mang tính thiêng được sử dụng trong tang lễ hoặc các nghi lễ cầu an, cầu may. Mo gắn liền với vòng đời con người, từ khi sinh ra cất tiếng khóc chào đời cho đến khi nhắm mắt xuôi tay trở về với “Mường Trời”.

Hệ thống các lễ hội truyền thống của bốn Mường lớn trong tỉnh như Mường Bi, Mường Thàng, Mường Động đang từng bước được phục dựng và tổ chức quy mô cấp tỉnh, tạo nên sản phẩm văn hóa - du lịch độc đáo. Năm 2022, Lễ hội Khai hạ của dân tộc Mường đã được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ năm 2023 đến 2025, lễ hội này được tổ chức quy mô cấp tỉnh, mở ra cơ hội quảng bá sâu rộng hơn hình ảnh người Mường Hòa Bình tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Lễ hội Khai hạ gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, mang dấu ấn văn minh Việt cổ, thể hiện sự tôn kính đối với các vị thần linh, người có công lập đất, lập Mường và cầu mong cho vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội Khai hạ được tổ chức vào ngày 7 - 8 tháng Giêng âm lịch hằng năm tại Mường Bi (xã Mường Bi, tỉnh Phú Thọ)

Lễ hội Khai hạ được tổ chức vào ngày 7 - 8 tháng Giêng âm lịch hằng năm tại Mường Bi (xã Mường Bi, tỉnh Phú Thọ)

Sức sống trong kho tàng văn nghệ dân gian

Tuy không có chữ viết riêng, song người Mường Phú Thọ có một kho tàng văn nghệ dân gian phong phú, đa dạng với truyện cổ, tục ngữ, thơ ca dân gian và các bản tình ca ngọt ngào được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Đặc biệt là sử thi "Đẻ đất, Đẻ nước" (Té Tấc, Té Đạc) - bản hùng ca huyền thoại thể hiện sức mạnh hào hùng, anh dũng của dân tộc Mường.

Bên cạnh đó còn có các thể loại văn học dân gian độc đáo như: Nàng Nga - Hai Mối, Út Lót - Hồi Liêu; hát ru em, hát đố, đồng dao, hát xường, hát đúm, bộ mẹng, sáo ôi, lạc thổ, múa tung còn, chèo ma, phường bùa, cồng chiêng, pôồn pôông…

Giữa bản Mường Lầm yên bình, nếp nhà sàn của Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Lựng (xã Mường Bi, tỉnh Phú Thọ) mang đặc trưng kiến trúc cổ truyền của vùng Mường Bi. Ngôi nhà sàn gồm một gian hai chái, làm từ gỗ, nứa, tre. Tầng dưới (gầm nhà sàn) vẫn giữ nền đất, là nơi để các dụng cụ sản xuất như khung cửi, dao, cung, nỏ.

Tầng quan trọng nhất của ngôi nhà là tầng giữa, nơi thờ cúng tổ tiên, đồng thời là không gian sinh hoạt và nghỉ ngơi của gia đình. Tầng gác tuy đã giản tiện nhiều so với xưa, nhưng ông Lựng vẫn giữ lại một phần để lưu trữ các kỷ vật truyền thống của gia đình như một chiếc xanh đúc bằng đồng, ba cặp trò ổ (dụng cụ đựng chăn, màn, áo, gối, trang sức… của cô dâu khi về nhà chồng) đã được gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Lựng trao đổi với phóng viên về bộ lịch Đoi của người Mường

Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Lựng trao đổi với phóng viên về bộ lịch Đoi của người Mường

Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Lựng cho biết: “Xưa kia, người Mường Bi lập bản, lập Mường, xây dựng cuộc sống từ kinh nghiệm thực tiễn, tất cả được ghi rõ trong sử thi ‘Đẻ đất, Đẻ nước’ và được lưu truyền cho đến ngày nay. Nhà sàn cổ truyền của người Mường có kiến trúc bốn mái dốc theo hình con rùa. Khi làm nhà, người Mường đặc biệt coi trọng cầu thang, cửa chính, máng nước sinh hoạt, cối đuống... Dù nhà to hay nhỏ, các yếu tố đó luôn được đặt đúng vị trí.”

Không chỉ gìn giữ kiến trúc truyền thống, ông Lựng còn là một trong những nghệ nhân nắm giữ Mo Mường, luôn đau đáu trong việc bảo tồn phong tục, tập quán của người Mường Bi.

Nhà sàn cổ truyền của người Mường có kiến trúc bốn mái dốc, mô phỏng dáng con rùa - biểu tượng của sự trường tồn, vững chắc. Ảnh: Trường Foods

Nhà sàn cổ truyền của người Mường có kiến trúc bốn mái dốc, mô phỏng dáng con rùa - biểu tượng của sự trường tồn, vững chắc. Ảnh: Trường Foods

Văn hóa là tài sản phát triển

Theo ông Nguyễn Phi Long, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Thọ, việc bảo tồn các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch cần xác định người dân là chủ thể trung tâm. Việc bảo tồn phải đi đôi với phát huy giá trị tốt đẹp, đặc sắc và loại bỏ hủ tục lạc hậu, biến văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình" trở thành tài sản cho phát triển bền vững.

Dân tộc Mường còn có nhiều lễ hội độc đáo gắn với tiếng cồng, tiếng chiêng vang vọng, đánh thức núi rừng. Âm thanh cồng chiêng hiện diện trong mọi mặt đời sống - từ khi một đứa trẻ chào đời đến lúc tiễn biệt người thân về với tổ tiên. Văn hóa cồng chiêng đã được sáng tạo và lưu truyền qua hàng ngàn năm, góp phần quan trọng làm nên bản sắc của dân tộc Mường.

Nghệ nhân dân tộc Mường trình diễn nghệ thuật cồng chiêng

Nghệ nhân dân tộc Mường trình diễn nghệ thuật cồng chiêng

Mộc mạc và giản dị nhưng nền văn hóa đặc sắc của người Mường, cùng trường ca "Đẻ đất, Đẻ nước", vẫn bền bỉ truyền từ đời này sang đời khác, như dòng chảy văn hóa không bao giờ ngừng nghỉ.

Mang trong mình dòng máu con Lạc cháu Hồng, các thế hệ người Mường Phú Thọ hôm nay đang cùng nhau xây dựng bản làng, nâng cao đời sống văn hóa, phát triển kinh tế, xã hội ngày càng giàu đẹp, hạnh phúc… và chung tay cùng đồng bào cả nước xây dựng một nước Việt Nam phát triển, hùng cường.

Mộc Miên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/phu-tho-ban-sac-van-hoa-dan-toc-muong-de-dat-de-nuoc-a29603.html