Từ ký ức chiến tranh đến trang viết hôm nay
Từ ngày 1 đến 15-8, Nhà xuất bản (NXB) Quân đội nhân dân tổ chức Trại sáng tác văn học năm 2025 với chủ đề 'Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng' tại Nha Trang (Khánh Hòa), quy tụ 15 nhà văn, nhà thơ ở ba miền đất nước tham dự. Hoạt động này như một cách truyền lửa và khơi dòng, để có thêm những tác phẩm văn học về đề tài chiến tranh cách mạng.

Một số tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng do NXB Trẻ ấn hành, được tái bản nhiều lần
Dòng chảy tiếp nối qua từng thế hệ
Đã 50 năm đất nước thống nhất, lặng im tiếng súng nhưng đề tài về chiến tranh cách mạng vẫn giống như một dòng chảy mạnh mẽ, mời gọi các thế hệ cầm bút không ngừng sáng tạo, cho ra đời những tác phẩm văn học có giá trị. Đặc biệt gần đây, bên cạnh những thể loại chủ đạo, văn học về chiến tranh cách mạng còn được bổ sung thêm bởi hàng loạt hồi ký, tự truyện từ nhiều tác giả, trong đó có tướng lĩnh hoặc những người lính trở về từ các cuộc chiến. Có thể kể đến Được sống và kể lại (Trần Luân Tín), Ở R - Chuyện kể sau 50 năm (Lê Văn Thảo), Hồi ức lính (Vũ Công Chiến), Mùa chinh chiến ấy (Đoàn Tuấn), Đất K (Bùi Quang Lâm), Chuyện lính Tây Nam (Trung Sỹ), Rừng khộp mùa thay lá (Nguyễn Vũ Điền), Tiếng vọng đồi Khau Chỉa (Nguyễn Thái Long)…
Trong số này, nhiều tác phẩm đã được vinh danh bằng những giải thưởng và tặng thưởng uy tín. Cùng với đó, nhiều tác phẩm văn học và hồi ký về chiến tranh cách mạng do NXB Trẻ ấn hành như Ván bài lật ngửa (Nguyễn Trương Thiên Lý), Mình và họ (Nguyễn Bình Phương), Bút ký lính tăng - Hành trình đến Dinh Độc lập (Nguyễn Khắc Nguyệt), Những điệp viên may mắn (Nguyễn Văn Tàu)… được tái bản nhiều lần. Điều này cho thấy sức nặng của những tác phẩm phi hư cấu, được viết bởi chính những người trong cuộc; đồng thời cũng cho thấy việc đọc và tìm hiểu lịch sử dân tộc là một nhu cầu không thể thiếu.
Trước Trại sáng tác văn học "Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng" của NXB Quân đội nhân dân, Tạp chí Văn nghệ quân đội vừa kết thúc Trại viết "Văn học đề tài chiến tranh cách mạng và người lính” tại Đà Lạt (Lâm Đồng) vào tháng 6 năm nay. Dự trại có 15 tác giả đến từ các tỉnh, thành trên cả nước; trong đó, trại viên phần lớn là những người trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X. Kết thúc trại viết, ban tổ chức đã nhận được 15 truyện ngắn, 15 chùm thơ và 15 bài lý luận phê bình.
Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhiều người trẻ không trải qua chiến tranh nhưng họ vẫn viết với xu hướng khám phá con người trong bối cảnh chiến tranh. “Điều đó có nghĩa văn học về chiến tranh cách mạng không chỉ dừng lại ở việc ghi chép hiện thực hay trình bày những trải nghiệm trực tiếp của tác giả mà đã trở thành một đề tài phổ quát để các nhà văn sáng tạo, tìm cách mổ xẻ, phân tích, khám phá con người thông qua bối cảnh đó. Vì thế, chiến tranh cách mạng và người lính luôn là đề tài quan trọng đối với văn học Việt Nam”, nhà văn Nguyễn Bình Phương bày tỏ.
“Nhà văn sáng tác do nhu cầu nội tại của mình, tuy nhiên vấn đề cần được quan tâm chính là khâu quảng bá. Bởi thực tế cho thấy, những tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng có cách nhìn nhận, tiếp cận thiệt thòi hơn các đề tài khác. Trong khi giá trị giáo dục, giá trị lưu giữ của nó thì rất lớn”, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, bày tỏ.
Người viết trẻ cứ tự tin, mạnh dạn
Sự tiếp nối của dòng chảy văn học về chiến tranh cách mạng còn đến từ sự tham gia của lực lượng viết trẻ. Bên cạnh những cây bút thế hệ trước đã thành danh, nay có thêm sự tham gia đầy nhiệt huyết của những người viết trẻ như Nguyễn Thị Kim Hòa, Lê Vũ Trường Giang, Cao Nguyệt Nguyên, Huỳnh Trọng Khang, Lê Khải Việt… Nhờ đó, văn học về chiến tranh cách mạng không ngừng bổ sung, tạo nên sự phong phú, đa dạng về nội dung và bút pháp.

Cảnh trong phim Mưa đỏ, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Chu Lai viết về cuộc chiến ở Thành cổ Quảng Trị
Thuộc thế hệ 9X, nhà văn trẻ Lê Quang Trạng là cây bút nổi bật ở miền Tây hiện nay. Cùng với những trang văn phản ánh sinh động con người, vùng đất sông nước Tây Nam bộ, anh còn ghi dấu ấn với đề tài chiến tranh cách mạng. Với tập truyện ngắn Khói biên phương viết về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, Lê Quang Trạng vừa nhận giải B giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí của Bộ Quốc phòng về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2020 - 2025.
“Là người trẻ, không phải trải qua chiến tranh và đang được thụ hưởng thành quả của hòa bình, khi nhìn lại quá khứ, tôi luôn có sự tò mò và đặt ra nhiều câu hỏi cho mình. Càng đi sâu tìm hiểu, tôi càng có lời giải đáp cho chính mình và nhận ra rằng đằng sau lời giải đáp đó là sự biết ơn vô bờ đối với sự hy sinh của cha ông ta. Chính từ sự tò mò, ham muốn tìm hiểu và tìm cách lý giải cho riêng mình, tôi đã viết về chiến tranh cách mạng”, nhà văn Lê Quang Trạng chia sẻ.
Thực tế, có không ít tác giả trẻ mong muốn được viết về chiến tranh cách mạng, tuy nhiên, rào cản về trải nghiệm thực tế khiến họ không khỏi e ngại. Nhà văn Nguyễn Bình Phương cho rằng, đã gọi là văn học, là sáng tạo thì không cần thiết phải đạt đến độ chính xác của tư liệu, mà quan trọng nhất là cảm quan của người viết. Nếu đòi hỏi ở thế hệ sau sự chính xác về tư liệu thì nó lại thành ra ký, chứ không còn là sáng tác văn học.
Từ đó, nhà văn Nguyễn Bình Phương cho biết: “Theo tôi, người trẻ cứ tự tin cầm bút, chỉ có điều, cái gì về bản chất thì đừng thay đổi nó. Chẳng hạn như tính chất chính nghĩa từ những cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc ta thì anh không được phép làm sai lệch nó. Còn bối cảnh, chi tiết chính là mảnh đất cho nhà văn sáng tạo. Xét cho cùng chiến tranh cũng là một bối cảnh để con người bộc lộ mình. Người trẻ cứ mạnh dạn, tự tin viết, đừng câu nệ chuyện thực hay không thực, chính xác hay không chính xác”.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tu-ky-uc-chien-tranh-den-trang-viet-hom-nay-post805630.html