Phú Thọ: Giữ hồn dân tộc Mường trong dòng chảy hội nhập
Trong Đề án sáp nhập hợp nhất 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình thành tỉnh Phú Thọ đặt ra yêu cầu cao về tinh thần đoàn kết và bản sắc văn hóa vùng miền. Câu chuyện giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc Mường càng trở nên cấp thiết sau sáp nhập, bởi chỉ tính riêng ở Hòa Bình (cũ) tỷ lệ dân tộc Mường chiếm trên 63% dân số. Đây không chỉ là vấn đề bản sắc, mà còn là yếu tố cốt lõi để tỉnh Phú Thọ phát triển bền vững, khẳng định vị thế trong một không gian hành chính mới rộng lớn hơn.
Văn hóa dân tộc Mường - tài sản sống giữa đại ngàn
Người Mường Hòa Bình từ lâu đã kiến tạo nên một kho tàng di sản văn hóa phong phú, từ Mo Mường, chiêng Mường, sử thi Đẻ đất, đẻ nước, đến những lễ hội truyền thống, tri thức dân gian, nghề thủ công, nhà sàn, trang phục, ẩm thực... Trong đó, Mo Mường và nghệ thuật chiêng Mường đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đang được lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa nhân loại.

Trang phục truyền thống dân tộc Mường được trình diễn trong các sự kiện, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống hiện nay
Trong xu thế phát triển của xã hội hiện nay, tình trạng những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc ngày càng bị mai một. Nhà sàn truyền thống chỉ còn chưa đầy 10%; tiếng nói, chữ viết, trang phục, các trò chơi dân gian cũng đang dần lùi sâu vào ký ức cộng đồng. Đáng lo ngại hơn, lớp trẻ ngày càng ít quan tâm đến tiếng Mường, không biết hoặc không sử dụng tiếng mẹ đẻ trong sinh hoạt thường ngày. Vì vậy xây dựng và duy trì hiệu quả các mô hình Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa Mường là việc làm cần thiết để tạo môi trường, không gian cho bà con Nhân dân bảo tồn, thực hành và lan tỏa di sản văn hóa dân tộc. Qua đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần, tạo sự đoàn kết, gắn bó và sẻ chia trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh Phú Thọ.
Tháng 11/2023, UBND tỉnh Hòa Bình (cũ) đã ban hành Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền văn hóa Hòa Bình giai đoạn 2023 - 2030”, thể hiện rõ quyết tâm chính trị trong việc giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống giữa bối cảnh chuyển động của thời đại. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng không gian văn hóa dân tộc Mường tại huyện Tân Lạc - một “thủ phủ văn hóa Mường” với các khu vực trình diễn, tổ chức Lễ hội Khai hạ, phục dựng làng cổ, phát triển du lịch cộng đồng... Đồng thời, tu bổ, tôn tạo các di tích như Hang Xóm Trại (xã Tân Lập) và Mái đá Làng Vành (xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản nhân loại.

Bà Quách Thị Kiều - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình (cũ)
Theo bà Quách Thị Kiều - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình (cũ), cho biết: Mục tiêu chung của Đề án: Tỉnh Hòa Bình có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mường là cư dân bản địa chiếm hơn 63% dân số toàn tỉnh. Trong quá trình sinh sống, lao động sản xuất, người Mường ở Hòa Bình đã sáng tạo ra những giá trị văn hóa độc đáo, thể hiện trong phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống, dân ca, dân vũ, truyện cổ tích, tục ngữ, lễ hội, tri thức dân gian… đặc biệt là diễn xướng Mo sử thi. Các yếu tố văn hóa truyền thống của người Mường khá đa dạng và phong phú, chứa đựng những giá trị văn hóa đặc sắc. Di sản văn hóa của người Mường Hòa Bình là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, là cơ sở để sáng tạo những giá trị văn hóa mới. Hiện nay, tiến trình đô thị hóa với nếp sống văn minh đô thị đã tác động mạnh mẽ vào đời sống của đồng bào dân tộc Mường cả những mặt tích cực và tiêu cực, nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị mai một, thậm chí biến mất khỏi đời sống cộng đồng người Mường.

Di sản văn hóa của người Mường Hòa Bình là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, là cơ sở để sáng tạo những giá trị văn hóa mới
Bà Quách Thị Kiều cho biết thêm: “Văn hóa Hòa Bình” là một nền văn hóa cổ đại thời đại đồ đá thuộc giai đoạn tiền sơ sử trong tiến trình phát triển của lịch sử loài người đã xuất hiện và tồn tại ở Việt Nam, trong đó thể hiện rõ nhất tại tỉnh Hòa Bình. Thuật ngữ “Văn hóa Hòa Bình” được giới khảo cổ học chính thức công nhận từ ngày 30/01/1932 do đề xuất của Bà Madeleine Colani tại Đại hội các nhà Tiền sử Viễn Đông họp tại Hà Nội. “Văn hóa Hòa Bình” tồn tại trong khoảng thời gian dài khoảng 30.000 - 3.500 năm cách ngày nay. “Văn hóa Hòa Bình” có vị trí quan trọng trong thời đại đồ đá ở Việt Nam cũng như trên thế giới; là tài sản vô cùng quý báu, đóng góp cho thế giới những tư liệu khoa học quan trọng, làm rõ thêm bức tranh tiền sơ sử tại Việt Nam. Hòa Bình với địa hình các dải núi đá vôi đã tạo ra nhiều thung lũng với hệ động, thực vật phong phú, nên ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất Hòa Bình, để lại một nền văn hóa nổi tiếng - “Văn hóa Hòa Bình”, đây là một di sản quý giá của đất nước và nhân loại, cần phải được tiếp tục nghiên cứu và bảo tồn phát huy giá trị mang tầm thế giới”.
“Với ý nghĩa quan trọng của văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình”, ngày 24/11/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2742 /QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023 - 2030. Mục tiêu của Đề án tập trung nghiên cứu, đánh giá việc bảo tồn giá trị của nền “Văn hóa Hòa Bình”, bản sắc văn hóa dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể một cách khoa học và hệ thống. Khơi dậy, phát huy tiềm năng giá trị di sản văn hóa, hướng tới hình thành một số không gian văn hóa dân tộc Mường, không gian bảo tồn nền “Văn hóa Hòa Bình”, xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa lành mạnh trong Nhân dân. Mở rộng giao lưu văn hóa để làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Huy động nguồn lực đầu tư, quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị, di sản văn hóa truyền thống, di sản văn hóa khảo cổ gắn với phát triển du lịch bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân”, bà Quách Thị Kiều nhấn mạnh
Cũng theo Bà Kiều, về bảo tồn và phát huy nền “Văn hóa Hòa Bình” đã hoàn thiện hồ sơ khoa học trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích Hang xóm Trại và Mái đá Làng Vành, huyện Lạc Sơn là di tích quốc gia đặc biệt. Tham mưu cho tỉnh tổ chức Lễ công bố Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Hang xóm Trại và Mái đá Làng Vành, huyện Lạc Sơn vào ngày 16/11/2024. Tiếp tục phối hợp với Viện Khảo cổ mời các nhà khoa học trong nước và quốc tế tiến hành thám sát và nghiên cứu xác định giá trị các di sản khảo cổ của nền “Văn hóa Hòa Bình” làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương xây dựng hồ sơ khoa học về nền “Văn hóa Hòa Bình” đệ trình tổ chức UNESCO...

Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường được duy trì tổ chức hàng năm để giới thiệu bản sắc văn hóa tới du khách trong và ngoài nước
Hệ thống các lễ hội truyền thống 4 Mường lớn của tỉnh như Mường Bi, Mường Thàng, Mường Động đang dần được khôi phục quy mô cấp tỉnh, tạo thành sản phẩm văn hóa - du lịch độc đáo. Năm 2022, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ năm 2023 - 2025, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường được tổ chức quy mô cấp tỉnh, mở ra cơ hội quảng bá mạnh mẽ hơn nữa hình ảnh người Mường Hòa Bình tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Chị Nguyễn Bích Ngọc, du khách đến từ Hà Nội lần đầu tham dự Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường năm 2025 chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với không gian văn hóa Mường tại Lễ hội Khai hạ. Từ tiếng chiêng rộn ràng, điệu múa truyền thống đến các món ẩm thực dân tộc đều mang lại cảm xúc rất đặc biệt. Đây không chỉ là chuyến du lịch, mà còn là hành trình trải nghiệm và thấu hiểu chiều sâu văn hóa của người Mường”.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng, sự ra đời của bộ chữ viết dân tộc Mường có vai trò quan trọng lưu giữ di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường, bởi chỉ có chữ viết mới có thể ghi lại Mo Mường một cách chính xác, đầy đủ và khoa học. Từ bản ghi chính thức này, Mo Mường được dịch sang tiếng Anh và các ngôn ngữ khác phục vụ việc lập hồ sơ khoa học. Bên cạnh đó, tiếng Mường khẳng định tính trường tồn cùng vốn văn hóa dân tộc trong các làn điệu dân ca, hát đối, thường rang, bộ mẹng..
Nuôi dưỡng và gìn giữ bản sắc dân tộc Mường
Sáp nhập không chỉ là bài toán về địa giới hành chính, mà còn đặt ra những câu hỏi lớn về định vị bản sắc vùng miền, để không bị hòa tan giữa muôn mặt văn hóa. Với Hòa Bình, văn hóa Mường giữ vai trò chủ thể thì bảo tồn văn hóa dân tộc không chỉ là bảo tồn một di sản, mà là gìn giữ “cái tôi” riêng biệt, là nền tảng để cùng đóng góp vào bản sắc chung của tỉnh mới.
Bà con dân tộc Mường mong muốn sau sáp nhập tỉnh, văn hóa dân tộc Mường tiếp tục được quan tâm đúng mức. Không thể phát triển bền vững nếu để bản sắc bị mờ nhạt. Văn hóa không chỉ để trưng bày mà phải sống trong cộng đồng. Bản sắc chính là năng lực mềm tạo nên sức mạnh nội sinh của tỉnh và văn hóa Mường là một phần hồn cốt không thể thay thế trong tổng thể ấy.

Những nghệ nhân nắm giữ tri thức Mo Mường cần được tôn vinh đúng mực, hỗ trợ truyền dạy
Từ chính sách bảo tồn lễ hội, phục dựng nhà sàn, khôi phục nghề dệt thổ cẩm, tổ chức lớp dạy chữ Mường, nâng cao đãi ngộ nghệ nhân... đến việc kết hợp văn hóa với phát triển du lịch, mỗi bước đi đều cần gắn với chiến lược dài hạn. Văn hóa cần sống trong cộng đồng, không chỉ trưng bày trong bảo tàng. Những nghệ nhân nắm giữ tri thức Mo Mường cần được tôn vinh đúng mực, hỗ trợ truyền dạy. Mỗi lớp học tiếng Mường không chỉ giúp học sinh hiểu thêm cội rễ, mà còn là mạch nguồn văn hóa tiếp nối.
Trong giai đoạn tới, với nền tảng đã có, tỉnh Phú Thọ tiếp tục huy động mạnh mẽ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng từ việc lồng ghép các nội dung bảo tồn văn hóa vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đến xã hội hóa nguồn lực bảo tồn di sản. Từ tuyên truyền sâu rộng về giá trị của văn hóa Mường, đến khuyến khích người dân sáng tạo các sản phẩm văn hóa - du lịch mang dấu ấn riêng, biến di sản thành tài sản góp phần nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn.
Văn hóa là sợi dây kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai. Trong không gian hành chính mới, văn hóa Mường như một điểm tựa để phát triển hài hòa và bền vững. Bởi vậy, việc giữ lấy cội nguồn, nuôi dưỡng bản sắc là cách để giá trị văn hóa dân tộc Mường không chỉ “hội nhập” mà còn “nâng tầm”.

Tỉnh Phú Thọ tiếp tục huy động mạnh mẽ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng từ việc lồng ghép các nội dung bảo tồn văn hóa vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đến xã hội hóa nguồn lực bảo tồn di sản
Các giải pháp cụ thể từ việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường
Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường trong bối cảnh hội nhập, cần có các giải pháp đồng bộ từ việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đến việc lồng ghép văn hóa vào các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch.
Bảo tồn và phát huy văn hóa
Tổ chức và duy trì các lễ hội truyền thống của người Mường, như lễ hội Khuống mùa (Khai Hạ), lễ hội đình Vai, đình Cổi, lễ hội chùa Hang, chùa Kè, đình Xàm, lễ hội đền Bờ, lễ hội đền và miếu Trung Báo; Khuyến khích và hỗ trợ người Mường mặc trang phục truyền thống trong các dịp lễ, Tết, và các sự kiện quan trọng; Bảo tồn và phát triển các món ăn truyền thống của người Mường, giới thiệu ẩm thực Mường đến với du khách; Hỗ trợ các nghệ nhân duy trì và phát triển các nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, làm đồ trang sức, đan lát. Bảo tồn và truyền dạy Mo Mường, một di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của người Mường; Tổ chức các lớp dạy tiếng Mường, khuyến khích người Mường sử dụng tiếng mẹ đẻ trong giao tiếp hàng ngày.
Lồng ghép văn hóa vào phát triển kinh tế, du lịch
Xây dựng các tour, tuyến du lịch khám phá văn hóa Mường, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống của người Mường đến với du khách; Khuyến khích người dân sáng tạo các sản phẩm du lịch mang đậm dấu ấn văn hóa Mường, như đồ thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm, đặc sản địa phương, v.v.
Kết hợp văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mang giá trị văn hóa Mường, góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Tuyên truyền, giáo dục
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về giá trị văn hóa Mường trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tích hợp các nội dung về văn hóa Mường vào chương trình giảng dạy trong trường học.
Sự tham gia của cộng đồng
Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa Mường. Tôn vinh và hỗ trợ các nghệ nhân, người nắm giữ tri thức văn hóa Mường.
Việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường trong bối cảnh hội nhập là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự nỗ lực của toàn xã hội. Bằng cách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời kết hợp văn hóa với phát triển kinh tế, du lịch, chúng ta có thể giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường, làm giàu thêm kho tàng văn hóa Việt Nam.